Megastar có biểu hiện vi phạm...

Gần đây, báo chí và dư luận xôn xao về vụ việc 6 doanh nghiệp chiếu phim khiếu nại Megastar. Phóng viên Báo SGGP đã phỏng vấn ông Nguyễn Trung Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Trưởng cơ quan đại diện tại TPHCM, nhân dịp hội thảo “Luật Cạnh tranh trong một số lĩnh vực chuyên ngành – kinh nghiệm của Nhật Bản và Việt Nam”.

- PV: Thưa ông, Cục Quản lý cạnh tranh (QLCT) đã bao giờ tiếp nhận một vụ việc cạnh tranh mang tính văn hóa như vụ việc này chưa? Ông NGUYỄN TRUNG DŨNG: Trước hết phải hiểu có cạnh tranh thì mới có phát triển kinh tế. Cạnh tranh được thừa nhận là yếu tố đảm bảo duy trì tính năng động và hiệu quả của nền kinh tế. Vì vậy, Luật Cạnh tranh phân các hành vi chịu sự điều chỉnh thành 2 nhóm: hành vi hạn chế cạnh tranh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Đối với nhóm hạn chế cạnh tranh, luật điều chỉnh 3 dạng hành vi gồm: thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền và tập trung kinh tế. Đối với nhóm cạnh tranh không lành mạnh, luật điều chỉnh 10 hành vi gồm: chỉ dẫn gây nhầm lẫn, xâm phạm bí mật kinh doanh, ép buộc trong kinh doanh, gièm pha doanh nghiệp khác… Trường hợp khiếu nại Megastar là trường hợp có dấu hiệu lạm dụng vị trí thống lĩnh bị cấm trong lĩnh vực văn hóa. - Như vậy đây là vụ việc thuộc nhóm hạn chế cạnh tranh? Với điều kiện nước ta đang trong giai đoạn phát triển kinh tế, nhóm hành vi nào thường xảy ra? Đúng vậy, nhưng đây chỉ là hành vi có dấu hiệu lạm dụng vị trí thống lĩnh. Đối với nước ta, kinh tế phát triển chưa cao, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đa số nên vụ việc cạnh tranh không lành mạnh nhiều, như các vụ cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực quảng cáo, hàng giả, bán hàng đa cấp bất chính…, nhưng ngược lại đối với các nước đang phát triển là Mỹ, Nhật, các nước EU, thì vụ việc thuộc nhóm hạn chế cạnh tranh thường xảy ra như: lạm dụng vị trí độc quyền, vị trí thống lĩnh bị cấm, tập trung kinh tế bị cấm. Vụ tố cáo Microsoft với Ban Cạnh tranh - Ủy ban châu Âu của Sun Microsystem vào cuối năm 1998 là một ví dụ. Microsoft lạm dụng vị trí thống lĩnh để ngăn cản Sun Microsystem tiếp cận thị trường... Sau một thời gian dài điều tra (khoảng 6 năm), Microsoft đã bị Tòa án châu Âu phạt hơn 497 triệu EUR vì hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh. Mức phạt lớn nhất từ trước tới nay đối với một công ty, kèm theo một loạt biện pháp bắt buộc Microsoft phải thực hiện. Ở nước ta, từ khi Luật Cạnh tranh có hiệu lực đến nay, Cục Quản lý cạnh tranh đã tiến hành xử lý khoảng 50 vụ, trong đó có tới 46 vụ là cạnh tranh không lành mạnh và 4 vụ là hạn chế cạnh tranh. Tuy nhiên, gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế, số vụ vi phạm liên quan đến hạn chế cạnh tranh đang có xu hướng gia tăng, tính chất vụ việc phức tạp, gây ảnh hưởng không tốt đến môi trường đầu tư, kinh doanh. * Điều 13 của mục “Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền” nêu rõ: Các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường bị cấm (6 hành vi), trong đó có các hành vi như: Áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý, hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây thiệt hại cho khách hàng; Áp đặt điều kiện cho doanh nghiệp khác ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ hoặc buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng; Ngăn cản việc tham gia thị trường của những đối thủ cạnh tranh mới… * Điều 24 Nghị định số 120, hành vi lạm dụng vị trí độc quyền bị xử lý: Phạt tiền đến 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm của doanh nghiệp có vị trí độc quyền đối với một trong các hành vi lạm dụng vị trí độc quyền. Ngoài việc bị phạt tiền này, doanh nghiệp lạm dụng vị trí độc quyền có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả. - Thưa ông, các doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh, có vị trí độc quyền, tập trung kinh tế và kể cả trong lĩnh vực cạnh tranh không lành mạnh như bán hàng đa cấp đều không tốt với nền kinh tế? Không phải như vậy, để phát triển kinh tế một cách lành mạnh, Luật Cạnh tranh không cấm các doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh, có vị trí độc quyền, tập trung kinh tế, bán hàng đa cấp vì đây là sự vươn lên của các doanh nghiệp. Luật Cạnh tranh và các luật khác có liên quan chỉ cấm các hành vi lạm dụng vị trí độc quyền, vị trí thống lĩnh bị cấm, bán hàng đa cấp bất chính… vì chính những hành vi lạm dụng này đã tạo ra một môi trường cạnh tranh không lành mạnh, không thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển. - Quay lại vấn đề, có một số nguồn tin cho rằng đây là sự mâu thuẫn trong kinh doanh giữa đôi bên… Việc ghét nhau là một vấn đề riêng của các doanh nghiệp, tuy nhiên nếu vi phạm Luật Cạnh tranh và cơ quan quản lý phát hiện thì căn cứ vào luật để xét xử. - Như vậy có thể khẳng định Megastar đã vi phạm? Chưa hẳn như vậy. Vấn đề ở đây, cơ quan quản lý nhà nước (Cục QLCT) trên cơ sở khiếu nại của 6 doanh nghiệp, thấy có dấu hiệu vi phạm nên mới ra quyết định điều tra sơ bộ để tìm hiểu rõ vấn đề. Theo quy trình, nếu biểu hiện vi phạm càng rõ thì vụ việc sẽ chuyển sang điều tra chính thức. - Thưa ông, cơ quan nào sẽ xét xử? Theo Luật Cạnh tranh, như vụ Vinapco (Công ty Xăng dầu Hàng không), sau khi Cục QLCT điều tra và thấy có dấu hiệu vi phạm sẽ chuyển lên Hội đồng cạnh tranh xét xử. - Xin ông cho biết nếu vi phạm thì xử lý sẽ như thế nào? Xử lý thế nào do Hội đồng cạnh tranh quyết định. Luật Cạnh tranh quy định rõ nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền lên đến mức tối đa là 10% doanh thu tài chính của năm trước. Có thể có thêm những hình phạt bổ sung nếu vụ việc gây tác hại xấu. Hà Giang thực hiện

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/vanhoavannghe/2010/5/226983/