Minh bạch trong thực hiện bảo hiểm cho học sinh

Thực tế việc thực hiện bảo hiểm cho học sinh trong trường học, gồm bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm tự nguyện (BHTN) nhiều năm qua cho thấy công việc nói trên triển khai chưa tốt, năm nào cũng gây bức xúc cho phụ huynh. Có thể nói, nguyên nhân do nhà trường, giáo viên chưa ý thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc triển khai bảo hiểm cho học sinh, từ đó thông báo tới phụ huynh một cách mập mờ, không nêu rõ BHYT là bắt buộc, bảo hiểm thân thể là không bắt buộc.

Thực tế việc thực hiện bảo hiểm cho học sinh trong trường học, gồm bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm tự nguyện (BHTN) nhiều năm qua cho thấy công việc nói trên triển khai chưa tốt, năm nào cũng gây bức xúc cho phụ huynh. Có thể nói, nguyên nhân do nhà trường, giáo viên chưa ý thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc triển khai bảo hiểm cho học sinh, từ đó thông báo tới phụ huynh một cách mập mờ, không nêu rõ BHYT là bắt buộc, bảo hiểm thân thể là không bắt buộc.

Phụ huynh dù nhiều năm tham gia mua bảo hiểm cho con, vẫn không hiểu vì sao cùng lúc học sinh phải tham gia nhiều loại bảo hiểm như thế, không biết loại bảo hiểm nào thuộc trách nhiệm phải mua, loại nào có quyền từ chối mua.

BHYT do Nhà nước tổ chức, là hình thức bắt buộc đối với toàn dân, trong đó học sinh buộc phải tham gia tại trường học. Hiện nay, đã có 82,01% số dân tham gia BHYT. Từ nguồn tiền đóng bắt buộc này cùng với ngân sách của nhà nước hỗ trợ cho một số đối tượng đặc biệt, hình thành nên quỹ BHYT. Khi một người bệnh được quỹ BHYT chi trả chính là sự chia sẻ rủi ro của những người tham gia BHYT khác đối với người bệnh đó. Nhờ sự chung tay này, học sinh có nguồn kinh phí ổn định để được chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường (như sơ cứu khi bị tai nạn) cũng như đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế.

Ðể bảo đảm thực hiện việc này, Luật BHYT quy định trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Ðào tạo là chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện và thanh tra, kiểm tra việc thực hiện BHYT của học sinh. Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã có các Văn bản 4296/BGDÐT-CTHSSV và 4660/BGDÐT-CTHSSV yêu cầu các cơ sở giáo dục, đào tạo tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của học sinh, cha mẹ học sinh về chính sách, pháp luật BHYT và vai trò của BHYT đối với công tác chăm sóc sức khỏe học sinh.

Tại các địa phương, sở giáo dục và đào tạo cùng cơ quan bảo hiểm xã hội thường xuyên có văn bản hướng dẫn các trường về BHYT học sinh vào đầu năm học. Thế nhưng, trên thực tế, nhiều cơ sở giáo dục vẫn chưa tuyên truyền đầy đủ về BHYT, không nói rõ BHYT là bắt buộc học sinh tham gia, nhất là trong dịp thu các khoản đóng góp đầu năm học mới. Mặc dù Thông tư 41/2014/TTLT-BYT-BTC quy định rõ cơ sở giáo dục có trách nhiệm thu tiền đóng BHYT của học sinh để nộp vào quỹ BHYT nhưng không ít giáo viên vẫn cho rằng mình chỉ "thu hộ" tiền cho BHXH. Ðiều này không chỉ thể hiện giáo viên chưa thực hiện đúng trách nhiệm mà pháp luật đã quy định mà còn có thể gây hiểu nhầm cho phụ huynh là nhà trường "môi giới", không có chức năng triển khai BHYT.

Còn BHTN (có trường gọi là bảo hiểm thân thể, bảo hiểm toàn diện...) do các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm bán, góp phần chăm lo sức khỏe cho học sinh qua việc hỗ trợ chi phí điều trị khi học sinh bị tai nạn, ốm đau. Khác với BHYT, BHTN không bắt buộc học sinh mua. Nghị định 45/2007/NÐ-CP quy định rõ, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua dưới mọi hình thức. Nhưng nhiều năm qua, phụ huynh bị "ép" mua hoặc mua nhầm do nhà trường không thông báo rõ đây là bảo hiểm không bắt buộc mua.

BHTN mới là loại bảo hiểm mà nhà trường "thu hộ" cho các doanh nghiệp bảo hiểm và nhà trường được hưởng hoa hồng từ việc thu hộ này có nơi "hoa hồng" lên đến 30%. Từ thực tế phụ huynh bị "ép" mua và có nhiều bức xúc, tháng 9-2015, Bộ Giáo dục và Ðào tạo tại Công văn số 4660 đã yêu cầu các cơ sở giáo dục, đào tạo không tổ chức thu các khoản BHTN. Ðến nay, có một số trường học đã không triển khai loại hình bảo hiểm này, nhưng vẫn còn rất nhiều trường tiếp tục "thu hộ", phớt lờ chỉ đạo nói trên.

Để công tác bảo hiểm học sinh trong trường học thật sự minh bạch, nền nếp, Bộ Giáo dục và Ðào tạo cần đánh giá việc thực hiện chỉ đạo nói trên tại các cơ sở giáo dục, chấn chỉnh các trường vẫn thu hộ BHTN. Cấm thu không có nghĩa là cấm bán, cấm mua, cho nên các doanh nghiệp kinh doanh BHTN có thể bán trực tiếp cho phụ huynh, học sinh theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thương mại. Nhà trường, giáo viên chỉ là bên trung gian, có trách nhiệm phổ biến đúng đến phụ huynh, học sinh nguyên tắc của BHTN là không bắt buộc mua để phụ huynh lựa chọn, tự quyết định.

Giáo viên cần ý thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với mục đích, yêu cầu triển khai từng loại hình bảo hiểm trong trường học để đưa thông tin tới phụ huynh rõ ràng, chính xác. Phụ huynh, học sinh cũng cần nâng cao hiểu biết về các loại hình bảo hiểm trong trường học để tham gia BHYT đúng quy định của pháp luật và tham gia BHTN phù hợp điều kiện kinh tế của gia đình.

HÀ LINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/34131702-minh-bach-trong-thuc-hien-bao-hiem-cho-hoc-sinh.html