Mẹ tôi !

Đã đành lúc nhỏ mỗi lần phải xa Mẹ, đứa trẻ nào cũng nhớ và mong Mẹ. Nhưng 2 mẩu chuyện tôi kể trong ngày giỗ lại là nỗi nhớ Mẹ của đứa con trai 65 tuổi mà tôi lắng nhớ trong nhiều những mẩu chuyện cảm động về Mẹ tôi.

Đã đành lúc nhỏ mỗi lần phải xa Mẹ, đứa trẻ nào cũng nhớ và mong Mẹ. Nhưng 2 mẩu chuyện tôi kể trong ngày giỗ lại là nỗi nhớ Mẹ của đứa con trai 65 tuổi mà tôi lắng nhớ trong nhiều những mẩu chuyện cảm động về Mẹ tôi.

Mẹ tiễn con ra trận. (Minh họa: Ảnh T.L)

Mẹ tiễn con ra trận. (Minh họa: Ảnh T.L)

Chuyện thứ nhất (nghe Mẹ tôi, chị tôi, và mấy anh chị cán bộ thị trấn kể lại), là câu chuyện tháng 4-1968. Tôi, thằng cu Dương tròn mới 15 tuổi, bằng cách riêng của mình, với sự “đồng lõa” của anh xã đội trưởng thị trấn Thái Hòa, đã trốn nhà theo 9 anh trong thị trấn nhập ngũ. Ngày tôi đi bộ đội, Mẹ tôi đang gồng gánh ngược hơn 2 chục km lên “làng” bán cá mắm, mua lâm sản... tối mịt mới về nhà, chỉ nghe chị gái tôi mếu máo mách: “Em Dương trốn đi bộ đội rồi Mẹ ơi!”. Nghe vậy, Mẹ tôi lặng đi, rồi tất tả xuống gặp anh xã đội trưởng. Ngỡ Mẹ tôi tìm đến đòi con..., anh xã đội trưởng lúng ta lúng túng một hồi chỉ với hai từ: “Chào thím... chào thím”. Nhưng không như anh xã đội trưởng lo lắng, Mẹ tôi chỉ nhỏ nhẹ: “Thím biết tính nết em nó. Từ 10 tuổi đã biết làm những việc giúp Mẹ nuôi mấy chị em. Nay em nó đã muốn đi bộ đội, thím không giữ, chỉ thương em nó còn nhỏ dại... chịu khổ thì quen rồi, nhưng chuyện súng đạn, lỡ em nó không chịu được mà đào ngũ thì khổ em, xấu lây cả gia đình, địa phương”.

Hồi đó, vì sợ Mẹ tôi tìm đến đơn vị “bắt con” về, tôi đã cố giấu, không để lộ chút thông tin gì về mình trong quãng thời gian huấn luyện ở đoàn 22 (Như Xuân, Thanh Hóa). Vậy mà không biết bằng cách nào, Mẹ tôi nghe, biết các đơn vị sau khi huấn luyện sẽ hành quân đi B, hơn chục ngày sau, bằng linh cảm của mình rằng đợt huấn luyện đã xong, Mẹ và chị tôi đi bộ gần 20 km xuống ngã ba Tuần đón đoàn hành quân chỉ với mong mỏi được gặp “thằng cu Dương của Mẹ, cho nó mấy hào bạc để mua thêm tấm bánh, củ khoai–vì rằng cu Dương của Mẹ đang tuổi ăn tuổi lớn, ăn trôi nồi, thủng rá... Lại nữa, từ nhỏ đến giờ, làm thuê làm mướn, chặt củi đốn cây được đồng nào đưa hết cho Mẹ giữ để lo cho mấy chị em không phải ăn đói, mặc rách”... Cứ vậy mấy đêm liền, trong những đoàn hành quân qua ngã ba Tuần, nhiều người lính vẫn thấy một người Mẹ già đứng bên bờ đường, với nguyên một câu hỏi: “Có thằng cu Dương của Mẹ đi cùng không?”.

Chuyện thứ 2: Giữa năm 1973, sau hơn một tháng điều trị vết thương, tôi được chuyển về an dưỡng ở đoàn 45, gần nhà. Cuối tuần tôi lại tranh thủ về nhà. Mỗi lần tôi về, bữa cơm nhà ít sắn, nhiều cơm hơn, lại thêm chút cá, thịt. Biết tính tôi từ nhỏ hay nhường nhịn, cả nhà cứ giành xúc khoai, sắn, rau mắm hít hà ra vẻ ngon hơn cơm, cá. Mùa hè, gió Lào chở nắng xộc vào tận giường ngủ. Hồi đó, đến cái quạt tai voi với nhà tôi cũng chỉ là mơ ước. Chừng đêm muộn, Mẹ tôi giục tôi lên đi ngủ. Chừng như không biết “thằng cu Dương của Mẹ” bây giờ là thiếu úy, đã phải lo cho cả hàng trăm người lính trong đại đội, vậy mà Mẹ tôi cứ tự tay cầm cái quạt giấy quạt muỗi, buông màn, dém từng góc màn cẩn thận, rồi ngồi cạnh giường, phẩy quạt cho con ngủ.

Thương Mẹ, tôi giả nhắm mắt như đã ngủ say để Mẹ tôi đi ngủ. Vậy mà chỉ chừng hơn tiếng sau, đã thấy Mẹ vào quạt cho tôi. Vài lần như vậy tôi đành phải mở mắt van nài:

- Mẹ ơi, Mẹ đi ngủ cho con... Mẹ cứ vô vô, ra ra vậy, con cũng đâu ngủ được.

Nghe con, Mẹ tôi cố quạt thêm mấy nhát nữa rồi ra giường mình. Ngỡ Mẹ sẽ đi ngủ nhưng đến gần sáng, trong giấc chập chờn tôi lại thấy Mẹ đang đứng bên đường, tay cầm cái quạt giấy quạt gió về phía những người lính hành quân, vừa quạt vừa hỏi: “Có ai thấy thằng cu Dương của Mẹ đi trong đoàn không?”. Sợ Mẹ phát hiện “bắt” tôi về, tôi vội lánh sau lưng mấy anh đồng đội và choàng tỉnh giấc. Thì ra đó chỉ là giấc mơ, nhưng là một giấc mơ kèm theo một hiện thực là Mẹ tôi đang cầm cái quạt giấy vừa quạt, vừa dém màn cho tôi, thằng cu Dương bé bỏng của Mẹ !

LÊ BÁ DƯƠNG

(VIẾT TRONG MÙA VU LAN NHỚ MẸ)

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_171800_me-toi-.aspx