Mất kiểm soát Uber và Grab taxi: Trách nhiệm của ai?

Sau Grab, đến lượt Uber vừa được Bộ GTVT chính thức thông qua cho phép hoạt động tại Việt Nam.

Nghĩa là một số đô thị lớn, trong đó có Hà Nội, TP Hồ Chí Minh sẽ phải tiếp tục gánh chịu những hệ lụy phức tạp của loại hình “taxi công nghệ” này, bất chấp việc suốt thời gian qua đã phải khẩn thiết đề nghị Bộ GTVT xem xét từ thực tế, thận trọng khi đưa ra quyết định.
Không lạc quan như Bộ nói
Sau nhiều lần bị từ chối, mới đây, Bộ GTVT đã chính thức thông qua Đề án ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong vận tải khách hợp đồng đối với Uber. Trước đó, Bộ GTVT cũng đã thông qua Đề án của GrabTaxi Việt Nam với thời gian thí điểm 3 năm (2016 - 2018) tại 5 TP lớn. Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT Trần Bảo Ngọc cho biết, đến nay, đề án thí điểm đã được triển khai tại 3 tỉnh, TP gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa. Hiện có 6 đơn vị cung cấp phần mềm chính thức, 235 đơn vị vận tải với 13.534 xe tham gia thí điểm. Ông Ngọc khẳng định: “Qua thời gian thí điểm về công tác quản lý nhà nước, ngành đã nắm bắt được số lượng đơn vị vận tải, số lượng phương tiện. Đồng thời, bảo đảm được các điều kiện đối với phương tiện; nội dung ứng dụng hợp đồng điện tử được đáp ứng. Hành khách được công khai minh bạch, biết trước được các thông tin về hành trình và khoản tiền phải chi trả cho chuyến đi”.

Uber Taxi phát triển nhanh chóng trong thời gian qua gây ảnh hưởng không nhỏ đến các hãng taxi truyền thống. Ảnh: Chiến Công

Tuy nhiên, nhiều sở, ngành địa phương, nơi đang trực tiếp quản lý và giám sát hoạt động của loại hình “taxi công nghệ” này lại không lạc quan như Bộ GTVT. Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Hà Huy Quang chia sẻ rất thật: “Chúng tôi không nắm nổi Uber có mấy nghìn xe, chúng tôi “nài nỉ” xin số liệu mà không được”. Đại diện Sở GTVT Hà Nội lý giải, logo do DN chủ động dán với số lượng do Bộ duyệt; cùng một chủng loại xe, một số ghế ngồi mà taxi thường bị cấm đi, còn Uber, Grab cứ mặc sức chạy bất kể giờ giấc, đường phố… Sở GTVT không có cách nào quản lý được. Cùng chung quan điểm này, ông Nguyễn Ngọc Giao - Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho hay, đơn vị đang “bó tay” trong quản lý xe Grab và Uber. “TP Hồ Chí Minh đã đề nghị dừng cấp phép xe dưới 9 chỗ chạy hợp đồng và xây dựng quy hoạch xe hợp đồng, đồng thời yêu cầu các xe Uber, Grab phải dán logo, phù hiệu để quản lý” - ông Giao cho biết.
Câu chuyện quản lý
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường thừa nhận, hiện nay, các văn bản pháp luật chưa theo kịp để quản lý loại hình Uber, Grab nên có sự lúng túng. Vì vậy, Bộ GTVT đang sửa Nghị định 86/NĐ - CP năm 2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, nhằm có giải pháp tích cực để quản lý loại hình này. Nhưng ông Trường cũng cho rằng: “Các sở GTVT không kiểm soát được hoạt động của các loại hình này, một phần xuất phát từ sự yếu kém về quản lý nhà nước (?)”.

Phản bác quan điểm của Thứ trưởng Bộ GTVT, chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng nhìn nhận: “Khi Bộ duyệt đề án có lấy ý kiến của các sở GTVT và chính quyền địa phương? Có xuất phát từ thực tế là ngay chính Bộ cũng chưa có biện pháp nào thiết thực để quản lý loại hình “taxi công nghệ”? Có tính đến những hệ lụy về kinh tế - xã hội, an ninh trật tự mà nó gây ra cho các địa phương?”. Đại diện Sở GTVT Khánh Hòa cho rằng, đa số đối tác của Uber, Grab là xe tư nhân, núp bóng dịch vụ hỗ trợ, lách qua kẽ hở để kinh doanh; trong khi chúng ta quản lý rất chặt xe taxi truyền thống thì lại quá lỏng lẻo đối với xe hợp đồng, nhất là xe sử dụng hợp đồng điện tử.
Giờ đây, khi “taxi công nghệ” đã phát triển trên quy mô lớn, vượt ngoài tầm kiểm soát của địa phương và của chính mình, lãnh đạo Bộ GTVT mới nhận thấy số lượng xe hợp đồng tại các TP là quá lớn. Bộ yêu cầu các sở GTVT lập quy hoạch cụ thể số lượng xe trên địa bàn, báo cáo để Bộ trình Chính phủ đưa ra lộ trình quản lý mới. Ông Thắng đặt câu hỏi: “Bộ ký cho thực hiện, Bộ nói là Sở bất lực không quản lý được, rồi Bộ lại yêu cầu báo cáo để trình Chính phủ quyết định. Thế thì vai trò của Bộ là gì? Áp dụng công nghệ vào kinh doanh vận tải là không sai, là xu hướng tất yếu, nhưng trong khi chưa có cách quản lý mà đã cho phép thực hiện để phát sinh hệ lụy phức tạp đến thế thì trách nhiệm là của ai?”.

Cuối năm 2015, TP Hồ Chí Minh chỉ có 200 - 300 xe dưới 9 chỗ chạy hợp đồng; từ ngày 28/2/2016 bắt đầu thí điểm loại hình Grab, số lượng xe tăng gấp 10 lần, lên 2.437 xe; tới 31/8/2016 đã tăng gấp 30 - 40 lần, lên 9.422 xe; tháng 12/2016 đã có hơn 15.000 xe và đến đầu tháng 4 năm nay đã tăng khoảng 100 lần, đạt 22.000 xe.

Về bản chất, Uber và Grab là xe taxi, không phải xe hợp đồng ứng dụng điện tử, nên phải quản lý như taxi truyền thống. Bộ GTVT nên dừng mở rộng và sớm kết thúc thí điểm để tổng kết, đánh giá xem có nên triển khai tiếp hay không, nếu làm tiếp phải có biện pháp quản lý thế nào cho hiệu quả.

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Hà Huy Quang

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/mat-kiem-soat-uber-va-grab-taxi-trach-nhiem-cua-ai-285792.html