Miền Trung khẩn cấp phòng chống bão số 6

(VietNamNet) - Khi lũ còn chưa rút, TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã phải lên phương án sơ tán hàng chục nghìn dân, triển khai mọi biện pháp phòng chống cơn bão mới đang ngấp nghé ngoài khơi,nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và của.

Đà Nẵng: Tàu thuyền trú ẩn trước chiều 7/11 Chiều 6/11, Phó Chủ tịch Thường trực UBND, Trưởng Ban chỉ huy PCLB TP Trần Phước Chính đã có cuộc họp khẩn với các ban, ngành, địa phương để triển khai các biện pháp phòng chống bão số 6 và lũ lụt có thể xảy ra trước, trong và sau khi bão đổ bộ vào đất liền. Theo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng, đến 16 giờ ngày 6/11 đã có 42 tàu/314 lao động của ngư dân Đà Nẵng vào bờ an toàn; 8 tàu/56 lao động đang hoạt động tại vùng biển từ Nghệ An đến Đà Nẵng đang tìm nơi trú ẩn; có 16 tàu/112 lao động đang neo đậu tại các địa phương, trên 600 tàu đang trú ẩn ở khu vực sông Hàn và các âu thuyền. Ngoài ra, có 36 tàu hàng/290 thuyền viên của các địa phương, 35 tàu hàng/270 thuyền viên của nước ngoài neo đậu tại Đà Nẵng. Cũng theo BĐBP Đà Nẵng, vấn đề lo nhất hiện nay là ý thức tương trợ của ngư dân Đà Nẵng chưa cao; đã có trường hợp tàu này biết tàu kia bị nạn nhưng bỏ mặc, không đến ứng cứu, mặc dù đang ở gần đó. Ngoài ra, nhiều tàu không giữ liên lạc với các ngành chức năng khi có bão xuất hiện. Theo đánh giá của Ban chỉ huy PCLB Đà Nẵng, công tác PCLB trên địa bàn thời gian vừa qua còn nhiều bất cập. Tại huyện Hòa Vang, QL 14B, đường tránh Nam Hải Vân đã xảy ra tình trạng ngập lụt cục bộ ở các xã phía tây. 400 hộ dân sống tại các khu vực ven sông có nguy cơ sạt lở vẫn chưa có phương án di dời. Nếu bão số 6 đổ bộ vào hoặc xảy ra lũ lớn thì rất nguy hiểm đến tính mạng, tài sản... Hệ thống cống thoát nước trên QL1A đoạn qua địa bàn quận Liên Chiểu không hoạt động, gây ngập lụt dẫn đến ách tắc giao thông. Việc sóng biển xâm thực vào sông Cu Đê và vào đất liền ở quận Liên Chiểu không những uy hiếp tài sản, tính mạng của hàng trăm hộ dân ven biển mà còn tiềm ẩn nguy cơ làm hư hỏng tuyến đường du lịch ven biển Nguyễn Tất Thành. Chưa kể vấn đề ngập lụt tại một số nơi trong nội thành vẫn chưa có phương án xử lý... Tại cuộc họp, ông Trần Phước Chính đã chỉ đạo BĐBP Đà Nẵng phố hợp cùng các ngành chức năng kêu gọi hết số tàu thuyền còn trên biển tìm nơi trú ẩn an toàn trước chiều ngày 7/11. Kiên quyết đưa tất cả tàu thuyền neo đậu trên sông Hàn vào các khu trú bão, tránh tình trạng khi lũ lớn bị đứt dây trôi ra biển. Đối với các vùng bị ngập lụt, phải bố trí lực lượng túc trực tại những tuyến đường giao thông nước tràn qua, ngăn không cho bất cứ người dân nào đi lại để tránh tình trạng bị nước lũ cuốn trôi. Lãnh đạo Đà Nẵng cũng chỉ đạo các địa phương ngay từ chiều 6/11 phải triển khai lực lượng phối hợp cùng nhân dân tổ chức chèn chống nhà cửa để đối phó với bão số 6. Bộ chỉ huy Quân sự và Công an TP chuẩn bị các phương tiện, xe thiết giáp sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra. Thông báo cho các đơn vị liên quan sẵn sàng tháo dỡ các biển quảng cáo nguy hiểm, tránh gây thương vong cho người dân khi có gió bão. Quảng Nam: Sẵn sàng sơ tán 130.000 dân Ngày 6/11, UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các địa phương lên phương án sơ tán 130.000 dân (gồm 70.000 người sơ tán bão, tập trung ở các huyện phía nam và 60.000 người di dời tránh lũ, chủ yếu ở vùng hạ lưu sông Thu Bồn - Vu Gia và các huyện đang bị sạt lở như Đại Lộc, Tiên Phước, Đông Giang...) trong trường hợp bão số 6 mạnh lên cấp 11-12 và đổ bộ vào khu vực Quảng Nam; đồng thời ra lệnh đóng cửa biển, nghiêm cấm mọi tàu thuyền ra biển, kể cả hoạt động gần bờ . Hiện 6.300 tàu thuyền của ngư dân Quảng Nam đã vào nơi neo đậu an toàn. Điều đáng quan ngại là còn 39 tàu hàng nội địa và viễn dương đang neo đậu tại đảo Cù lao Chàm (Hội An) vốn không đủ an toàn cho những tàu có trọng tải lớn. Đến trưa 6/11, lực lượng BĐBP trên đảo đã đưa được 19 tàu ra trú tránh tại cảng Đà Nẵng, cho dù các chủ tàu vì ngại đi lại tốn kém nên muốn trú đậu tại Cù lao Chàm. 20 chiếc còn lại, trong đó có 4 tàu viễn dương quá cảnh qua Trung Quốc với 200 thủy thủ, cũng sẽ được đưa ra cảng Đà Nẵng trong ngày 7/11. Đến chiều 6/11, điểm sạt lở nghiêm trọng tại Km 58 QL14D (đoạn từ La Dê lên cửa khẩu Đắc-ốc, huyện Nam Giang) vẫn chưa thể khắc phục. Tại Tây Giang, do lũ cô lập, gần 500 hộ dân ở các xã biên giới như Tr’hy, Ch’um, A Xan... có nguy cơ thiếu đói. Tại Bắc Trà My, nhiều khu dân cư vẫn đang bị chia cắt.

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/xahoi/2007/11/753423/