'Mẹ Ngọc' ở Trường Hy Vọng

Trường Phổ thông cơ sở (PTCS) Hy Vọng, phố Trường Lâm, phường Đức Giang, quận Long Biên, TP Hà Nội là địa chỉ giáo dục cho học sinh khiếm thính theo chương trình tiểu học chuyên biệt. Ở ngôi trường nhỏ này, các thế hệ học trò vẫn thường gọi cô giáo Nguyễn Thị Bích Ngọc là mẹ. Nhờ sự dạy dỗ của 'mẹ Ngọc', nhiều học sinh đã vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, trở thành người có ích cho xã hội.

Lặng thầm ươm mầm hy vọng

Hơn 14 năm qua, trên bục giảng Trường PTCS Hy Vọng luôn có hình ảnh cô giáo Bích Ngọc hằng ngày chuyên cần gắn bó với các em học sinh khuyết tật. Cô đến với Trường Hy Vọng như một cơ duyên. Trước khi về trường, cô Ngọc từng là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đồng Minh (xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng). Chồng cô là thầy giáo Bùi Quang Linh, Chủ tịch Công đoàn nhà trường. Vợ chồng cùng công tác một trường, điều kiện làm việc thuận lợi, gia đình hạnh phúc là niềm mong ước của nhiều giáo viên. Năm 2002, chồng cô nhận công tác mới tại Văn phòng Đảng-Đoàn Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam. Với mong muốn hợp lý hóa gia đình, cô Ngọc xin chuyển trường theo chồng lên Hà Nội công tác. Năm 2003, cô Ngọc được nhận vào làm việc tại Trường Hy Vọng. Khi được hỏi: "Tại sao cô lại chọn vào một trường chuyên dạy trẻ em khiếm thính?", cô mỉm cười trả lời: "Có lẽ tất cả đều xuất phát từ tình yêu thương con trẻ. Sau một lần cơ quan chồng tôi đến Trường Hy Vọng tặng quà, về nhà, anh kể lại rất nhiều câu chuyện cảm động của các em học sinh đặc biệt ở đây. Và lòng thương cảm với những đứa trẻ cứ trỗi dậy, trở thành động lực mạnh mẽ để tôi đến với mái trường này".

Một giờ lên lớp, dạy trẻ em khiếm thính của cô giáo Bích Ngọc.

Ngày đầu mới vào nhận công tác, cô giáo Ngọc gặp không ít khó khăn, nhất là việc bất đồng ngôn ngữ khiến cô không thể giao tiếp được. Trước đây, khi là hiệu trưởng quản lý gần 50 giáo viên, với hơn 1.000 học sinh, các công việc cô triển khai mọi người đều thực hiện theo đúng kế hoạch. Giờ về đây, cô nói mà trò không nghe, không hiểu. Lúc đó trong cô có cảm giác hụt hẫng, bất lực. Những lúc khó khăn tưởng chừng như không vượt qua được ấy, cô lại nhận được sự động viên giúp đỡ từ gia đình và các đồng nghiệp ở trường. Và điều quan trọng hơn, mặc dù không hiểu được những ký hiệu của các em học sinh, nhưng từ sâu thẳm trái tim, cô cảm nhận được tình yêu thương của các con dành cho mình, qua đó tiếp thêm động lực giúp cô “lấy lại được thăng bằng” trong cuộc sống.

Với suy nghĩ “nhiều đồng nghiệp làm được thì mình chắc chắn sẽ làm được, nếu có quyết tâm và lòng kiên trì thì sẽ thành công”; cô Ngọc bắt đầu học ngôn ngữ ký hiệu từ sách vở, từ đồng nghiệp và từ chính học trò của mình. Cô cũng tích cực dự giờ của đồng nghiệp. Những tiết học trực quan là bài học bổ ích để cô có thêm kiến thức dạy dỗ trẻ em khiếm thính.

Khi đã tích lũy được kiến thức, cô bắt đầu tham gia giảng dạy. Lớp học nhỏ của cô chỉ có 8 học sinh, nhưng dạy cho trẻ em khiếm thính thì không hề đơn giản. Cô như bà bảo mẫu luôn chân luôn tay chỉ bảo, dạy từng em một; vừa dạy vừa dỗ; em nào chăm ngoan, học tốt thì cô biểu dương, thưởng kẹo… Trong lớp học tình thương ấy, mỗi nét chữ đều có bàn tay cô uốn nắn; mỗi phép tính đều có công sức cô truyền dạy.

Quá trình giảng dạy không phải lúc nào cô cũng nhận được sự hợp tác của học trò. Nhiều em nghịch ngợm, phá phách, tranh dành đồ dùng của bạn, vứt đồ chơi bừa bãi trong lớp… Bằng sự kiên trì và tình thương con trẻ, cô Ngọc dần dần được các em tin yêu, quý mến; nhiều em tiến bộ trông thấy. Cô vẫn nhớ như in cậu học trò Nguyễn Minh Hiếu ở Đình Bảng, Bắc Ninh. Hiếu là lớp trưởng rất có uy tín với các bạn, đã giúp cô rất nhiều trong công tác quản lý lớp.

Sau mỗi ngày đứng lớp, cô Ngọc lại tích lũy thêm kinh nghiệm trong giáo dục trẻ em khuyết tật. Đêm khuya ở nhà, sau những bộn bề của cuộc sống gia đình, cô lại chuyên tâm bên từng trang giáo án. Là tổ trưởng chuyên môn, cô rất năng nổ, nhạy bén trước yêu cầu đổi mới giáo dục để có phương pháp giảng dạy phù hợp với trẻ em khuyết tật. Cô luôn chú trọng đẩy mạnh hoạt động trong tổ chuyên môn bằng các tiết dự giờ, các buổi trao đổi giữa giáo viên trong nhà trường để có phương pháp dạy tốt nhất cho học sinh khiếm thính. Cô giáo Lê Thị Huệ, cùng ở Trường PTCS Hy Vọng chia sẻ: "Nhiều năm qua, cô Ngọc đã thầm lặng cống hiến cho công tác giáo dục của nhà trường, hết lòng dành tình yêu thương cho học sinh khuyết tật. Từ những cô bé, cậu bé khiếm thính, nhưng với sự yêu thương, chỉ dạy của cô, những mầm hy vọng lại được thắp sáng để dần trở thành hiện thực. Các em biết hòa nhập cộng đồng, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống".

Thắp sáng ước mơ bằng tấm lòng nhân ái

Khi về Trường PTCS Hy Vọng, cô Ngọc nhận thấy đa số các em học sinh khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, gia đình không có nhiều điều kiện để quan tâm chu đáo. Nhớ lại tuổi thơ của mình cũng phải chịu nhiều thiệt thòi khi 6 tuổi cô đã mất bố; mẹ một mình nuôi 4 chị em gái, nên cô càng đồng cảm với những học trò đang gặp khó khăn, thiếu thốn. Lúc nào cô cũng trăn trở phải làm điều gì đó để học sinh của mình đỡ thiệt thòi và có thêm nhiều niềm vui. Chẳng thế mà gia đình có hoa quả, bánh kẹo ngon cô cũng dành dụm mang đến lớp. Khi học sinh học tập tiến bộ, cô dành tặng những phần quà nhỏ nhằm khích lệ, động viên các em vươn lên. Năm học 2016-2017, cô trích tiền lương của mình dành tặng 13 chiếc máy tính cho các em học sinh lớp 3; dành tặng 5 phần quà Tết cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Em Nguyễn Phương Linh, học sinh lớp 2 bị câm điếc bẩm sinh. Bố mẹ của Phương Linh sống ly thân, em về ở với ông bà nội đã già yếu không có thu nhập. Khi trao gửi cháu cho cô Ngọc, bà của Phương Linh nói trong nước mắt với bao điều trăn trở: “Sau này ông bà khuất núi, cháu lại khuyết tật thì không biết trông cậy vào ai?”. Nhìn cô trò nhỏ bất hạnh, cô Ngọc nhận đỡ đầu và hỗ trợ em mỗi tháng 200.000 đồng để góp thêm tiền ăn. Cô còn mua tặng Phương Linh đồ dùng học tập, sinh hoạt.

Để giúp được nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, cô giáo Ngọc còn tranh thủ vận động các tổ chức, cá nhân từ thiện chung tay giúp sức. Nhận được đề nghị của cô, Văn phòng Đảng ủy Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay, Công ty Xăng dầu Hàng không Việt Nam… đã hỗ trợ tổng số tiền gần 50 triệu đồng và nhiều phần quà ý nghĩa. Cô chủ động kết nối với Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật TP Hà Nội, Câu lạc bộ Thiện Tâm (Hà Nội), Hội Hảo tâm thiện nguyện quận Long Biên, Công ty Chứng khoán VN Direct… tham gia tặng quà và tổ chức các hoạt động ngoại khóa, vui chơi thể thao, tập múa hát, biểu diễn kịch câm cho các em học sinh. Để giúp các em có cơ hội thực hành, cô vận động Câu lạc bộ Thiện Tâm tặng máy vắt sổ, bàn là… để các em học cắt may.

Mỗi việc làm của cô Ngọc luôn chất chứa niềm yêu thương. Cô coi những học trò của mình như con cái trong nhà. Em Nguyễn Mạnh Dũng ở phường Phúc Đồng, quận Long Biên, bố mẹ làm công nhân thường xuyên đi sớm về tối. Thấy vậy, cô tình nguyện nhiều ngày giúp đưa đón Dũng đi học. Thương các con đến trường không đủ ấm vào mùa đông giá rét, cô tự mình mua len về nhà tranh thủ đan những tấm khăn dành tặng học sinh. Những chiếc khăn nhỏ bé được dệt bằng tình yêu thương của cô làm ấm lòng học trò. Nhận được quà, nhiều em đã nâng niu gìn giữ, về nhà cũng không nỡ cởi ra như muốn níu giữ hơi ấm của người mẹ bao dung, nhân hậu.

Trên con đường thiện nguyện của mình không phải lúc nào cô cũng gặp thuận lợi. Gánh nặng gia đình luôn đè nặng lên vai người phụ nữ bé nhỏ Bích Ngọc. Cô về làm dâu khi mẹ chồng bị tai biến nằm liệt một chỗ, bố chồng bị ngã gãy chân không thể đi lại được, chồng ở xa, hai con còn nhỏ. Hết công việc ở trường, cô lại trở về chăm lo cho cuộc sống gia đình. 14 năm phụng dưỡng bố mẹ chồng bệnh tật là cả một hành trình đầy gian nan vất vả. Cả ngày tiếp xúc với trẻ em câm điếc, về nhà lại chăm sóc bố mẹ chồng bị bệnh nặng. Những áp lực ấy không phải ai cũng có thể vượt qua được. Nhưng chính tấm lòng thơm thảo và tình yêu thương tha thiết đã trở thành động lực giúp cô vượt qua mọi khó khăn để việc công, việc tư vẹn toàn.

Qua bao năm tháng tận tâm công tác, cô thật hạnh phúc khi dạy dỗ và giúp đỡ được nhiều thế hệ học sinh trưởng thành. Nhiều em ra trường tìm được việc làm, biết chăm lo cho bản thân, giảm gánh nặng cho xã hội. Nhiều em đã xây dựng gia đình riêng, thật may mắn khi sinh con cái đều khỏe mạnh, bình thường. Chính những học trò cũ như các em: Nguyễn Thúy Đoan, Ngô Quang Quý… sau này trở thành những hạt nhân tích cực giúp đỡ nhà trường. Các em thành lập câu lạc bộ những người khiếm thính, trao đổi kinh nghiệm trong học tập, cuộc sống, hỗ trợ việc giảng dạy của nhà trường, thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu, vui chơi cho các em học sinh.

Cô Trần Thị Minh Thảo, Hiệu trưởng Trường PTCS Hy Vọng, tâm sự: "Mỗi năm học qua đi, bằng tấm lòng nhân ái của mình, cô Bích Ngọc đã giúp đỡ được nhiều em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Là người trọng đạo đức nghề nghiệp, cô luôn tận tâm trong công tác giảng dạy, góp phần đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường và luôn nhận được nhiều tình cảm tin yêu, quý mến của đồng nghiệp, học trò".

Bài và ảnh: VŨ DUY

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/cuoc-thi-viet-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-9-2017-2018/me-ngoc-o-truong-hy-vong-514880