Mikoyan chỉ còn MiG-29K khiến khách hàng hài lòng

Theo Defense News, trong những dòng chiến đấu cơ MiG do Tập đòn Mikoyan sản xuất, hiện tại chỉ có MiG-29K khiến khách hàng hài lòng.

Thông tin này được trang Defense News dẫn nguồn tin quân sự Nga cho biết. Cụ thể, người đại diện của Tập đoàn Máy bay Nga (RAC) vừa lên tiếng phủ nhận thông tin trên truyền thông nước ngoài rằng Ấn Độ đã không hài lòng với độ tin cậy của MiG-29K Fulcrum mua từ Nga.

RAC tuyên bố, thông tin về việc Ấn Độ không hài lòng vì tiêm kích hạm MiG-29K Fulcrum được đăng tải đầu tiên trên một trang báo của Mỹ là không chính xác và không đúng với thực tế.

Tiêm kích MiG-29K cất cánh từ hàng không mẫu hạm INS Vikramaditya.

Theo nguồn tin này, hiện Hải quân Ấn Độ đang sở hữu trên 40 chiếc MiG-29K Fulcrum. Phần lớn chiến đấu cơ này đều đang phục vụ trên hàng không mẫu hạm INS Vikramaditya.

Tập đoàn RAC bác bỏ các bình luận của truyền thông Mỹ nói về tiêm kích MiG-29K, đồng thời khẳng định rằng phía nhà sản xuất Nga không nhận được bất cứ phàn nàn nào từ phía quân đội Ấn Độ về những sản phẩm đã mua của Nga, đặc biệt là MiG-29K.

Theo Defense News, trái với sự tin tưởng vào MiG-29K, Ấn Độ lại thực sự không hài lòng với phiên bản mới nhất và được cho tối tân nhất của MiG là MiG-35. Cụ thể, đáp lại lời mời của Nga mua MiG-35, Tướng Không quân Ấn Độ tuyên bố, tiêm kích Rafale được lựa chọn chứ không phải máy bay MiG.

Phát biểu tại Triển lãm MAKS-2017, CEO của MiG, Ilya Tarasenko cho biết, nhà sản xuất này đang tích giới thiệu MiG-35 tới thị trường Ấn Độ. Vị lãnh đạo này còn cho biết thêm rằng, với sức mạnh và khả năng của chiến đấu cơ tối tân này, chắc chắn New Delhi sẽ quan tâm.

Tuy nhiên, trái với tuyên bố của lãnh đạo của MiG, Phó nguyên soái Không quân Marshal Manmohan Bahadur và hiện là chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu sức mạnh không quân tại New Delhi khẳng định, trong gói thầu MMRCA, Không quân Ấn Độ đã chọn Rafale của Pháp chứ không phải MiG-35 của Nga.

Hiện hợp đồng Rafale đã được ký kết và nếu mua MiG-35 sẽ kéo theo chi phí về hệ thống bảo dưỡng, vũ khí, hậu cần. "Trong trường hợp chúng ta mua thêm máy bay, nó sẽ là Rafale chứ không phải MiG-35", ông Manmohan Bahadur nhấn mạnh.

Cùng quan điểm với ông Manmohan Bahadur, Đại tá Kuber thuộc tổ chức Tư vấn Độc lập về Quốc phòng và Không gian của Ấn Độ cũng tuyên bố, việc mua MiG-35 là không cần thiết khi loại máy bay này đã không đạt được các điều kiện của gói thầu MMRCA của Không quân Ấn Độ.

Không chỉ dừng lại ở những tuyên bố, báo Kommersant dẫn nguồn từ cơ quan xuất khẩu vũ khí Nga -Rosoboronexport, cho hay Bộ Quốc phòng Ấn Độ có gửi thư cho cơ quan này nêu ra 14 điểm hạn chế của MiG-35. Một trong số đó là MiG-35 lắp loại động cơ RD-33MK, cải tiến từ loại RD-33, sản xuất năm 1972. Ngoài ra, chương trình thiết kế MiG-35 vẫn chưa hoàn tất.

Những điểm hạn chế này có thể là nguyên nhân khiến Bộ Quốc phòng Nga đàm phán với nhà sản xuất MiG về thương vụ cung cấp 37 chiếc MiG-35 cho Không quân Nga, nhưng thương vụ này đã qua nhiều năm và nhiều cuộc đàm phán nhưng vẫn chưa có hồi kết.

Clip tiêm kích MiG-29K hạ cánh trên tàu sân bay INS Vikramaditya

Tuấn Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/mikoyan-chi-con-mig-29k-khien-khach-hang-hai-long-3340965/