Mẹ ung thư phổi giai đoạn cuối hoãn điều trị để giữ con đang rất yếu

Sau 10 ngày mổ ngồi bắt con, sức khỏe bệnh nhân Đậu Thị Huyền Trâm (25 tuổi, TP.Hà Tĩnh) bị ung thư phổi giai đoạn cuối vẫn chưa có tiến triển.

ThS.BS Trần Đức Thọ, Phó trưởng khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức, Bệnh viện K cho biết, chị Trâm vẫn đang trong quá trình điều trị hồi sức, đợi qua giai đoạn này mới tính tiếp việc điều trị ung thư bằng hóa chất.

"Chúng tôi đang phải cố từng ngày, mong sức khỏe của bệnh nhân cải thiện thì mới le lói hy vọng được. Còn hiện giờ sức khỏe bệnh nhân quá yếu, không đủ sức để chịu đựng bất cứ can thiệp nào cho việc điều trị ung thư", BS Thọ chia sẻ.

BS Thọ cho biết thêm, tình trạng của chị Trâm hiện rất nặng do từ chối điều trị ung thư để giữ thai quá lâu, nên các tế bào ung thư đã gần như lan khắp cơ thể, tiên lượng rất khó.

Sản phụ bị ung thư phổi giai đoạn cuối đang phải chống chọi với từng ngày với những cơn đau. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Chia sẻ về tình trạng của con mình, bà Lê Thị Lan (mẹ chị Trâm) cho biết, những ngày qua chị Trâm rất mệt, ngủ chập chờn, mỗi bữa chỉ ăn được lưng bát cháo với lời động viên "ăn nhiều để sớm gặp con".

Trước câu chuyện cảm động về tình mẫu tử, khi đến thăm bệnh nhân Trâm, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đề nghị Bệnh viện K nỗ lực tìm mọi biện pháp tốt nhất, dùng những thuốc nhắm trúng đích tốt nhất, kể cả những thuốc chưa được BHYT thanh toán hoặc chưa lưu hành ở Việt Nam để điều trị cho bệnh nhân.

Cũng theo thông tin từ các bác sĩ, bé Gấu chào đời khi mới 28 tuần trên nền thể trạng mẹ quá yếu nên đến nay bé vẫn đang được thở máy và được nuôi hoàn toàn bằng dưỡng tĩnh mạch tại Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương.

BS Lê Minh Trác, Phó giám đốc Trung tâm thông tin thêm, hiện bé sụt cân nhẹ, vì với tất cả các bé chào đời nặng dưới 1,25kg phải đợi nuôi 20-24 ngày sau mới trở về cân nặng như ban đầu.

Trước đó, chị Trâm mang thai lần đầu, khi được 19 tuần nhận được chẩn đoán mắc ung thư phổi giai đoạn cuối, trước đó từ tuần thứ 11 quanh cổ chị đã nổi nhiều nốt hạch lớn.

Dù được khuyên đình chỉ thai nghén để điều trị song chị Trâm kiên quyết không xạ, hóa trị, chấp nhận hy sinh với hy vọng con lớn được ngày nào hay ngày đó.

Khối u ngày càng lớn, di căn, chèn ép vào tim, phổi, gan khiến chị Trâm không thể nằm mà phải ngồi suốt 24/24h trong gần 1 tháng, mỗi ngày hầu như chỉ ngủ chập chờn được gần 2 tiếng, phải thở máy.

Đến ngày 10/7, chị Trâm có dấu hiệu suy hô hấp nặng. Bệnh viện K và Phụ sản Trương ương đã thực hiện ca mổ lấy thai hy hữu khi bệnh nhân ngồi trên bàn mổ.

Nhận định về ca mổ trên, ông Trần Văn Thuấn, Phó giám đốc Bệnh viện K cho biết, đây là trường hợp thai phụ trên cơ địa ung thư phổi đầu tiên gặp tại Bệnh viện K. Trước đó, các bác sĩ đã gặp một số bệnh nhân có thai trên cơ địa ung thư vú hoặc hạch.

Tuy nhiên khác với ung thư phổi, các thai phụ mắc ung thư vú có thể giữ thai đến những tuần cuối của thai kỳ và được điều trị bằng phẫu thuật trước khi sinh, sau sinh điều trị xạ trị, nhưng trường hợp chị T. thì trong giai đoạn mang thai việc điều trị rất ít ỏi.

Bác sĩ Thuấn cho biết ung thư phổi là loại ung thư khó phát hiện sớm nên cần chú ý phòng bệnh. 90% người mắc ung thư phổi liên quan đến thuốc lá, gồm cả hút thuốc chủ động và thụ động.

Đặc biệt, ông Thuấn cho biết dòng khói phụ là dòng khói người hút thuốc thụ động (do sống hay làm việc cùng môi trường với người hút thuốc lá) còn độc hại hơn cả dòng khói chính mà người hút thuốc lá đã hít vào.

An Thiên (T/H)

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/me-ung-thu-phoi-giai-doan-cuoi-hoan-dieu-tri-de-giu-con-dang-rat-yeu-d19142.html