Mạo hiểm tính mạng để selfie sống ảo: Khi những chiếc 'like' trở nên khốn cùng

Nếu cứ chạy theo số “like” để khẳng định bản thân, sẽ có lúc bạn phải trả một cái giá đắt.

Những bức ảnh có giá bằng… mạng sống

Sinh ra và lớn lên trong thời đại bùng nổ của mạng xã hội, nhiều bạn trẻ cho rằng số “like" hay “follow" trên trang cá nhân là định nghĩa hùng hồn cho giá trị một con người. Bởi thế nên ở bất kỳ đâu và trong mọi hoàn cảnh, họ luôn cố gắng tìm kiếm sự ghi nhận từ người khác, mà hình thức đơn giản nhất là những tấm ảnh selfie đẹp.

Tối 6/4 vừa qua lực lượng chức năng Nghệ An đã tìm được thi thể một nữ sinh 16 tuổi bị tàu hỏa đâm rơi xuống sông . Lí do của cái chết thương tâm này không còn gì chua xót hơn: chụp ảnh selfie đúng lúc tàu đi tới. Tương lai và tuổi thanh xuân rực rỡ đã khép lại đối với một cô bé còn quá trẻ.

Hiện trường vụ tại nạn thương tâm ở Nghệ An.

Không chỉ ở Việt Nam, thế giới cũng đã có nhiều câu chuyện buồn liên quan tới việc chụp ảnh sống ảo bất chấp tính mạng.

Mới đây một cô gái trẻ đến từ thành phố Sacramento (bang California, Mỹ) đã bị rơi từ trên cầu xuống ở độ cao gần 223m khi đang chụp ảnh ở khu vực nguy hiểm. Dù may mắn sống sót nhưng thiếu nữ đã phải phẫu thuật khẩn cấp trong tình trạng bất tỉnh và gãy nhiều xương trên cơ thể.

Một 9X người Anh vừa qua cũng đã phải nhập viện trong tình trạng thương tích nặng khi đang du lịch tại Thái Lan. Anh này bị ngã từ đoàn tàu khi đang thò đầu ra ngoài cửa sổ “sống ảo" .

Khi những tai nạn đau lòng xảy ra, người phải gánh chịu hậu quả trước tiên là những bạn trẻ với thương tích nặng nề trên cơ thể thậm chí là mất cả mạng sống. Gia đình, người thân và bạn bè của họ cũng gián tiếp phải chịu đựng nỗi đau do những trò “nghịch dại" vô thưởng vô phạt. Có lẽ khi thực hiện những hành động selfie thiếu ý thức này, các bạn trẻ ấy đã vô tình quên đi một sự thật quan trọng: Giá trị sống của một con người không được đo đếm bằng những chiếc “like".

Với mong muốn sở hữu những tấm hình độc đáo, nhiều người trẻ bất chấp cả mạng sống để đến đường ray chụp ảnh.

Sự khốn cùng của những chiếc “like"

Khao khát được công nhận là một bản năng của con người. Đối với các Millennials (những người thuộc thế hệ 8X cho tới gần những năm 2000), nhu cầu này không chỉ dừng lại ở mức thông thường mà nó đã thực sự trở nên trầm trọng bởi cuộc sống của họ đã gắn bó quá chặt chẽ với Facebook, Instagram và những nền tảng mạng xã hội tương tự.

Những người trẻ hiện nay say sưa like và bình luận lẫn nhau thậm chí còn hăng hái hơn khi họ gặp gỡ trực tiếp ở ngoài đời.

Theo Simon Sinek, diễn giả nổi tiếng của Ted Talk đồng thời là tác giả cuốn sách Start With Why: How Great Leaders Inspire Everyone to Take Action thì điện thoại thông minh và mạng xã hội sẽ khiến cơ thể người sử dụng tiết ra Dopamine - một chất khiến chúng ta cảm thấy thỏa mãn tương tự như khi hút thuốc, uống rượu hay 'làm tình'… Và điều đáng nói là cảm giác thích thú này có khả năng gây nghiện. Vậy nên khi có ai đó vừa like bài đăng mới của bạn, hay gửi cho bạn một tin nhắn, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn một chút.

Hình ảnh nhiều người trẻ cắm mặt vào điện thoại mọi lúc mọi nơi không khó bắt gặp trên đường phố. (Ảnh: Zing)

Cơn nghiện sự công nhận vô hình chung khiến những người trẻ không thể ngừng việc tạo dựng giá trị bản thân thông qua hình ảnh của mình trên mạng xã hội. Đi chơi - chụp ảnh check-in cái đã. Đi ăn - khoan khoan, phải chụp lại khi còn đủ món. Ngủ dậy - trang điểm xong lại vào giường nằm tiếp, chụp thêm cái ảnh giả vờ ngái ngủ… Những chiếc “like" ảo đang tạo ra sự khốn cùng “thật" cho các bạn trẻ: khi mà họ gò ép bản thân khổ sở, liều mình như chẳng có chênh vênh nơi vách đèo vách núi, đường tàu, sống suối... trước camera của điện thoại thông minh chỉ để thỏa mãn sự hiếu kỳ trên mạng.

Có lẽ khi lệ thuộc vào sự đánh giá từ môi trường ảo quá nhiều, những người trẻ đang dần mất đi khả năng nhìn sâu vào bản thân để hiểu mình là ai, mình muốn gì, điểm mạnh của mình là gì. Một chàng trai chụp ảnh treo mình lơ lửng trên đỉnh tòa nhà chưa chắc đã đủ bản lĩnh để đối mặt với những khó khăn thực tế ngoài cuộc sống. Một cô gái lung linh trước điện thoại chẳng chắc ngoài đời đã xinh, sau khi mất hàng tiếng đồng hồ để tô vẽ và chọn góc ngồi. Họ lệ thuộc vào sự ghi nhận ảo, phải chăng là bởi từ tận đáy lòng - họ không đủ tự tin với chính mình?

Mạng xã hội giúp chúng ta có thêm công cụ để thể hiện bản thân và kết nối với thế giới, nhưng nó không định nghĩa được bạn là ai. Thay vì selfie sống ảo thái quá, hãy dành thời gian bồi đắp những điều quan trọng đối với bản thân.

Cho đến khi bạn có thể bỏ điện thoại xuống để thưởng thức mùi vị thơm ngon của bữa ăn, hít thở khí trời thay vì chăm chăm sống ảo, và thực sự mở lòng trò chuyện với người bên cạnh thay vì chăm chỉ bình luận cho một ai đó trên mạng chẳng hề quen - khi ấy, bạn mới thực sự sống đúng giá trị của chính mình.

Theo Levi Spiderum/Baodatviet.vn

Nguồn Tiin: http://tiin.vn/chuyen-muc/song/mao-hiem-tinh-mang-de-selfie-song-ao-khi-nhung-chiec-like-tro-nen-khon-cung.html