Mít – Dược thiện từ dân gian

Mít có rất nhiều tác dụng: Duy trì huyết áp, giảm chứng hen suyễn, tốt cho hệ tiêu hóa ... Y học cổ truyền đã sử dụng mít làm thuốc từ lâu đời. Hầu như tất cả các bộ phận của cây mít đều được dùng làm thuốc.

Quả mít non có tác dụng bổ tỳ, hòa gan, tăng và thông sữa, thích hợp cho phụ nữ sau sinh bị ốm yếu, ăn kém, ít sữa. Ngoài ra, hạt, lá, vỏ và thịt múi mít cũng có rất nhiều giá trị chữa bệnh.

Thịt múi mít

Quả mít non có tác dụng bổ tỳ

Thịt múi mít để lạnh, gạo nếp ngâm 3 giờ đồng hồ, nấu thành cháo, thêm đường, quấy tan đường, tắt bếp, đợi nguội, cho cháo vào tủ để lạnh chừng 1 giờ, lấy ra, đổ lên mít và ăn. Thịt múi mít có thể trị khát nước, trừ phiền.

Mít hầm chim câu (loại lấp ló chuồng): Bồ câu làm sạch lông, bỏ nội tạng, múi mít chín bỏ hạt, thái đôi, cho cả hai vào bát, thêm chút nước, hấp cách thủy, chín là được. Bài thuốc có tác dụng sinh tân, trị khát, bổ trung ích khí, an thần, giúp ngủ ngon.

Vỏ và lá mít

Vỏ cây mít có nhiều nhựa, thường được dùng làm thuốc chữa nhọt vỡ mủ. Lấy nhựa vỏ mít bôi lên chỗ ung nhọt ở chân, ngày bôi 2 lần. Hoặc có thể dùng nhựa mít trộn với giấm, bôi lên chỗ mụn nhọt sưng tấy.

Lá mít tươi làm thuốc lợi tiểu, trẻ em tiểu ra cặn trắng, chữa tưa lưỡi trẻ em, hen suyễn, mụn nhọt, lở loét, làm thuốc lợi sữa, ăn uống không tiêu, tiêu chảy, trị cao huyết áp, sưng nhọt. Lá mít hơ lửa cho khô nghiền nhỏ bôi vào vùng da bị thương giúp cầm máu. Hoặc lấy khoảng 40g lá mít tươi, rửa sạch giã nát, đắp lên mụn nhọt đang sưng, sẽ làm giảm sưng đau.

Lá mít tươi (30-40g/ngày) nấu nước uống hoặc lấy quả mít non gọt vỏ gai, thái lát, đem xào với thịt lợn nạc, nêm thêm gia vị, dùng ăn với cơm. Bài thuốc có tác dụng bổ tỳ, hòa gan, tăng và thông sữa, thích hợp cho phụ nữ sau sinh bị ốm yếu, ăn kém, ít sữa. Mỗi liệu trình 3-5 ngày.

Hạt mít

Hạt mít có tác dụng dưỡng sinh

Hạt mít có tác dụng dưỡng sinh, bổ cơ thể, bổ trung ích khí, gây trung tiện, thông tiểu tiện, lợi sữa, phòng ngừa bệnh phù chân...

Hạt mít rang khô, nghiền nhỏ, mỗi lần 15g, ngày uống 2-3 lần với nước cơm trước khi ăn trị viêm ruột mãn tính.

Thịt lợn nạc 250g thái miếng nhỏ, hạt mít lượng thích hợp, nấu hai thứ cùng nhau thành canh, ăn cái, uống nước. Món canh này có tác dụng tư âm lợi sữa, trị thiếu sữa sau sinh.

Thịt gà 400g thái miếng, thêm muối, dầu ăn, chút đường, xì dầu, bột ngô, trộn đều ướp 20 phút. Hạt mít 150g cho vào nồi, luộc chín với nước muối, bóc vỏ. Bắc chảo, phi tỏi, đổ gà đã ướp và hạt mít vào, thêm nước nấu chín. Bài thuốc có tác dụng ích khí, bổ thận.

Lưu ý: Với người già, trẻ nhỏ, những người thể tạng nóng dễ nổi mụn hoặc dễ bị dị ứng nên ăn ít mít (hạt mít). Đặc biệt, hạt mít không nên kết hợp với mật ong, vì sẽ gây khó tiêu.

Nguồn PNSK: http://phunusuckhoe.vn/mit-–-duoc-thien-tu-dan-gian-111410.html