Mẹ Việt ở Canada bày cách để con ăn hết bát, miệng tươi cười

Món ăn hấp dẫn và tạo niềm vui trong mỗi bữa ăn cho con là chìa khóa của Thu Trang.

Lần đầu làm mẹ lại phải ở xa nhà nên Phạm Trần Thu Trang (Montreal, Quebec, Canada) và chồng gần như phải tự thân vận động tất cả mọi việc. Trang bảo, "ai một mình chăm con nhỏ ở nước ngoài thì sẽ hiểu nó bận cỡ nào" vì chẳng có bà nội, bà ngoại để cậy nhờ, cũng không dễ mà thuê được người giúp việc. Bởi vậy, cách duy nhất để mọi chuyện không bị rối ren là phải sắp xếp thời gian biểu khoa học và đơn giản hóa các công việc.

Ngay từ khi bé Toby, con trai của Thu Trang, tròn 6 tháng, cô bắt đầu cho bé tập ăn dặm. Bà mẹ trẻ chọn cách kết hợp ăn dặm kiểu Nhật vào buổi sáng và BLW (ăn dặm tự chỉ huy) lúc buổi tối. Bởi cô cho rằng, hai phương pháp này hỗ trợ tốt cho nhau và cùng dựa trên nguyên tắc quan trọng là: ăn trên ghế + tinh thần vui vẻ, chủ động khi ăn. Ăn dặm kiểu Nhật giúp mẹ yên tâm là bé vẫn nạp được thực phẩm (nhiều mẹ lo ngại khi mới ăn BLW bé hầu như không ăn được gì cho tới tận 8-9 tháng). Còn BLW giúp tay bé linh hoạt, mau biết cầm thìa tự xúc. Áp dụng hai cách này, bé nhai thô tốt hơn nên hiện tại, Toby mới 10 tháng tuổi đã có thể ăn cơm - cá - thịt - canh một bữa như người lớn, chỉ khác là không nêm nếm gia vị.

Toby không kén chọn thức ăn nhưng vốn là một dược sĩ nên Thu Trang khá cẩn thận khi chọn thời điểm cho bé thử một số loại thực phẩm theo khuyến cáo. Chẳng hạn như, cô chỉ cho con ăn lòng đỏ trứng gà; bé Toby 7 tháng mới bắt đầu ăn thịt với lượng cho phép, 8 tháng ăn pasteurised cottage cheese (phô mai tươi thanh trùng) và bắt đầu ăn hải sản có vỏ từ khoảng 9-10 tháng tuổi.

Thu Trang áp dụng hai phương pháp ăn dặm kiểu Nhật và BLW cho bé Toby.

Con ăn nhiều không quan trọng bằng con ăn ngon miệng - Thu Trang quan niệm như thế và có giữ hai nguyên tắc dưới đây khi đồng hành cùng quá trình ăn dặm của con:

1. Mẹo để nấu nhanh các món ăn hấp dẫn, đủ dinh dưỡng

Khi con đã ăn được một bữa cơm với cá, thịt và canh như người lớn, Trang thường múc ra một phần cho con từ các món chung với gia đình nhưng không nêm nếm. Những hôm không nấu món mới hoặc món ăn không phù hợp cho con, Trang cũng có cách nấu nhanh như sau:

- Làn sẵn bột thịt, tôm, rong biển, chà bông cá - lợn - gà. Bột thịt tôm, rong biển có thể dùng để nêm nếm, nấu canh hay trộn cơm. Cách làm khá đơn giản là hấp chín - xay nhuyễn - đảo trên chảo cho khô (Xem cách làm bột đầu tôm của Thu Trang)

- Cách nấu canh cho bé: Nấu mỗi ngày một lần cho 2 bữa ăn, không trữ đông để giữ được nhiều vitamin hơn và món canh không mất nhiều thời gian nấu. Có hai cách là dùng nước hầm rau củ, sườn ninh trữ đông hoặc dùng bột thịt ở trên nấu cùng rau củ.

Trang thường cắt sẵn nhiều loại rau, củ rồi để trong hộp lót khăn giấy. Như vậy, khi nấu sẽ tiết kiệm được thời gian, đồng thời bao quát được khẩu phần và đa dạng rau củ cho bé mỗi bữa.

Các bữa ăn của bé Toby thường có đa dạng loại thực phẩm và màu sắc.

- Món cơm cho bé: Trộn cùng các loại gia vị tạo mùi vị thơm ngon như vừng xay, chà bông cá-gà-lợn, bột đầu tôm, rong biển hoặc một số loại sốt đặc là bò cà chua kiểu spaghetti, tôm bí đỏ, sốt nấm... Tất cả các loại bột và sốt Trang đều làm sẵn, khi con ăn thì lấy ra trộn.

- Món cháo yến mạch: Chỉ mất khoảng 1-2 phút để có được bát cháo yến mạch mềm dẻo (giống như ngô) và dễ ăn, đảm bảo dinh dưỡng. Thời gian nấu cháo yến mạch nhanh hơn nhiều so với nấu cháo từ gạo.

- Các món thịt, cá: Thu Trang sẽ làm lượng nhiều trong một lần để trữ đông hoặc cho vào máy nấu đồ ăn Baby Food Maker hấp chín, trộn thêm sốt tự làm ở trên. Nếu không có máy nấu, Trang gợi ý các mẹ thay thế bằng nồi cơm điện.

Bé ăn ngoan, cứng cáp nên Thu Trang cũng yên tâm để thực hiện các kế hoạch cho công việc sắp tới.

2. Biến mỗi bữa ăn là một bài học để bé yêu thích việc ăn uống

Không chỉ giúp con tăng nhận biết, qua từng bữa ăn, Trang còn dạy con về cảm xúc - thái độ. Cô cho rằng, bản thân việc ăn bốc BLW cũng sinh động hơn dùng Flashcard (thẻ mang thông tin như số, hình ảnh động vật, hoa quả...) vì mọi giác quan của bé đều được sử dụng để học hỏi. Những điều Trang hay nói với bé Toby trong lúc ăn chẳng hạn như:

- Đây là cà chua. Cà chua màu đỏ, hình tròn. Cà chua có nhiều vitamin giúp con khỏe mạnh.

- Trong bát của con có 1, 2, 3... miếng cơm. Toby sẽ ăn bao nhiêu miếng cơm nè?

- Toby ăn ngoan thì sao? Thì con sẽ mau lớn, có sức khỏe làm được nhiều việc con thích.

- Con tập trung nhai kĩ thì sao? Thì con tiêu hóa tốt, hấp thụ tốt, có thời gian để chơi, để ngủ. Con vui, mẹ cũng vui.

- Con ăn chậm thì sao? Thì đồ ăn dở, hết thời gian chơi, ngủ. Con mệt, mẹ cũng mệt.

- Mình vét sạch bát, không để thừa lại con nhé.

- (Nếu con ăn vừa phải): Toby ăn giỏi, con ăn ngon không? Mai ăn nhiều hơn nhé!

- (Nếu con ăn nhiều, giỏi): Vỗ tay, chỉ vào bát hết sạch và nói: "Hoan hô Toby giỏi quá! Xuất sắc! Con ăn ngon quá phải không? Con vui không, thích không? Mai ăn tiếp nhé!".

Trang không ngại cho con thử bất cứ điều gì con muốn: vọc tay vào bát; bóp, vứt đồ ăn, giật thìa của mẹ... Nhưng sau đó, cô sẽ nói cho con biết hậu quả là: "Toby vứt đồ ăn xuống đất thì sẽ không có gì ăn nữa nhé" hoặc "Con cầm thìa không đúng nên đổ hết cơm rồi". Trang quan niệm, việc ăn là của con nên con ăn giỏi thì tốt cho con, con vui con thích, con thấy con miệng chứ không phải ăn cho mẹ.

Theo VNE

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/me-va-be/me-viet-o-canada-bay-cach-de-con-an-het-bat-mieng-tuoi-cuoi-129664/