Máy ATM Trung Quốc nhả ra tiền giả

Chiều ngày 17-3, ông Chu (công nhân đường sắt tỉnh Hồ Bắc) đến máy ATM ở bưu điện thôn Chung Gia, khu Hán Dương, TP Vũ Hán rút 2.200 nhân dân tệ (4,84 triệu đồng VN). Máy nhả ra 22 tờ 100 nhân dân tệ cùng số sê-ri.

ma287 Hai trường hợp rút tiền giả Ông và vợ ông đã tiêu xài hai tờ 100 nhân dân tệ. Sau đó, vợ ông báo tin 700 nhân dân tệ ông cầm đưa cho vợ đi mua hàng đều là tiền giả. Ông kiểm tra lại số tiền còn lại và phát hiện toàn bộ đều là tiền giả. Nhận được tin báo, công an kiểm tra bưu điện thôn Chung Gia. Toàn bộ băng ghi hình tại máy ATM trong hai ngày trước đó đều được xem lại nhưng không phát hiện vấn đề gì khả nghi. Băng ghi hình chứng thực ông Chu có đến rút tiền tại máy ATM nhưng do máy ghi hình không ghi lại được cụ thể số sê-ri số tiền ông Chu rút, vì vậy không có cách nào xác nhận 22 tờ tiền giả của ông Chu được rút ra từ máy ATM này. Ông Uông Đăng Dư ở khu Trường Thọ, TP Trùng Khánh cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự như ông Chu. Ngày 17-2, ông rút 5.000 nhân dân tệ (11 triệu đồng VN) tại máy ATM trước cửa Quỹ tiết kiệm thuộc bưu điện cầu Quan Âm. Máy nhả ra 50 tờ 100 nhân dân tệ. Ông Dư phát hiện các tờ tiền có màu sắc lạ. Công an lập tức có mặt kiểm tra và xác định toàn bộ số tiền ông Dư mới rút là tiền giả. Trong số này có 48 tờ 100 nhân dân tệ rất mới cùng số sê-ri, hai tờ còn lại tuy không cùng số sê-ri nhưng cũng là tiền giả. Kết quả kiểm tra băng ghi hình cũng giống trường hợp của ông Chu. Thủ đoạn trộm tiền Mấy năm gần đây, hoạt động tội phạm làm tiền giả tại Trung Quốc đã bị ngăn chặn có hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay mới xuất hiện xu hướng tội phạm mới là lưu thông tiền giả thông qua máy rút tiền tự động ATM. Ông Mạnh Kiến Hoa (Giám đốc Sở Vàng bạc-tiền tệ thuộc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc chi nhánh Nam Kinh) phân tích: “Bọn tội phạm chế tạo tiền giả đã sao chép một phần thông số kỹ thuật của tiền thật để máy ATM không phát hiện ra tiền giả. Khi chúng gửi tiền thông qua máy ATM, máy tự động làm thao tác nhập vào tài khoản như bình thường. Sau đó, chúng lại rút tiền thật từ máy ATM”. Theo ông Mạnh Kiến Hoa, hành vi này trên thực tế gọi là hành vi lấy trộm bí mật. Phương pháp của bọn tội phạm là phá vỡ tính năng kiểm tra thật/giả của máy ATM để đưa tiền giả vào đổi lấy tiền thật của ngân hàng. Tiền giả chính là phương thức và công cụ, còn lấy trộm tiền là mục đích cuối cùng. Ông cho rằng cần phải coi tội phạm tiền giả ATM là hành vi trộm cắp công nghệ cao và đây là một bài toán mới mà các ban ngành hữu quan cần nhanh chóng tìm giải pháp khắc phục. Trong dạng tội phạm tiền giả ATM, bọn tội phạm cũng đã sử dụng máy ATM làm công cụ kiểm tra chất lượng tiền giả do chúng chế tạo. Tính năng chống tiền giả của máy ATM dần dần có thể bị vô hiệu hóa. Ba kiến nghị chấn chỉnh Giám đốc Sở Vàng bạc-tiền tệ Mạnh Kiến Hoa đã đề xuất ba giải pháp sau đây: Công việc đầu tiên là hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan. Cần thiết phải sửa đổi Bộ luật Hình sự, quy định thêm tội danh liên quan đến hành vi sử dụng máy ATM để nộp tiền giả vào tài khoản, đồng thời quy định mức phạt tương ứng bởi hành vi này gây tổn thất lớn. Có làm được như thế thì mới có thể bảo vệ hiệu quả tiền nhân dân tệ, bảo vệ sự ổn định của tiền tệ, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của ngân hàng và bảo vệ quyền lợi của người dân. Thứ hai, hiện máy ATM tại Trung Quốc có nhiều tính năng nhận biết nhiều loại tiền giả. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn phải cập nhật những kỹ thuật phòng ngừa tiền giả cao hơn cho máy ATM. Song song theo đó, cần phải giám sát có hiệu quả tại nơi nhả tiền của máy ATM để tiện truy tìm nghi phạm. Các mạng dịch vụ thiết bị tự động cần phải lắp đặt máy ghi hình quan sát có khả năng ghi lại chi tiết và dễ dàng nhận biết những người gửi tiền qua máy ATM. Thứ ba, các ban ngành quản lý và các ban ngành phê chuẩn sử dụng máy ATM phải phối hợp đồng bộ với nhau. Ngân hàng các cấp phải kịp thời thông báo động thái mới của loại tội phạm tiền giả ATM và hình thức các tờ tiền giả cho cơ quan chức năng tại địa phương để nâng cao công tác phòng chống tiền giả xâm nhập vào máy ATM. Tiền giả 100 nhân dân tệ phát hiện tại Trung Quốc Sau khi xảy ra trường hợp rút tiền giả của ông Uông Đăng Dư, người phụ trách Quỹ tiết kiệm của bưu điện cầu Quan Âm khẳng định tiền mặt trong máy ATM không thể nào là tiền giả. Trong quy trình cho tiền mặt vào máy ATM chỉ có ba người tham gia. Hai nhân viên phụ trách đếm tiền bằng máy đếm tiền, sau đó cho vào két đựng tiền. Tiếp đến, một nhân viên bảo an niêm phong két và đặt vào bên trong máy ATM. Toàn bộ quá trình này đều được máy ghi hình giám sát, không thể làm sai, làm ẩu. Theo quy định, tiền mặt trong máy ATM có đến 7/10 là tiền cũ. Như vậy, trường hợp ông Uông Đăng Dư rút được nhiều tiền mới rất đáng nghi ngờ.

Nguồn InfoTV: http://infotv.vn/quoc-te/29836-may-atm-trung-quoc-nha-ra-tien-gia