Minh bạch hóa thị trường tín dụng

(ĐTCK-online) Chỉ một ngày sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư số 12/2010/TT-NHNN ngày 14/4/2010 về việc hướng dẫn tổ chức tín dụng cho vay bằng VND đối với khách hàng theo lãi suất thỏa thuận, các ngân hàng đã công khai mức lãi suất cho vay. Đồng thời, lãi suất huy động cũng được bỏ trần 10,5%/năm.

Thỏa thuận lãi suất sẽ mềm hơn Hiện mặt bằng lãi suất cho vay thỏa thuận của các NHTM áp dụng mức 13 - 15%/năm đối với nhà băng lớn; 15 - 16%/năm ở các ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ hơn. Cụ thể, từ ngày 16/4, BIDV áp dụng lãi suất ngắn hạn thỏa thuận với mức tối đa 14%/năm. Riêng đối với lãi suất cho vay khu vực nông nghiệp, nông thôn, cho vay xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, BIDV áp dụng mức lãi suất tối đa là 13%/năm. Lãi suất cho vay trung dài hạn đối với khoản vay/dự án phục vụ sản xuất - kinh doanh, BIDV áp dụng lãi suất cho vay thỏa thuận tối đa là 14,5%/năm. Tại ACB, lãi suất cho vay thỏa thuận được áp dụng tùy từng đối tượng khách hàng khác nhau, với mức dao động 14 - 16,5%/năm. Trong đó, Ngân hàng ưu tiên cho những khách hàng tốt, có dự án kinh doanh khả thi, lãi vay áp dụng 14 - 14,5%/năm. Trao đổi với ĐTCK, ông Đỗ Minh Toàn, Phó tổng giám đốc ACB nhận định, khả năng lãi suất cho vay thỏa thuận sẽ còn điều chỉnh trong tháng 4 và tháng 5 tới, với mức giảm thêm khoảng 1 - 1,5%. Lãi suất cho vay thỏa thuận phải ở mức 13,5 - 14,5%/năm, thì DN mới chấp nhận. Theo đại diện một NHTM cổ phần tại TP. HCM, việc cắt giảm lãi suất cho vay, trong khi chi phí huy động vốn khó giảm mạnh là điều hết sức khó khăn đối với ngân hàng. Vì như thế, lãi thu về từ hoạt động tín dụng sẽ thu hẹp, trong khi nguồn thu đóng góp vào lợi nhuận ngân hàng hiện vẫn chủ yếu từ cho vay. Tuy nhiên, nếu không giảm lãi suất cho vay thỏa thuận xuống mức phù hợp mà thị trường và DN có thể chấp nhận được, ngân hàng sẽ khó giải quyết bài toán vốn đầu ra. Vị phó tổng giám đốc này cho biết, áp lực tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng hiện rất lớn. Ba tháng hoạt động đầu năm 2010, ngoài yếu tố mùa vụ, lãi suất thỏa thuận cho vay trung, dài hạn tăng đã ảnh hưởng đến phát triển tín dụng. Tăng trưởng dư nợ của hầu hết ngân hàng đều rất thấp trong quý I. Cũng theo vị phó tổng giám đốc trên, nguồn vốn khả dụng của nhiều ngân hàng hiện đang trong tình trạng dưa thừa và ứ đọng, vì thế giảm lãi suất cho vay là giải pháp cần thiết để giải quyết bài toán tăng trưởng tín dụng trong những tháng tới. Tổng giám đốc Navibank, ông Lê Quang Trí cho biết, để hoàn thành được chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh của nền kinh tế năm 2010 cũng gặp không ít khó khăn. Navibank đã tính toán lãi suất cho vay thỏa thuận, với mức dao động trên dưới 16%/năm và khách hàng cá nhân là trên mức này. Tuy nhiên, trước tình hình chung, tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm của Ngân hàng còn chậm. Trong khi đó, ngân hàng này đưa ra mục tiêu tăng trưởng dư nợ năm nay cao hơn 70% so với năm trước. Chủ tịch HĐQT TrustBank, ông Hoàng Văn Toàn cho biết, để cân đối được bài toán chi phí đầu vào và đầu ra trong lúc này là không dễ, vì nếu áp dụng lãi suất huy động thấp sẽ khó thu hút được tiền gửi, nhưng áp lực lãi vay cao thì DN lại không vay vốn. Theo kế hoạch đưa ra, dự kiến tính đến cuối năm nay, tăng trưởng tín dụng của TrustBank đạt 7.800 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 2% trên tổng dư nợ. Lãi suất huy động tăng hay giảm? Ngay sau khi ACB phá rào và chính thức điều chỉnh lãi suất huy động tiền gửi lên mức cao nhất 11,6%/năm trong ngày 13/4, các nhà băng đã công khai mức lãi suất thực. Ngày 15/4, BIDV, VietBank, WesternBank, SouthernBank chính thức công bố lãi suất huy động tối đa không quá mức 11,5%/năm. Đây cũng được xem là mức trần lãi suất huy động hiện nay của các ngân hàng. Nhìn chung, mặt bằng lãi suất huy động tiền gửi đã làm hài lòng khách hàng tiết kiệm có mức vốn nhỏ, thay vì chỉ được hưởng mức tối đa 10,499%/năm như tuần trước. Đơn cử như Western Bank tiếp tục tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm VND cho các sản phẩm tiền gửi hiện có với mức điều chỉnh tăng từ 0,8 - 1%/năm… Ngày 14/4, lãi suất huy động VND cho các kỳ hạn từ 1 tháng đến 36 tháng của Sacombank được điều chỉnh tăng thêm từ 0,25 - 1,14%/năm, tương đương 10,56 - 11,58%/năm, tùy theo kỳ hạn. Ngoài ra, khi gửi tiết kiệm từ 50 triệu đồng trở lên, khách hàng sẽ được hưởng thêm biên độ 0,06%/năm đến 0,20%/năm lãi suất. Tuy nhiên, nếu so với chi phí huy động vốn thực tế của các ngân hàng trước đây thì hiện lãi suất tiền gửi đã giảm bình quân khoảng 1 - 2%/năm. Vì các tháng trước, các ngân hàng đều phải thực hiện chính sách thỏa thuận "ngầm" lãi suất huy động vốn, với mức 12 - 13,5%/năm mới có thể huy động được tiền nhàn rỗi. Tổng giám đốc Navibank cho rằng, với chính sách minh bạch hóa lãi suất sẽ làm cho thị trường lành mạnh hơn. Đặc biệt là với chủ trương bỏ trần lãi suất cho vay sẽ giúp ngân hàng dễ dàng cân nhắc được bài toán chi phí và hoạch toán lãi suất, thay vì đưa ra nhiều mức phí khác nhau trong quá trình cho vay như 3 tháng trước. Cũng theo ông Trí, Navibank chỉ áp dụng mức lãi suất tiền gửi tối đa 11,5%/năm như mặt bằng chung của lãi suất huy động trên thị trường hiện nay. Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cho rằng, khả năng trong thời gian tới, các ngân hàng sẽ tiết giảm việc tặng tiền mặt cho khách hàng khi gửi tiết kiệm. Một phần, do lãi suất tiền gửi đã được công khai hóa và mức áp dụng hiện nay là không thấp. Nếu so với tốc độ tăng trưởng lạm phát trong 3 tháng đầu năm cũng như mức kiểm soát của cả năm nay ở con số 7%/năm, các chuyên gia ngành tài chính cho rằng, lãi suất tiền gửi tối đa 11,5%/năm hiện nay là đã thực dương. Mặt khác, thanh khoản của các ngân hàng đã được cải thiện tốt và vốn khả dụng đang trong tình trạng dư thừa, do đó tăng lãi suất huy động vốn lên cao sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận. Theo một cán bộ của NHNN Chi nhánh TP. HCM, bài toán cần giải quyết đối với các ngân hàng trong lúc này là làm thế nào để tăng trưởng được tín dụng, chứ không phải bằng mọi giá để huy động vốn về cất trong kho. Vì vậy, chi phí đầu vào sẽ còn giảm.

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/RC/N/CFCABG/minh-bach-hoa-thi-truong-tin-dung.html