Minh chứng càng tinh giản biên chế, bộ máy càng phình to

Biên chế tiếp tục tăng 20.400 người chiếm 0,57 % chứ không giảm mặc dù chúng ta đã đề ra quyết tâm từ nay đến năm 2021 giảm thêm 10%.

Biên chế vẫn tăng 20.400 người

Ngày 27/5, Đoàn giám sát của Quốc hội họp phiên thứ hai, nghe Chính phủ báo cáo và giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016.

Đánh giá về việc thực hiện tinh giản biên chế, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, Trưởng đoàn giám sát bày tỏ lo ngại khi biên chế tăng 20.400 người, bằng 0,57% chứ không phải giảm như đã đề ra từ nay đến 2021 giảm 10% (mỗi năm giảm từ 1 - 2%).

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lo lắng khi biên chế không giảm mà tiếp tục tăng thêm

Theo ông Lưu, việc chi lương, quỹ lương cho biên chế năm 2015 là 405.000 tỷ đồng nhưng đến 2016 đã tăng lên 410.000 tỷ đồng, tăng 1,3%.

“Điều đó cho thấy chúng ta làm chưa hiệu quả, chưa có con số thuyết phục”, ông Lưu nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết qua làm việc với 15 bộ, ngành và trực tiếp giám sát tại 15 tỉnh, thành phố, đoàn giám sát nhận thấy tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước còn cồng kềnh, tầng nấc, chưa thực sự tinh gọn và hiệu lực, hiệu quả.

Một số chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan còn có sự giao thoa, chồng chéo, bỏ trống, chưa thực sự hợp lý.

“Nếu nhìn vào phụ lục báo cáo số lượng cấp phó lãnh đạo không có gì vượt quá tổng chung nhưng đi vào cụ thể ở bộ, ngành, địa phương thì có chỗ này chưa nhất quán. Cũng có nơi này, nơi kia do hoàn cảnh từ việc sắp xếp, luân chuyển, điều động có thể con số cấp phó rất khác nhau”, ông Lưu nhấn mạnh.

Phát biểu tại buổi làm việc với đoàn giám sát, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân thừa nhận có 11 địa phương gồm: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Dương, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Long An sử dụng vượt 7.951 biên chế so với số được giao.

Nghịch lý càng tinh giảm, biên chế càng tăng

Câu chuyện tinh giản biên chế đã được các Bộ, ngành nhắc nhiều đến thời gian qua. Tuy nhiên có một nghịch lý đáng lo đó là càng tinh giản thì biên chế tại càng tăng thêm.

Từng chia sẻ với Đất Việt về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri, Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý cho rằng, sau 4 lần sắp xếp tổ chức, tinh giảm biên chế nhưng cứ 2-3 năm lại thấy bộ máy tăng gấp đôi.

Lý giải điều này, ông Tri cho rằng chính sách của Việt Nam đang mâu thuẫn nên dẫn đến tình trạng dù quyết tâm cao nhưng tinh giản biên chế không đạt, nguồn ngân sách nhà nước hàng năm phải bỏ ra để trả tiền lương vẫn cao.

Ông Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp cũng thừa nhận, tâm lý chung là chỉ muốn tăng chứ không muốn giảm.

Việt Nam đang xảy ra nghịch lý, càng hô hào giảm biên chế thì bộ máy càng phình to

Theo ông Sơn, nhiều thập kỷ qua, việc xác định thành lập, tên đơn vị, chức năng, nhiệm vụ của các vụ, cục… còn dễ dãi, tùy tiện. Vì thế, mỗi nhiệm kỳ, mỗi đời bộ trưởng lại có sự thay đổi về số lượng, tên gọi các vụ.

Tại Hội thảo cải cách hành chính tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước-khung chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện, diễn ra hồi tháng 2 năm nay, vấn đề trung ương chỉ đạo giảm biên chế sao bộ máy vẫn phình ra đã nhận được nhiều ý kiến chia sẻ.

TS Đinh Duy Hòa, chuyên gia Bộ Nội vụ thì cho rằng, các tiêu chí đánh giá kết quả tổ chức bộ máy hành chính cho thấy công tác đánh giá cán bộ còn yếu, nhất là đánh giá cán bộ công chức vào dịp cuối năm dẫn đến “trên 99% cán bộ công chức là ngon lành hết”.

Trong khi đó, PGS.TS Lê Minh Thông, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội thừa nhận, việc sắp xếp lại các Bộ thành các Bộ đa ngành, đa lĩnh vực vẫn còn tính chất lắp ghép cơ học, chưa đi liền với việc điều chỉnh chức năng, cắt giảm nhiệm vụ của các Bộ.

Hoàng Hà (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/minh-chung-cang-tinh-gian-bien-che-bo-may-cang-phinh-to-3336273/