Máy gia tốc hạt lớn đã được khởi động trở lại

Trung tâm nghiên cứu hạt nhân châu Âu cho biết máy gia tốc hạt lớn đã được khởi động trở lại hôm 25/2.

Theo thông báo của Trung tâm nghiên cứu hạt nhân châu Âu, ngày 28/2, các chùm proton đã bắt đầu di chuyển trong đường hầm dài 27km ở độ sâu 100m dưới mặt đất tại khu vực biên giới giữa Pháp và Thụy Sĩ. Sau đó với sự hỗ trợ của hàng nghìn thanh nam châm siêu dẫn có tổng chiều dài hơn 22km, các các nhà khoa học sẽ tăng dần vận tốc của những chùm proton này để chúng đạt tới vận tốc bằng tốc độ ánh sáng. Các nhà khoa học hy vọng Máy gia tốc hạt lớn sẽ thực hiện cú va chạm giữa các hạt proton với mức tạo năng lượng lên đến 7 Teraelectrovolt (tức điện tử vôn), để mô phỏng điều kiện trong trạng thái sơ khai nhất của vụ nổ lớn trong vũ trụ (Big Bang). Tháng 12 năm ngoái, máy gia tốc hạt lớn đã thực hiện cú va chạm với mức tạo năng lượng là 2,36 Teraelectrovolt. Máy gia tốc hạt lớn này là chiếc máy gia tốc hạt hiện đại lớn nhất, cung cấp gia tốc mạnh nhất trên thế giới. Máy được thiết kế để tạo va chạm trực diện giữa các tia proton với động năng cực lớn. Dự án xây dựng máy gia tốc hạt lớn được thực hiện suốt gần 15 năm qua bằng công sức đóng góp của cộng đồng hơn 40 quốc gia. Ý nghĩa của máy gia tốc hạt lớn là mô phỏng tương tác của các hạt ở những năng lượng cao, cho phép hiểu rõ hơn về quy luật cơ sở của thuyết trường, quy luật tương tác các hạt cơ bản, là nguồn gốc nảy sinh tất cả các quy luật vật lý khác. Máy gia tốc hạt lớn được khởi động lần đầu vào ngày 10/9/2008. Tuy nhiên, chỉ sau đó 9 ngày, máy gia tốc đã gặp sự cố về điện. Các chuyên gia phải mất 14 tháng để khắc phục với chi phí 40 triệu USD. Ngày 20/11/2009, các nhà khoa học đã khởi động thành công máy gia tốc hạt lớn và thực hiện thí nghiệm đầu tiên, sau đó máy sẽ được nghỉ bảo dưỡng một thời gian./. (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn TTXVN: http://www.vietnamplus.vn/home/may-gia-toc-hat-lon-da-duoc-khoi-dong-tro-lai/20103/35981.vnplus