Mía đường Việt Nam tụt hậu xa: Đâu là nguyên nhân?

Hệ thống chính sách của Việt Nam với ngành mía đường còn rời rạc, tính pháp lý chưa cao. Đây là một trong những nguyên nhân khiến ngành này còn tụt hậu so các nước.

Đó là nhận định chung được đưa ra tại Hội thảo thường niên mía đường quốc tế TTC lần 5 do Hiệp hội mía đường  Việt Nam (VSSA) và Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) phối hợp tổ chức ở Bình Thuận, ngày 17.8.

Với chủ tái cơ cấu ngành đường, hội nghị lần này mong muốn nhận diện lại các cơ hội và thách thức của ngành mía đường Việt Nam.

Theo quan điểm doanh nghiệp, ông Phạm Hồng Dương, Chủ tịch Tổng Công ty ngành đường TTC đặt vấn đề tại sao ngành mía đường của Thái Lan, Philipinese vượt trội Việt Nam, tại sao nông dân mình không thể làm giàu với câu mía và vai trò của Chính phủ tới đâu?

“Ngoài chính sách hỗ trợ tốt, những mục tiêu rõ ràng, cả Thái Lan Philipinese đều sớm có luật cho ngành và lộ trình cụ thể nhưng ở Việt Nam thì chưa. Ngành mía đường trong nước có bước tăng trưởng nhưng còn tụt hậu khá xa”, ông Dương nói.

Ông Phạm Hồng Dương, Chủ tịch Tổng công ty ngành đường TTC. Ảnh: N.V

Cùng quan điểm, ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) đánh giá sau hơn 20 năm thực hiện chính sách 1 triệu tấn đường, mía đường Việt Nam vẫn là ngành nhỏ bé so các nước trên thế giới.

Hiện Bộ NNPTNT đang hoàn chỉnh dự thảo nghị định sản xuất kinh doanh mía đường trình Chính phủ ban hành. Trong khi đó, Philipin đã ban hành đạo luật đường từ năm 1952. Thái Lan có riêng 2 đạo luật và một hệ thống các văn bản dưới luật, hệ thống quota, hệ thống xác định giá mua mía, hệ thống đo chữ đường…

Phân tích tổng quan lại chính sách phát triển ngành đường, ông Doanh kể hầu hết các quốc gia đề có chính sách riêng. Một số nước Asean còn coi đường sản phẩm nhạy cảm trong các nội dung đàm phán thuế quan và bảo hộ.

Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam. Ảnh: N.V

Hơn 20 năm qua, nhà nước đã có nhiều chủ trương nhằm đầu tư cho ngành phát triển. “Nhưng đến nay, hệ thống chính sách của chúng ta vẫn còn rời rạc, thiếu hệ thống”, ông Doanh  nhận định.

Cụ thể, ông Doanh cho rằng từ chính sách đất đai đến quy định đối tượng nhận chuyển quyền sử dụng đất cũng còn nhiều hạn chế. Việc tạo ra cánh đồng mẫu lớn cũng chưa có chính sách cụ thể. Chính sách hỗ trợ cơ giới hóa sau thu hoạch cho tới chính sách về giá với năng lượng tái tạo từ bã mía chưa bình đẳng.

Việt Nam cũng chưa có quy định nào có tính pháp lý nhằm quy định lại thị trường; vẫn còn khoảng cách chênh lệch giá từ sản xuât đến tiêu dùng. Chưa có hành làng pháp lý hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm.

Nhiều quan điểm cho rằng Việt Nam cần sớm bổ sung luật định, hỗ trợ hành lang pháp lý cho mía đường phát triển bền vững. Ảnh: N.V

Hành lang pháp lý cho ngành mía đường Việt Nam chưa có văn bản quy phạp pháp luật nào để quản lý. Cơ sở pháp lý duy nhất đến nay là văn bản của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ về đề án tổng quan mía đường việt nam đến 2010.

“Theo chính sách thương mại bảo hộ, tới ngày 1.1.2018 chỉ còn duy trì một mức thuế 5% khi hội nhập.  Đây là thách thức đối với ngành. Việt Nam cần sớm bổ sung luật định, hỗ trợ hành lang pháp lý cho mía đường phát triển bền vững” ông Doanh chia sẻ.

Ngoài ra, ông Phạm Hồng Dương còn đề xuất nên có thêm các luật cụ thể về về xăng, nhiên liệu sinh học, ethanol; các hướng dẫn cụ thể cho tích tụ đất đai làm cánh đồng lớn. Hiệp hội không phải chỉ là cơ quan thống kê mà mà còn đóng  vai trò trọng tài, giám sát thi hành luật định.

Theo VSSA, kết thúc niên vụ  2016 – 2017, sản lượng đường trong nước đạt gần 1,2 triệu tấn. Đây là năm thứ 3 liên tiếp sản lượng đường sụt giảm. Trong bối cảnh thị trường tiêu thụ chậm, đường tồn kho tăng cao, đường lậu diễn biến phức tạp, thực hiện cam kết nhập khẩu một lượng đường nhất định tăng 5% mỗi năm với WTO, sau năm 2018, Asean áp dụng thuế suất nhập khẩu đường ở mức 0%... đã đặt ra yêu cầu thay đổi cấp bách đối với các doanh nghiệp nói riêng và ngành mía đường Việt Nam nói chung.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/mia-duong-viet-nam-tut-hau-xa-dau-la-nguyen-nhan-797004.html