'Máu rừng' vẫn chảy!

Vườn Quốc gia Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn là một trong 3 khu Ramsa của Việt Nam, khu di sản của ASEAN với hệ thực vật phong phú, trong đó có một số loài gỗ quý hiếm như nghiến, đinh, kim giao… Tuy nhiên hiện nay, tình trạng phá rừng đang diễn ra phổ biến, đặc biệt là nhiều cây nghiến hàng trăm năm tuổi bị đốn hạ không thương tiếc gây bức xúc trong nhân dân.

Cung đường gỗ lậu

Mặc dù lực lượng chức năng liên tục ra quân mật phục, truy quét nhằm ngăn chặn tình trạng phá rừng nghiến trong Vườn Quốc gia (VQG) Ba Bể, nhưng vấn nạn “hút máu rừng” vẫn ngang nhiên diễn ra và có dấu hiệu ngày càng tăng… ?

Theo người dân sở tại, lâm tặc hoành hành tại rừng Ba Bể kéo dài nhiều năm nay. Với cưa xăng, cứ trung bình 30 – 40 phút, nghiến tặc hạ một gốc nghiến đường kính từ 1,5 – 2m. Vào thời điểm “nóng” trước đây, tính không xuể lượng cưa xăng trên rừng, có thể lên đến hàng vài chục máy; còn vào ngày bình thường thì ngày nào cũng có. Thử làm một phép tính: trong suốt nhiều năm ròng, rừng nghiến bị “chảy máu” một lượng gỗ lớn đến đâu? Kiểm lâm không dám tính! chúng ta không tính nổi!

Anh K. người dẫn đường cho chúng tôi cho biết, lợi dụng địa hình khu vực VQG Ba Bể hiểm trở, chủ yếu là núi đá vôi, nhiều vực cao, sâu nên lâm tặc thường đến những thung lũng trên đỉnh núi dùng cưa lốc xẻ gỗ, sau đó chia nhỏ ra thành từng khuôn dài 3m hoặc cắt dạng thớt để dễ vận chuyển. Những khu vực này gần như kiểm lâm không đặt chân đến bởi rừng nhiều muỗi, vắt và rắn. Mọi động tĩnh của kiểm lâm tại vườn đều được các lâm tặc theo dõi nhất cử nhất động. Chúng thường cử người canh lực lượng kiểm lâm, chờ thời cơ để vận chuyển gỗ qua các chốt trạm. Cũng có khi lâm tặc dùng ngựa thồ để thồ gỗ đi theo những đường mòn kiểm lâm không phát hiện được.

Nhiều cây gỗ nghiến hàng trăm năm tuổi tại Vườn Quốc gia Ba Bể bị lâm tặc đốn hạ không thương tiếc.

Những điểm nóng khai thác gỗ được lâm tặc ghi dấu “tên miền” khá rõ rệt, theo anh K, hiện nay, khu vực còn nhiều gỗ nghiến nhất tại VQG Ba Bể được người dân địa phương gọi với cái tên Phịa Sàn, gần cột mốc 35 đằng sau bản Pác Ngòi, xã Nam Mẫu. Đường đi đến khu vực Phịa Sàn từ Văn phòng VQG Ba Bể đến trạm Kiểm lâm Pác Ngòi, đi bộ khoảng 3 km mất hơn 1h đồng. Đây cũng là khu vực lâm tặc thường tìm thời cơ để chặt hạ gỗ nghiến.

Ngoài ra, một khu vực khác còn nhiều nghiến tại VQG Ba Bể là mốc 106 thuộc khu vực thác Đầu Đẳng. Nếu đi theo quốc lộ 279 rẽ xuống gần Trạm kiểm lâm Đán Đeng rẽ xuống sẽ mất 30 phút đến 1 giờ đồng hồ.

Khu vực hiện tại đang bị lâm tặc chặt phá nhiều nhất là khoảnh 4 thuộc tiểu khu 249, dân địa phương vẫn gọi là Lầy Ké Ngô đi từ Bản Lồm, xã Nam Cường mất khoảng hơn 1 tiếng là đến được. Tại đây, nhiều cây gỗ đã và đang bị chặt hạ, nhiều cây chỉ còn trơ lại gốc, số còn lại nằm chềnh ềnh ngay trong rừng chờ chuyển đi khi có thời cơ. Gỗ được vận chuyển ra khỏi rừng chủ yếu qua 3 đường. Một là, từ rừng đi qua thôn Cốc Tổng hoặc Quảng Khê ra xã Đồng Phúc của Ba Bể rồi xuống Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn, mất vài tiếng đi xe máy hoặc có thể sử dụng đường bộ qua xã Hoàng Trĩ, huyện Ba Bể để ra Bằng Phúc (Chợ Đồn). Thêm một con đường mà lâm tặc hay sử dụng là đi từ các bản Quán, Lâm, Phiêng Cà, xã Nam Cường đến Quảng Bạch, huyện Chợ Đồn.

Cũng theo anh K, thông thường, lực lượng kiểm lâm vườn chỉ có 3-5 người chốt tại một trạm ở những khu vực đường giao thông lâm tặc có thể vận chuyển qua. Còn việc kiểm lâm đi tuần rừng rồi đến tận nơi những khu vực có gỗ nghiến bị chặt hạ là rất hiếm. Chính vì vậy nhiều cây gỗ nghiến bị chặt hạ nhưng kiểm lâm vườn không hề hay biết. Chỉ đến khi người dân đi rừng lấy thuốc phát hiện ra mới báo cáo lên Ban quản lý VQG và VQG mới nắm được. Ngoài ra theo người dân, một trong những nguyên nhân khác dẫn tới mất rừng nghiến tại VQG Ba Bể là do có sự tiếp tay cho lâm tặc của một bộ phận kiểm lâm. Nếu người dân vận chuyển vài thanh gỗ nhỏ cũng có thể bị thu cả xe nhưng lâm tặc hoạt động chuyên nghiệp lại không bị xử lý nghiêm nên dân càng bức xúc.

“Máu rừng” vẫn… chảy

Khoảng 4h sáng, giữa tiết trời se lạnh với màn đêm đen kịt bao trùm, chỉ có tiếng chão chuộc kêu, tiếng gió rít từng hồi. Chúng tôi âm thầm leo dốc “nhập” rừng trong vai những người đi tìm gốc đinh, thứ gỗ quý đã bị tận diệt ở đây nhiều năm.

Theo chân người dẫn đường, muốn lên được “sào huyệt” của “nghiến tặc” có nhiều con đường: đi qua bản Cốc Tổng hoặc Quảng Khê hoặc đi từ xã Hoàng Trĩ, huyện Ba Bể. Hoặc có thể sử dụng con đường đi từ các bản Quán, Lâm, Phiêng Cà, xã Nam Cường. Để bí mật và an toàn, tránh được tai mắt của đội quân “chim lợn”, chúng tôi lựa chọn cách đi từ bến xuồng VQG Ba Bể xuôi về khu vực Ao Tiên mất khoảng 30 phút đồng hồ, sau đó leo rừng qua những dốc núi dựng đứng và mỏm đá tai mèo nhọn hoắt để đến nơi nghiến tặc.

Cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những cây nghiến to vừa bị đốn hạ. Vết nhựa từ gốc cây vẫn đang chảy và được lâm tặc che bằng cành và lá cây nghiến để người đi xuồng dưới lòng hồ không quan sát được. Vị trí cây nghiến bị chặt hạ chỉ cách mặt hồ khoảng 50 – 60m, nếu đi thuyền dưới lòng hồ, ai để ý cũng có thể nhìn rõ thân cây nghiến bị đổ xuống tạo thành một khoảnh rừng xơ xác. Cây nghiến này có đường kính khoảng 1 m, khối lượng gỗ lên đến hàng chục khối đang chờ lâm tặc chuyển đi.

Đi sâu vào khu vực thôn Đồng Đẳng, xã Nam Mẫu, Khâu Thác, xã Quảng Khê, chúng tôi chứng kiến thêm nhiều cây nghiến đã bị đốn hạ được “lâm tặc” cưa sẻ thành thớt nghiến nằm ngổn ngang trên rừng. Theo anh K, số lượng cây nghiến lớn tại VQG Ba Bể từ đầu năm đến nay bị chặt hạ lên đến cả chục cây, cứ đà này thì chỉ 2-3 năm nữa, trên rừng sẽ không còn một cây nghiến lớn nào nữa.

Nhưng có lẽ cây gỗ mà người dân xót xa nhất có lẽ là cây nghiến bị chặt hạ tại khu vực Lủng Ruốc đoạn giáp ranh giữa xã Nam Mẫu và xã Quảng Khê vào tháng 11 năm 2016. Cây gỗ này có đường kính lên đến 2m, với khối lượng lên đến 60 khối gỗ trị giá hàng tỷ đồng bị đốn hạ. Điều đáng nói là ngay sau khi cây gỗ trên bị chặt hạ, VQG Ba Bể đã không thông báo với UBND tỉnh mà lờ đi coi như không biết. Chỉ đến khi có đơn tố cáo của quần chúng nhân dân, UBND tỉnh Bắc Kạn mới biết và chỉ đạo VQG Ba Bể kiểm tra và lập hồ sơ để tiến hành điều tra. Ngoài ra, còn hàng chục cây nghiến khác có đường kính từ 60cm đến 1m bị đốn hạ tại khu vực Bản Quán, Bản Lồm, xã Nam Cường dù đã được Kiểm lâm VQG Ba Bể bố trí các trạm gác để kiểm soát mọi hoạt động vận chuyển của lâm tặc – anh K cho biết.

Một cán bộ tại huyện Ba Bể (xin được giấu tên) lo ngại, tình trạng khai thác rừng trong VQG Ba Bể diễn biến khá phức tạp, từ đầu năm đến nay đã có thêm nhiều cây nghiến bị chặt hạ trước sự bất lực của lực lượng chức năng sở tại. “Lâm tặc biết, người dân biết chỉ kiểm lâm là không biết và cứ tình trạng “mở rừng” cho việc tàn sát gỗ nghiến như hiện nay thì không biết số phận của những “cụ” nghiến trong VQG Ba Bể liệu còn tồn tại được bao lâu”- cán bộ huyện Ba Bể xót xa nói.

Kiểm lâm biết, người dân biết, lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn có biết? Dư luận đang chờ câu trả lời và hành động từ phía UBND tỉnh Bắc Kạn… để “máu của rừng” thôi chảy.

Thành Vinh

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/mau-rung-van-chay/