Mặt tối cuộc chiến chống ma túy tàn khốc ở Philippines

Chính sách mạnh tay chống ma túy của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã khiến tỉ lệ phạm tội ở đất nước này giảm hẳn. Nhưng việc cho phép an ninh và cả dân thường bắn chết tại chỗ những nghi phạm liên quan tới ma túy đang làm dấy lên lo ngại về khả năng giết lầm người vô tội, cùng nhiều hệ lụy khác.

Bức ảnh biểu tượng, được gọi là Pietà của khu ổ chuột Manila, cho thấy cái giá về sinh mạng trong cuộc chiến chống ma túy Philippines.

“Pietà của khu ổ chuột Manila”

Michael Siaron sống cùng vợ trong một chiếc lán nằm bên cạnh một mương nước đầy rác rưởi tại thủ đô Manila của Philippines. Chưa từng học xong phổ thông, anh kiếm sống bằng những công việc lặt vặt như sơn nhà, làm phục vụ trong các cửa hàng ăn nhanh.

Gần đây anh chuyển qua hành nghề chạy xe lai, với khoản thu nhập chừng 2USD mỗi ngày thông qua việc chở khách đi qua những con hẻm chật hẹp, tại một khu vực xập xệ ở Manila. Một đêm nọ, anh dừng chân bên gánh bán hoa quả rong của cha để xin một quả táo. Anh nói với cha rằng sẽ làm một cuốc xe nữa rồi về nhà. Nhưng khi Siaron mới chạy xe đi một đoạn, vài tay súng cưỡi mô tô đã nhanh chóng áp sát. Các sát thủ ngồi trên mô tô bình tĩnh chĩa súng vào người Siaron, bắn liền vài phát đạn, khiến anh chết tại chỗ. Chúng còn vứt lại một tấm biển đề dòng chữ “kẻ vận chuyển ma túy”, rồi mới bỏ đi.

Những gì diễn ra sau đó đã trở thành biểu tượng quốc gia, cho thấy cái giá về sinh mạng đang hình thành tại cuộc chiến chống ma túy do Tổng thống Rodrigo Duterte phát động. Khi nghe tin chồng bị bắn, vợ của Siaron là chị Jennilyn Olayres đã chạy vội ra phố. Chị lao qua rào chắn của cảnh sát rồi sụp xuống bên xác chồng, lúc đó đã nằm lạnh ngắt dưới lòng đường.

Các nhiếp ảnh gia có mặt vội vã bấm máy, và họ thu được một bức ảnh rất ấn tượng, ghi lại cảnh người phụ nữ vô cùng đau khổ ôm lấy thi thể không còn sự sống của chồng dưới ánh đèn đường vàng vọt. Tấm ảnh được gọi là “Pietà của khu ổ chuột Manila”, bởi nó giống kiệt tác lừng danh do Michelangelo vẽ, mô tả cảnh Đức mẹ đồng trinh ôm xác Chúa Jesus.

Sợ bị giết, hàng loạt nghi phạm buôn bán, sử dụng ma túy đã ra hàng cảnh sát.

Chính sách ưu tiên bắn bỏ thay vì bắt giữ

Có một điều gần như chắc chắn là cảnh sát sẽ không quan tâm điều tra xem chuyện gì đã diễn ra quanh cái chết của Siaron. Các tay súng đã giết anh sẽ không bị săn lùng hay đối mặt với bất kỳ quy trình xét xử nào. Thậm chí người giết anh có thể là cảnh sát, lực lượng chịu trách nhiệm chống tội phạm và duy trì trật tự xã hội.

Kể từ khi trở thành Tổng thống Philippines cách đây hơn một tháng, ông Duterte đã thề sẽ hành động cứng rắn với tội phạm ma túy, khi cho phép cảnh sát và quân đội bắn chết các nghi phạm buôn bán thứ hàng cấm này. Tới nay, chiến dịch đã khiến gần 1.000 người thiệt mạng - một con số thống kê dựa trên các báo cáo của cảnh sát và tin tức do báo chí địa phương cung cấp, dù các nhóm nhân quyền tin rằng số lượng thực sự lớn hơn nhiều, bởi không ít nạn nhân bị giết bởi những người dân có vũ trang. Phần lớn trong số đó bị giết khi đối đầu với cảnh sát và ít nhất 154 người bị giết bởi những người có vũ trang. Lo sợ bị giết chết, 114.833 kẻ buôn bán ma túy đã vội ra đầu thú cảnh sát.

Khi nói trong bài phát biểu đầu tiên trước nhân dân Philippines, ông Durtete đã tái khẳng định quan điểm “không bắt tù nhân” của mình. Ông còn yêu cầu cảnh sát “tăng gấp 3 lần” nỗ lực chống tội phạm. “Chúng ta sẽ không ngừng lại cho tới khi trùm ma túy, kẻ vận chuyển ma túy và kẻ cấp vốn cuối cùng cho tội phạm ma túy bị tiêu diệt”, ông tuyên bố.

Nhưng các nhóm nhân quyền, các nhà hoạt động Công giáo và gia đình nhiều người bị giết trong chiến dịch trấn áp nói rằng đại đa số nạn nhân là dân Philippines nghèo khổ, không có liên quan tới hoạt động buôn bán ma túy. Họ không hề bị buộc tội hay đưa ra tòa án xét xử. Thay vì thế, người ta bắn gục họ ngay ngoài phố.

“Đó không phải là những trùm ma túy giàu có, quyền lực, đang thực sự kiểm soát nguồn cung trên các con phố ở Philippines”, Phelim Kine - Phó Giám đốc Tổ chức Giám sát nhân quyền ở Châu Á cho biết.
Luật sư nhân quyền hàng đầu Philippines, ông Jose Manuel Diokno, cảnh báo hồi tuần trước rằng ông Duterte đã kích hoạt một “vụ nổ hạt nhân bạo lực đang vượt tầm kiểm soát và qua đó sinh ra một nhà nước không có các thẩm phán”. Gây tranh cãi, nhưng được dân Philippines ủng hộ

Xác chết của những người bị nghi ngờ phạm tội ma túy liên tục xuất hiện trên đường phố Philippines.

Những người chỉ trích chiến dịch của Tổng thống Durtete hiện đang nêu bật trường hợp của Siaron như một vụ bị giết oan điển hình. Gia đình liên tục khẳng định anh không phải là một kẻ buôn bán ma túy, dù thi thoảng có dùng ma túy “đá” methaphetamine.

Trước những lời phê phán rằng chính sách chống ma túy của mình chà đạp lên quy trình pháp lý thông thường, ông Duterte tuyên bố nhân quyền “không thể được sử dụng như một chiếc lá chắn bảo vệ hành động phá hoại đất nước này”. Ông cũng kêu gọi các tay buôn bán ma túy đầu thú, hoặc sẽ bị săn lùng. Lời đe dọa này đã được tăng sức nặng qua hình ảnh các xác chết xuất hiện gần như mỗi ngày trên nhiều con phố ở thủ đô Philippines.

Có một thực tế là chiến dịch chống ma túy gây tranh cãi của ông Duterte dường như đã giúp giảm bớt hoạt động phạm tội nói chung ở Philippines. Cảnh sát thông báo đã bắt giữ hơn 2.700 người liên quan tới các cáo buộc sử dụng hoặc bán ma túy trái phép. Tỉ lệ phạm tội trên toàn quốc cũng giảm 13% kể từ khi cuộc bầu cử tổng thống Philippines diễn ra, cụ thể là có 46.600 vụ xuất hiện trong tháng 6 so với 52.950 trong tháng 5.

Và dù khiến dư luận ngoài nước sửng sốt, chiến dịch trấn áp của ông Duterte đã rất được lòng người dân trong nước. Các cử tri Philippines, mệt mỏi vì tình trạng phạm tội nghiêm trọng và lực lượng cảnh sát tham nhũng, kém hiệu quả kéo dài nhiều năm, đã quyết định trao cho Duterte chiếc ghế tổng thống trong cuộc bầu cử hồi tháng 5 và đón nhận phương thức tiễu trừ tội phạm rất bạo lực của ông. Một cuộc thăm dò quốc gia được thực hiện sau cuộc bầu cử và một cuộc nữa trước khi Duterte tuyên thệ nhậm chức cho thấy 84% người Philippines thể hiện họ “rất tin tưởng” ông.

Được biết mô hình để Duterte dựa vào và hình thành chính sách chống tội phạm hiện nay là ở thành phố Davao. Đây là nơi ông ngồi ghế thị trưởng trong suốt 20 năm. Thành phố này có những quy định hết sức nghiêm khắc - gồm một lệnh giới nghiêm và một lệnh cấm hút thuốc, bên cạnh các chính sách không khoan dung với kẻ buôn bán và sử dụng ma túy - đã khiến nó trở thành ốc đảo an toàn tại một khu vực vẫn chìm đắm trong bạo lực nghiêm trọng.

Tuy nhiên mặt tối của chính sách này là hơn 1.000 người bị giết bởi các đội sát thủ được chính quyền bảo hộ. Tờ New York Times cho biết đây là thông tin do một số cuộc điều tra độc lập đưa ra. Cá nhân ông Duterte đã bác bỏ việc có biết về sự tồn tại của các nhóm sát thủ này. Nhưng từ lâu ông vẫn kêu gọi việc giải quyết vấn đề phạm tội bằng cách bắn bỏ các nghi phạm - những đối tượng bị ông gọi là “mục tiêu hợp lệ của hoạt động ám sát”. Ông cũng nhắc đi nhắc lại rằng những người bập vào methaphetamin, loại ma túy phổ biến nhất ở Philippines, đã không còn có thể cứu vớt được nữa.

Duterte chạy đua vào ghế tổng thống Philippines chủ yếu dựa trên lời hứa áp dụng cùng một chính sách như ở Davao trên toàn quốc. Ông cũng hứa hẹn sẽ giết 100.000 tên tội phạm trong 6 tháng đầu cầm quyền. Trong khi con số 100.000 có thể hơi khoa trương theo phong cách điển hình của ông Duterte, lời đe dọa tiêu diệt hàng loạt tội phạm dường như đã thành hiện thực.

Nạn nhân bị bịt băng dính kín mặt, tấm biển ghi dòng chữ “kẻ buôn ma túy” hoặc “kẻ vận chuyển ma túy” được vứt cạnh xác.

“Hãy tiêu diệt ma túy, đừng giết người”

Trước các vụ giết chóc diễn ra liên tiếp ở Philippines, Liên minh chính sách chống ma túy quốc tế, một mạng lưới gồm nhiều tổ chức phi chính phủ, đã gửi thư lên các cơ quan chống ma túy của Liên Hợp Quốc, kêu gọi việc “chấm dứt các tội ác đang diễn ra tại Philippines”. Họ cũng yêu cầu phải có sự đảm bảo rằng hoạt động giết chóc không qua xét xử “không nằm trong các biện pháp kiểm soát ma túy có thể chấp nhận được”.

Ramon Casiple, một nhà phân tích chính trị tại Viện Nghiên cứu cải cách chính trị và bầu cử, nói rằng ông chia sẻ các quan ngại như của liên minh. Tuy nhiên vẫn còn sớm để quyết định xem liệu hướng tiếp cận của ông Duterte là hiệu quả hay không. “Hãy cho ông ấy 100 ngày”, Casiple nói.

Gần đây ông Duterte đã nâng cao tầm ngắm, dần rời khỏi mục tiêu là những kẻ sử dụng và buôn bán ma túy ngoài đường phố, khi cáo buộc 5 viên tướng cảnh sát ra tay bảo vệ các trùm ma túy. Ông cũng công khai cáo buộc một thị trưởng, con trai của vị này và một doanh nhân danh tiếng tham gia buôn bán ma túy. Cùng với đó, ông đe dọa sẽ cho an ninh tiêu diệt cả ba người nếu họ không đầu hàng nhà chức trách. Vụ đột kích của đặc nhiệm Philippines vào nhà viên thị trưởng kể trên, làm 6 vệ sĩ có vũ trang bị bắn chết, khiến người ta hiểu rằng Duterte không nói chơi khi đưa ra những đe dọa.

Nhưng cho tới thời điểm này, các đối tượng bị giết trên phố dường như vẫn là những người như Siaron, anh tài xế xe lai. Cảnh sát hiện vẫn chưa công khai bình luận về vụ của Siaron. Họ cũng không buộc tội anh đã bán ma túy. Về phần mình, trong một bài phát biểu trước Quốc hội, ông Duterte đã giảm bớt tầm vóc của bức ảnh - đã xuất hiện trên tờ Philippine Daily Inquirer với tiêu đề “Không được giết người”. Ông nói rằng bức ảnh đã bi kịch hóa sự kiện.

Nhưng nếu chiến dịch chống ma túy của Mexico chỉ nhắm tới những người ở bên rìa xã hội thì anh Siaron chính là biểu tượng lớn nhất. “Chúng tôi chỉ là những con người bé nhỏ, không quan trọng. Chúng tôi có thể vô hình, nhưng dù sao vẫn tồn tại. Làm ơn hãy dừng hoạt động giết chóc lại”, chị Olayres vừa sụt sùi khóc vừa nói khi đứng bên quan tài của chồng. “Họ phải giết những kẻ không đáng sống nữa, những kẻ là bóng ma đe dọa với xã hội. Bởi những kẻ đó có thể gây hại cho người khác, chứ không phải dân thường vô tội. Tôi chỉ cần người ta xử được đúng những kẻ phạm tội. Hãy tiêu diệt ma túy, đừng giết người”.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-gioi/mat-toi-cuoc-chien-chong-ma-tuy-tan-khoc-o-philippines-585179.bld