Mê ăn mặn và đồ nướng cô gái 23 tuổi bị ung thư dạ dày

Từ năm 18 tuổi, Mai Thị H thích ăn mặn và các món nướng. Đến 23 tuổi, cô gái có triệu chứng kém ăn, thường bị nôn ra sau mỗi bữa ăn. H đi khám qua nhiều bệnh viện nhưng không tìm ra bệnh, cuối cùng các bác sĩ phát hiện H đã bị ung thư dạ dày giai đoạn 3.

Mới đây khoa Ngoại tiêu hóa – Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh vừa tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân Mai Thị H đến từ tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. Năm nay H mới 23 tuổi, vừa tốt nghiệp một trường cao đẳng du lịch tại TP Hồ Chí Minh. Vài tháng trở lại đây, H bỗng dưng chán ăn, buồn nôn sau khi ăn. Tuy nhiên, em không đi khám bệnh mà lên mạng tìm hiểu thông tin về triệu chứng của mình. H nghĩ mình đã mắc bệnh đau dạ dày nên tự ra hiệu thuốc để mua thuốc uống. Sau một thời gian không khỏi, H mới đi khám tại một bệnh viện tại Vũng Tàu và được chuẩn đoán loét dạ dày.

Tuy nhiên, dù điều trị nhưng những cơn đau xuất hiện nhiều hơn. Từ chỗ cân nặng 42kg, H tụt cân nhanh chống, cơ thể em chỉ vỏn vẹn 36kg. Người nhà đã đưa em lên TP Hồ Chí Minh chữa bệnh. Tại một bệnh viện, H được các bác sĩ nghi ngờ ung thư, nhưng kết quả sinh thiết lại không phát hiện tế bào ung thư. Sau đó, gia đình đưa bệnh nhân đến viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh để được kiểm tra bệnh lần nữa. Tại đây H được các bác sĩ tiếp tục sinh thiết, nhưng vẫn cho kết quả lành tính, nhưng do nghi ngờ là ung thư nên bác sĩ chỉ định nội soi lại lần thứ 2 thì kết quả giải phẫu bệnh vẫn như ban đầu.

Tuy nhiên dựa vào những triệu chứng lâm sàng, hình ảnh chụp CT scan bụng và kinh nghiệm chuyên môn, các bác sĩ khoa Ngoại Tiêu hóa vẫn nghi ngờ H bị ung thư, và người bệnh có dấu hiệu hẹp môn vị nên quyết định phẫu thuật nội soi. Khi mổ, các bác sĩ phát hiện khối u ở hang vị đã thâm nhiễm đến thanh mạc và gây bán hẹp môn vị dạ dày. Các bác sĩ đã tiến hành cắt khoảng ¾ dưới dạ dày, nạo hạch triệt để và lấy ruột non lên nối với phần dạ dày còn lại. Sau phẫu thuật, H đã ăn uống được bình thường, thèm ăn và không còn hiện tượng nôn sau bữa ăn. Sắp tới H sẽ được theo dõi và hóa trị.

BS Võ Duy Long- Phó trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa – Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh cho biết: “Dạ dày có cấu tạo gồm 4 lớp gồm niêm mạc, lớp tiếp mạc, lớp cơ và thành dạ dày. Có thể khi nội soi chúng tôi lấy mẫu sinh thiết đã không lấy đúng được vị trí ung thư, do đó kết quả sinh thiết không phát hiện được ung thư. Rất may nhờ kinh nghiệm chuyên môn nên chúng tôi chuẩn đoán H bị ung thư, và khi phẫu thuật thì phát hiện khối u đã xâm lấn lên thành dạ dày, nếu không phát hiện kịp thời sẽ di căn tấn công các cơ quan nội tạng khác, lúc đó không thể cứu chữa”.

Điều đáng nói, H đang ở trong độ tuổi rất trẻ, thường bệnh ung thư dạ dày chỉ xuất hiện đối với những người đã ngoài 40 tuổi. Theo thống kê của Khoa Ngoại Tiêu Hóa, tại Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh năm 2014, tỉ lệ người bệnh trẻ trước 40 tuổi mắc bệnh ung thư dạ dày là 16%, tỉ lệ này gia tăng lên đến 22% trong năm 2015. Ung thư dạ dày ở người trẻ đang có xu hướng gia tăng sẽ là một mối lo lớn cho cộng đồng, vì theo bác sĩ Long tế bào ung thư sẽ mạnh hơn, độc hơn và phá hủy cơ thể nhanh hơn, khó chữa trị hơn.

Nguyên nhân gây ung thư dạ dày thực sự vẫn chưa được biết đến rõ ràng nhưng các yếu tố nguy cơ đã được nghiên cứu và ghi nhận. Yếu tố nguy cơ ung thư dạ dày là chế độ ăn nhiều muối, ủ ngâm muối, lên men, thịt hun khói và nướng, thực phẩm bị nhiễm hóa chất độc hại, thuốc lá, béo phì, người bệnh bị nhiễm virus HP kết hợp với những yếu tố nguy cơ khác thì tỉ lệ ung thư dạ dày sẽ cao.

Tuệ Diễm

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Suc-khoe/843362/me-an-man-va-do-nuong-co-gai-23-tuoi-bi-ung-thu-da-day