Mẹ đơn thân sống trên đất Hàn kể chuyện vỡ mộng khi lấy chồng 'oppa', gian khổ lập nghiệp sau tan vỡ

Chuyện bị mẹ chồng la mắng chỉ là chuyện nhỏ, chị bị đánh đập cũng có, thậm chí bị chồng dọa giết cũng đã từng trải qua. Và Thiên Nga vượt qua tất cả, lập nên sự nghiệp riêng để nuôi con ngay trên xứ người Hàn Quốc.

Nhắm mắt đưa chân lấy chồng để giải thoát cảnh nghèo...

Người ta hay nói lấy chồng như đánh một canh bạc, nên thắng hay thua tùy thuộc vào may mắn của mỗi người. Có người may mắn, lấy chồng được nâng niu cưng chiều hết mực rồi sống những tháng ngày như bà hoàng trong tổ ấm nhỏ xinh. Nhưng cũng có người lại ngậm ngùi cay đắng với quyết định hôn nhân, để rồi tan vỡ hoặc âm thầm sống trong đắng cay.

Phận con gái trong nhờ đục chịu, Nguyễn Thiên Nga (1989) đã cắn răng chơi một canh bạc hiểm, lấy chồng nơi xứ Hàn chỉ để hy vọng cuộc đời thôi vất vả và gia đình mình đỡ cơ cực hơn phần nào, nhưng lại rơi vào bến đục long đong.

'Kết hôn với trai Hàn không có nghĩa là được hưởng tình yêu lãng mạn đẹp đẽ như trong phim chúng ta vẫn xem và ảo mộng'.(Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Thiên Nga kể, cô sinh ra trong một gia đình có 3 anh chị em ở đất miền Tây sông nước, lớn lên trong tình yêu của cả bố và mẹ. Nhưng khi đến 6 tuổi, mẹ chị qua đời. Cha chị buồn nên không tập trung làm ăn, một phần cũng vì bị người khác tìm cách phá hoại nên việc kinh doanh sa sút khiến gia đình lâm vào cảnh túng thiếu, nợ nần.

Nhưng may mắn thay chị được một người dì sống bên Hàn Quốc giới thiệu cho một người đàn ông để làm chồng, với hy vọng được đổi đời. Và như một tia hy vọng giữa cơn bão giông, chị lao vào cuộc hẹn hò và hôn nhân chóng vánh vào năm 2008. Lúc đó, được làm dâu xứ Hàn là mơ ước của biết bao cô gái, cả chị Thiên Nga cũng vậy.

Chị kể: 'Lúc đó, gia đình mình hết thứ để bấu víu rồi, tiền bạc không có, nợ nần thì bủa vây nên lấy chồng Hàn là hy vọng cuối cùng của mình để giúp đỡ gia đình, biết đâu có thể lật ngược ván bài cuộc đời'.

Con trai Min 'hí' luôn là động lực để chị vươn lên và vượt qua số phận. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Rồi chơi với dao có ngày đứt tay, chơi với lửa thì có ngày bỏng cháy da người, cuộc đời khó lường và cũng không phải lúc nào cũng màu hồng như ý thích. Báo chí sau này cũng có đưa tin, những cô dâu lấy chồng Hàn như một trào lưu dạo đó, có mấy ai mà sung sướng, người thì bị chồng đánh đập, kẻ thì bị xem như một cổ máy sinh đẻ, chỉ một số người may mắn hơn là có cuộc sống ở mức tạm gọi là bình thường, chứ cũng không hề sung sướng như cái vọng tưởng ban đầu.

Và chị Thiên Nga thì kém may mắn nên rơi vào số đông trong đó. Chuyện bị mẹ chồng la mắng chỉ là chuyện nhỏ, chị bị đánh đập cũng có, thậm chí bị chồng dọa giết cũng đã từng trải qua. Chị tâm sự: 'Mình không nghĩ lúc đó là mình dại, vì đã lường trước hết tất cả những thứ có thể xảy ra rồi, nhưng lúc đó còn gì để mất đâu, gia đình cũng đang khó khăn nên đành cắn răng theo chồng. Mình cũng không nghĩ đó là một cuộc hôn nhân tệ hại, bởi nhìn lại, mình được như bây giờ cũng là nhờ chuyện không may trước kia thử thách. Còn tan vỡ, một phần lớn là do sốc văn hóa'.

Mộng hồng nhanh chóng vỡ tan...

Quả thật, văn hóa Hàn Quốc có nhiều điều khác biệt khiến những cô gái chân quê không có cơ hội tiếp xúc thực tế (ngoại trừ xem những bộ phim diễm tình Hàn Quốc, các oppa chăm sóc người yêu như công chúa, nâng niu chiều chuộng), cũng chưa từng ra nước ngoài như chị Nga khó lòng tinh tế nhận ra. Chị Nga kể, nguyên tắc làm con dâu xứ Hàn không phải chuyện dễ dàng và những bà mẹ chồng Hàn Quốc thì đặc biệt khó tính.

Mẹ chồng đi ra ngoài phải đứng ra cửa cúi đầu thưa, khi mẹ về phải đứng chờ ở cổng và cúi đầu mời mẹ vô nhà. Mẹ chồng nói một là một, hai là hai chứ không được cãi lại. Chỉ cần cãi lại một tiếng thôi, khi chồng đi làm về, mẹ chồng… mách là có chuyện. Buồn nhất là chuyện ăn uống, nấu nướng phải nhất nhất chuẩn Hàn, nấu hay ăn đồ ăn Việt trước mặt mẹ chồng cũng là điều tối kỵ, nên có thèm cũng chỉ dám lén lút ăn.

Con trai chị Thiên Nga có vẻ ngoài 'đặc' Hàn Quốc. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Đàn ông Hàn Quốc, theo như lời chị Nga kể là đặc biệt gia trưởng và tôn sùng mẹ mình. Con dâu phải biết hết lòng phục vụ mẹ chồng nếu không muốn xảy ra căng thẳng trong gia đình. Và thực tế phũ phàng là đa số các cuộc hôn nhân chồng Hàn – vợ Việt tan vỡ đều do sự 'nhúng tay' của những bà mẹ chồng khó tính .

Dù vậy, chị Nga bảo, phóng lao thì phải theo lao, thân cô thế cô nơi xứ người thì chị chỉ còn cách là cố gắng học tập theo nếp sống ở đó. Mỗi ngày, bất kể mùa hè oi nồng hay mùa đông tuyết phủ trắng trời, chị cũng phải dậy thật sớm để nấu cơm cho cả gia đình, đưa đón mẹ chồng ra ngoài, kính cẩn dạ thưa, quán xuyến nhà cửa luôn sạch sẽ...

Vậy mà dường như ông trời không thương chị, luôn tìm cách thử thách chị hết lần này đến lần khác. Chị kể: 'Mình qua Hàn được 3 tháng đầu là êm ấm nhưng sau đó là chuỗi những ngày bất hạnh. Mẹ chồng hằn học, chồng thì vũ phu, suốt ngày rượu chè. Thậm chí tới khi mình có thai, nhiều đêm vẫn tay ôm bụng bầu, chân trần bỏ chạy khỏi những đòn roi bạo lực của chồng, mặc dù ngoài trời đang mùa đông lạnh thấu xương. Rồi đến khi sinh con ra thì những chuyện kia cũng thường hay lặp lại, khiến mình không chịu nổi và quyết định ly hôn'.

'Khi mình có thai Min hí, nhiều đêm vẫn phải tay ôm bụng bầu, đi chân trần bỏ chạy trên tuyết để khỏi bị chồng đánh'. (Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tất nhiên cuộc ly hôn cũng chị cũng chẳng yên thấm gì. Khi bé Min hí cứng cáp, chị lén gửi con về Việt Nam cho bố mẹ ruột nuôi, sau đó trốn nhà chồng, thuê nhà bên ngoài sống một thời gian để làm thuê kiếm tiền gửi về nuôi đứa nhỏ. Ngày nào cũng vậy, chị gồng mình bưng bê phục vụ nhà hàng từ 9 giờ sáng tới 2 giờ đêm mới về nghỉ ngơi. Nhiều khi vừa làm vừa nhớ con mà nước mắt cứ rơi. 'Nhưng biết làm sao được ngoài chuyện bấm bụng nhủ thầm rằng mình phải cố gắng lên, vì con mà' – chị Nga nhớ lại.

Cũng chính trong thời gian đó chị tìm hiểu về luật pháp Hàn Quốc về ly hôn để có thể đường hoàng giành quyền nuôi con. Pháp luật sở tại đã đứng về phía người mẹ Việt, chị ly hôn và giành được quyền nuôi con, sau đó đón con mình từ Việt Nam quay lại Hàn Quốc.

Nhìn vào quá khứ để có động lực vượt qua

Những chuỗi ngày sau đó, chị chính thức trở thành mẹ đơn thân nuôi con nhỏ nơi xứ người. Nghẹn ngào, Thiên Nga kể: 'Lúc đó Min còn nhỏ quá, mới 3 tuổi, mình gửi con đi nhà trẻ. Mà ngặt nỗi là thời gian Min đi nhà trẻ, đưa đón này nọ không phù hợp với giờ đi làm bưng bê nữa, mình nghĩ cách tìm việc gì đó làm tại nhà. May mắn là mình xin được việc buôn bán mỹ phẩm online của một công ty bên đó rồi cứ thế vừa buôn bán, vừa nuôi con.

Thời gian đầu, mình áp lực dữ lắm mà nghĩ vì con nên cố gắng, trời sinh voi sinh cỏ nên cũng không lo đói, chỉ cần đủ quyết tâm, mà quyết tâm thì mình có thừa. Sau khi xảy ra bao nhiêu chuyện, mình chị đều vượt qua được thì chẳng lẽ cái chuyện làm mẹ, nuôi con làm không xong sao?'.

9 năm trôi qua như một cái chớp mắt, bây giờ chị Thiên Nga hoàn toàn hài lòng với cuộc sống hiện tại. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Sau một thời gian tích lũy vốn và kinh nghiệm, kiến thức, chị rút khỏi công ty mỹ phẩm đang làm và thành lập thương hiệu mỹ phẩm cho riêng mình. Không chỉ kinh doanh ở Hàn Quốc, chị bán thêm ở Việt Nam. Cuộc sống hai mẹ con dần ổn định, chị không những đủ sống mà còn tiết kiệm thêm một số vốn để quay về Việt Nam xây nhà cho cha, tạo công ăn việc làm cho em út ở quê.

Chưa đủ tiền xây nhà báo đáp cha, chị chạy vạy vay tiền của bạn bè bên Hàn để xây cho xong ngôi nhà mơ ước. Rồi sau đó chị lại quay về Hàn, lao vào công việc kiếm tiền trả nợ. Cuối cùng thì mọi chuyện cũng xong, nợ chị đã trả và chị lại thêm một lần ghi vào lộ trình cuộc đời của mình hai chữ 'kỳ tích'.

'Mọi thứ đã qua, chúng ta nên gói nó cất đi thay vì cứ tự làm đau chính mình'. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Chị kể thêm rằng, đến tận bây giờ, dù đã ly hôn được 5 năm nhưng thi thoảng chị vẫn gọi điện về hỏi thăm mẹ chồng, đem Min về thăm bà nội. 'Bà nội Min cứ bảo xin lỗi mình vì những chuyện cũ và mong muốn mình quay về sống cùng, nhưng thật tình, cuộc sống của mình đang yên ổn, mình sẽ cứ để như vầy thôi. Mọi thứ đã qua, chúng ta nên gói nó cất đi thay vì cứ tự làm đau chính mình.

Còn ba Min thì thi thoảng vẫn có gọi điện hỏi thăm hai mẹ con. Nhưng bé Min xa ba từ nhỏ, nhiều lần mình nói với con, ba nó người Hàn Quốc mà nó không chịu tin, cứ nói ba này là ba giả, còn ba thật là ở Việt Nam kìa'.

Nói rồi chị cười, nụ cười của một người phụ nữ đi qua biết bao nhiêu trầm luân cuộc đời. Chị bảo, đời chị không hẳn là cay đắng nhất trong số những người con dâu Việt lấy chồng Hàn nhưng cũng đã nếm trải đủ những cực nhọc mà bất kỳ cô gái Việt nào cũng có thể gặp phải khi theo chồng ngoại quốc mà chịu cảnh xa xứ, rời bỏ quê hương, đặc biệt khi cuộc hôn nhân ấy không bắt nguồn từ tình yêu.

Theo chị Thiên Nga thì giá trị cốt lõi của mọi cuộc hôn nhân đều phải bắt nguồn từ tình yêu. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

'Mình hy vọng những cô gái Việt nào có ý định theo chồng sang Hàn Quốc thì hãy chuẩn bị tâm ý thật kỹ, vì đôi khi khác biệt văn hóa cũng là một nguyên nhân khiến các cuộc hôn nhân tan vỡ. Phải tinh ý tìm hiểu rõ người chồng Hàn Quốc của các chị em xem, rằng nguyên tắc về nhà anh làm dâu như thế nào, mẹ anh như thế nào, thích cái gì, ghét cái gì để mà có thể chu toàn tất cả, không làm mẹ chồng phật lòng. Nhưng dù gì thì hãy yêu rồi mới cưới nhé!'.

Đúng thế, các cô gái ạ, hãy yêu đi rồi mới cưới, yêu đi rồi mới được phép hy vọng những thứ tốt đẹp về sau và tuyệt đối đừng mơ mộng nhiều, nếu không, tỉnh mộng sẽ rất đau. Thiên Nga bảo, mình đã tỉnh mộng, đã đau và vượt qua để có niềm vui, có sự nghiệp riêng để tự hào về mình, và để nuôi con.

Chị cười buồn khi nghĩ đến việc tìm 'ba mới' cho bé Min: 'Mình sống vậy cũng vui rồi, không nghĩ đến lấy chồng nữa, lấy chồng Hàn lại càng không. Mình bám trụ ở đây vì con, và cũng vì thấy bắt đầu quen với đất nước này. Nơi này cho mình cú sốc, nhưng cũng làm mình tỉnh mộng và cho mình sinh kế nuôi con. Vậy là đủ lý do để tiếp tục rồi'.

Theo Min/Trí thức trẻ (Ttvn.vn)

Theo Li Pu/Baodatviet.vn

Nguồn Tiin: http://tiin.vn/chuyen-muc/yeu/me-don-than-song-tren-dat-han-ke-chuyen-vo-mong-khi-lay-chong-oppa-gian-kho-lap-nghiep-sau-tan-vo.html