Minh bạch trong đề án thu phí đại lộ Thăng Long

Đề án thu phí ở đại lộ Thăng Long gây xôn xao dư luận. Nó ngược với chủ trương của Nhà nước về thu phí giao thông qua đầu phương tiện và xóa bỏ các trạm thu phí. Hà Nội đẩy lên xin ý kiến Thủ tướng: nếu Thủ tướng đồng ý thì thu, không thì thôi. Phải hỏi ngay đấy có phải là việc của Thủ tướng?

Đại lộ Thăng Long. Ảnh: Hải Nguyễn

Đáng chú ý là tờ Pháp luật Việt Nam cho rằng, Hà Nội đã dùng cách “đổi đất lấy hạ tầng” và các nhà đầu tư ứng trước 3.000 tỉ đồng làm đường đổi lại nhận lấy 200 ha đất cho phát triển bất động sản.

Hà Nội nói muốn thu phí để “thu hồi vốn cho hệ thống giao thông thông minh”. Một lý do khá mơ hồ. Hệ thống giao thông thông minh là hệ thống nào? Nếu chính là đại lộ Thăng Long, thì con đường này có gì là thông minh? Ai đã qua con đường này thấy nó không “thông minh” tí nào cả, nếu không phải là ngược lại.

Giá như chính quyền thành phố cứ nói thẳng ra, thí dụ, rằng do tính toán của thành phố không phù hợp (chẳng hạn đổi đất lấy hạ tầng không được như dự kiến) và do đã trót vay để xây dựng cho kịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long và bây giờ không có ngân sách để trả (hay lý do nào đó) nên buộc phải thu phí bù vào, thì nghe còn có vẻ có lý. Vẽ ra một cụm từ “hệ thống giao thông thông minh” để làm lý do thu phí thì nghe không ổn.

Trong mọi trường hợp vấn đề ở đây vẫn là sự minh bạch. Xây đường sá là việc công. Và nhân dân, chí ít nhân dân Hà Nội, phải được biết chính quyền tiêu tiền của họ ra sao (vì suy cho cùng họ phải trả bằng tiền thuế hay phí của mình hoặc con cháu họ phải trả nếu là tiền vay dài hạn). Nói “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” mà không minh bạch tất cả thông tin liên quan đến dự án thì có nói ngàn lần như vậy cũng chỉ là nói suông.

Quay lại chuyện 3.000 tỉ đồng cam kết của liên doanh Vinaconex – Viettel – Hòa Phát – Ngân hàng ACB cho công trình này và 200 ha đất cho dự án khu đô thị mới Đại Mỗ cũng phải làm rõ đã thực hiện đến đâu. Và báo Pháp Luật Việt Nam cho biết lãnh đạo Hà Nội đã chỉ đạo Sở Kế hoạch Đầu tư trả lời cho báo.

Không chỉ liên quan đến 3.000 tỉ đồng và 200 ha mà tất cả các khoản chi tiêu cho công trình này cũng phải được công khai cho dân biết.

Đã có quyết toán công trình chưa? Nếu đã có thì đã được kiểm toán chưa? Các chuyên gia hay bất cứ ai quan tâm phải tiếp cận được đến những thông tin như vậy và thông tin liên quan.

Chúng ta nói nhiều về tái cơ cấu đầu tư, nhất là đầu tư công. Minh bạch thông tin giúp tái cơ cấu đầu tư hết sức hữu hiệu.

Quốc hội đã bàn nhiều về luật đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân, nhưng luật này vẫn chưa có. Nhưng không thể vin vào cớ chưa có luật nên không minh bạch, thậm chí còn vẽ ra những khái niệm như “hệ thống giao thông thông minh” để lý giải cho chủ trương thu phí, thì chỉ làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào bộ máy Nhà nước. Đấy là cách làm có hại cho chính cơ quan Nhà nước và tất nhiên rất có hại cho sự phát triển đất nước. Lòng tin cần phải được xây dựng, vun đắp vì nó là một nhân tố hết sức quan trọng cho sự phát triển.

Bài học minh bạch thông tin phải được rút ra một cách nghiêm túc từ chuyện đề án thu phí đại Lộ Thăng Long.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/ban-doc/minh-bach-trong-de-an-thu-phi-dai-lo-thang-long-183995.bld