Miền Trung khốn khó với mưa lũ bất thường

Người dân miền Trung đang gồng mình chạy đua với lũ trong diễn biến thời tiết bất thường.

Người dân Quảng Nam thu dọn đồ đạc chạy lũ. Ảnh: Hoài Văn

Quảng Nam: Chạy đua với lũ

Thống kê sơ bộ của Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Quảng Nam, mưa lũ khiến 716 nhà bị ngập (trong đó TP Hội An 694 nhà), nhiều hộ dân phải di dời. Ngoài ra, có gần 3.400 ha hoa màu bị ngập úng. Mưa lũ cũng gây sạt lở 25.000m3 ở taluy dương trong đó tuyến QL.40B , 80m taluy âm; tường chắn taluy dương bị đẩy trồi tại Km133+00/QL.40B, chiều dài 60m và tại Km135+350/QL40B. Tuyến QL40B bị ngập nước tại các ngầm tràn gây tắc giao thông. Các tỉnh lộ như tuyến ĐT 606 (đoạn qua huyện Tây Giang) sạt lở khoảng 1.700m3; Tuyến ĐT 611 tại Km27+950, sạt lở taluy âm dài 27m, xói lở tạo hàm ếch vào mặt đường nhựa dài; sạt lở tại Km28+100, Km32+970. Các tuyến còn lại bị ngập nước cục bộ như ĐT 608, ĐT 609, ĐT610.

Theo ghi nhận của PV ngày 15/12, nhiều ngôi làng ở Quảng Nam đã bị nước lũ cô lập hoàn toàn. Nước xé đường gây chia cắt, người dân phải dùng ghe di chuyển. Người dân tại thôn Đông Khương (xã Điện Phương, huyện Điện Bàn) hai hôm nay phải chèo ghe di chuyển để ra ngoài. Trong nhà, nước ngập cả mét, mọi sinh hoạt bị đảo lộn. Bà Nguyễn Thị Huỳnh nhìn dòng nước lũ đục ngầu, ngao ngán nói: “Nước tràn vào nhà hai hôm nay rồi. Đồ đạc thì dọn lên cao, một ít đi gửi. Cháu nhỏ cũng mang đi gửi cho an toàn”.

Trong khi đó, hàng trăm hécta rau màu của người dân xã Quế Xuân (huyện Quế Sơn) cũng ngập trong nước lũ. Người dân đội mưa, chèo ghe chật vật với dòng lũ cố vớt vát ít hoa màu. Một số trường học trên địa bàn huyện cũng bị nước lũ xâm nhập.

Tại huyện Đại Lộc, mưa lớn cộng với thủy điện xả lũ khiến nước dâng nhanh trong đêm khiến người dân phải chạy đua với lũ. Người dân hối hả đưa trâu bò, đồ đạc đến nơi cao ráo hòng hạn chế thiệt hại. Trong khi đó, nhiều tuyến đường nước ngập khiến nhiều vùng bị cô lập.

Trong khi đó, nhiều thủy điện ở phía thượng nguồn đã có thông báo điều chỉnh tăng lưu lượng xả lũ do mưa to, lượng nước về hồ lớn. Cụ thể, lúc 12 giờ trưa 15/12 thủy điện Sông Bung 4 xả lũ 300-1.600 m 3 /s (ngày 14/12 thủy điện này xả với lưu lượng từ 166-439 m 3 /s); Thủy điện Sông Bung 4A thay đổi lưu lượng từ 200-400 m 3 /s (ngày 14/12) lên 500 đến 1.800 m 3 /s. Thủy điện Đắk Mi 4 thông báo xả 1.200 m 3 /s. Thủy điện A Vương cũng có điều chỉnh tăng lưu lượng xả lũ xuống hạ du. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, cho biết ngày 14/12 thủy điện Sông Tranh 2 xả 2.200 m 3 /s.

Sáng 15/12, lực lượng chức năng đã vớt được thi thể của ông Châu Thịnh (1968, trú thôn Tịch Yên, xã Bình Nam, huyện Thăng Bình, Quảng Nam). Trước đó, khoảng 15 giờ, ngày 14/12, ông Thịnh ra cánh đồng gần nhà để bắt ốc nhưng không may bị nước lũ cuốn trôi.

TT-Huế: Người chết, hàng nghìn nhà dân ngập, hoa màu mất trắng

Đến chiều tối 15/12, tại TT-Huế đã ghi nhận có người tử vong do trận lũ muộn xảy ra trong hai ngày 14 và 15/12. Do mưa lớn liên tục, kết hợp lũ dâng ở mức cao nhất trên sông Hương sau 4 năm lại đây, bờ sông Phổ Lợi (nhánh nhỏ của sông Hương đoạn qua chợ Nọ, xã Phú Dương, huyện Phú Vang) sạt lở nặng bất thường, uy hiếp nhiều nhà dân. Đến chiều 15/12, UBND xã Phú Dương đã hoàn tất di dời khẩn cấp 20 hộ dân vùng chợ Nọ ra khỏi nơi nguy hiểm, chuyển đến trú ẩn ở những vị trí an toàn. Mưa lũ tràn về bất ngờ đã làm ông Phạm Minh Trí (ngụ xã Hồng Tiến, thị xã Hương Trà) tử vong. Trong lúc cố vượt suối Khe Trái (thượng nguồn sông Bồ) để theo giữ đàn bò giữa mưa lớn, ông Trí đã bị nước lũ cuốn trôi, chết đuối. Mưa lũ còn làm cho gần 1.500 nhà dân trong toàn tỉnh bị ngập, sâu bình quân 0,2m. Nặng nhất là huyện Phú Lộc, với 600 nhà; huyện Quảng Điền có 420 nhà. Có khoảng 140 ha hoa màu vụ đông các loại bị ngập hoàn toàn, thiệt hại 100%, chủ yếu ở các vựa rau, hoa Tết thuộc các xã, phường Hương Toàn, Hương Xuân, Hương Văn, Hương Hồ (thị xã Hương Trà), Quảng Thọ, Quảng Thành (huyện Quảng Điền). Tại huyện Phú Vang, gần 15ha hoa Tết đã bị lũ xóa sổ chỉ sau một đêm nước dâng.

Sau gần một ngày đêm không có biến động lớn, đến chiều tối 15/12, mưa lớn lại tái diễn diện rộng, ở mức từ 200-474mm; lũ trên các sông và nhiều khu vực dân cư thuộc thành phố Huế, các huyện, thị xã dâng nhanh lên xấp xỉ mức báo động 3. Hầu hết các tuyến phố chính tại Huế đã bị ngập, giao thông ách tắc. Trong ngày 15/12, có hơn 100.000 học sinh trên địa bàn TT-Huế đã nghỉ học tránh lũ.

Quảng Ngãi: Triển khai gần 200 quân ứng phó mưa lũ

Chiều tối 15/12, đại tá Võ Văn Bá- Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: Đơn vị đã thành lập sở chỉ huy tiền phương tại huyện Đức Phổ để theo dõi và chỉ đạo công tác ứng phó với mưa lũ ở các huyện phía nam của tỉnh. Theo tin từ sở chỉ huy, tại huyện Đức Phổ, lúc 10 giờ sáng, hồ chứa nước Núi Ngang đã tràn đê 30 cm; hàng trăm hộ dân ở các xã Phổ Văn, Phổ Thuận, Phổ Ninh bị ngập sâu từ 0.5-1m. Sở chỉ huy đã tổ chức lực lượng gồm 20 dân quân cơ động, 10 công an xã và lực lượng khác để di dời dân lên khu vực an toàn. Có 180 quân số thuộc LLVT tỉnh được triển khai ở nhiều địa phương để ứng phó với mưa lũ.

Lúc 7 giờ 35 phút ngày 15/12, nhà 3 hộ dân tại tổ Trường Thọ Đông, phường Trương Quang Trọng (TP Quảng Ngãi) bị sập tường do Núi Long Đầu sạt lở. Tại thôn 1, xã Trà Lâm (Trà Bồng) xảy ra sạt lở núi với 20.000 m 3 đất đá. Tại huyện Bình Sơn, lúc 1 giờ sáng 15/12, người dân thôn Phước Thiện, xã Bình Hải phát hiện và kéo vào cửa biển Sa Cần một tàu vỏ sắt có lắp máy, dài 15m, rộng 3,5m. Trên tàu không có người, tàu không có biển số.

Chiều cùng ngày, đại tá Đoàn Thanh Long - Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh cho biết, lực lượng biên phòng đã và đang sẵn sàng lực lượng trực 24/24 giờ để nhận nhiệm vụ giúp dân ở vùng trũng di dời. Đến 3 giờ chiều 15/12, các đồn, trạm biên phòng đã cương quyết không cho tàu thuyền ra khơi.

Theo Chủ tịch UBND xã Tịnh Ấn Tây Nguyễn Ngọc Thanh, trận mưa lớn rạng sáng 15/12 đã làm đê bao tuyến đường bắc sông Trà Khúc sạt lở với chiều dài gần 100 m. Tại đoạn đường này xuất hiện vết nứt sâu, rộng 15-20 cm và có nguy cơ sạt lở xuống sông. Trước tình hình đó, xã Tịnh Ấn Tây báo cáo UBND TP Quảng Ngãi; đồng thời trích kinh phí mua vật tư cọc tre, cát, bao tải và huy động lực lượng dân quân tự vệ, thanh niên, đội xung kích phòng, chống lụt bão của xã tham gia kè nhằm hạn chế sạt lở... Được biết, đợt lũ trước cũng đã gây sạt lở một đoạn kè bờ bắc sông Trà Khúc thuộc địa phận phường Trương Quang Trọng.

Cũng trên địa bàn TP Quảng Ngãi, mưa lớn đã gây ngập nhiều tuyến đường từ đêm 14 đến 9h sáng 15/12. Học sinh các huyện Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ và TP Quảng Ngãi không thể đến trường được do ngập lụt. Đến chiều tối 15/12, mực nước các sông tiếp tục dâng cao, mưa vẫn tiếp tục, nhiều khu dân cư hạ lưu sông Trà, sông Vệ, Trà Câu và Trà Bồng bị chia cắt, ngập sâu từ 0,5 - 1 m.

Hoài Văn - Ngọc Văn - Phú Đức

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/xa-hoi/mien-trung-khon-kho-voi-mua-lu-bat-thuong-1084432.tpo