Mở đợt cao điểm chống tội phạm và gian lận thương mại

Chiều nay (6/10), đoàn công tác của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban chỉ đạo 389 - có buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP.Hồ Chí Minh về tình hình phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại buổi làm việc

CôngThương - Theo Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó giám đốc Công an thành phố - 9 tháng đầu năm, trên địa bàn đã xảy ra 301 vụ án lừa đảo, tăng 55 vụ, xuất hiện các vụ lừa đảo có yếu tố nước ngoài. Đối tượng sử dụng thủ đoạn nhắn tin, gọi điện đến nhà dân có thuê bao điện thoại cố định thông báo nợ cước điện thoại để dẫn người bị hại theo thủ đoạn dàn dựng sẵn; các đối tượng tự xưng là cơ quan công quyền đang thụ lý các vụ án có liên quan. Để chứng minh không liên quan, người dân phải cung cấp thông tin về tài khoản, sau đó chúng yêu cầu rút tiền chuyển vào tài khoản của chúng để chiếm đoạt.

Đáng chú ý, theo Thiếu tướng Minh, có một số trường hợp bắt cóc giả, tống tiền thật do các đối tượng là người thân, con em trong gia đình muốn chiếm đoạt tiền của gia đình đã dàn dựng tình huống bị bắt cóc, để tống tiền gia đình hoặc bỏ nhà theo bạn bè, người yêu đi chơi, sang Campuchia đánh bạc nhưng lại trình báo là bị bắt cóc, gây mất nhiều công sức cho lực lượng chức năng. Mặt khác, sự đưa tin vội vàng, thiếu chính xác của báo chí đã làm cho dư luận hoang mang, lo lắng.

Ông Phan Hoàn Kiếm - Phó giám đốc Sở Công Thương, Chi cục trưởng Chi cục QLTT - báo cáo: Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn chủ yếu rơi vào trường hợp một số thủy thủ, thuyền viên tàu chuyên đi tuyến nước ngoài, mua một số mặt hàng do nước ngoài sản xuất như rượu, bia, thuốc lá, gia cầm, đồ điện tử đã qua sử dụng... cất giấu trên tàu, đưa về Việt Nam bán lại.

Nhìn chung, tình hình buôn lậu trên địa bàn vẫn diễn biến tinh vi, phức tạp. Tại hệ thống cảng, các đối tượng buôn lậu làm bộ hồ sơ xuất khẩu hàng hóa, sau đó móc nối với các đối tượng khác đánh tráo hàng hóa có giá trị thấp hơn và làm thủ tục xuất khẩu để được hoàn tiền thuế GTGT, chiếm đoạt tiền hoàn thuế của nhà nước. Sau khi bị phát hiện, các đối tượng đánh tráo hàng để hợp thức hóa hàng vi phạm.

Ngoài ra, hàng hóa nhập lậu từ nhiều nguồn, như từ các cửa khẩu chính ngạch, tiểu ngạch khai báo gian lận hải quan; vận chuyển từ các đường mòn lối mở tại các tỉnh có đường biên giới với các nước Trung Quốc, Campuchia, Lào; tình hình sản xuất, buôn bán hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, hàng giả xuất xứ, giả nhãn hiệu hàng hóa vẫn diễn biến phức tạp, xuất xứ Trung Quốc, bán giá rẻ tùy loại.

UBND thành phố nhận định, tình hình buôn lậu thuốc lá điếu trên địa bàn giáp ranh gia tăng trên tuyến quốc lộ 22, tỉnh lộ 2, tỉnh lộ 15. Thuốc lá ngoại nhập lậu được vận chuyển với số lượng khá lớn, đi từ Đức Huệ (Long An), Phước Chỉ (Tây Ninh) về tập kết tại những điểm đỗ lớn như bến đò Lộc Giang, kênh đào Thạch Bích, cầu Tân Thái (giáp ranh giữa xã Tân Mỹ, Đức Hòa và xã Thái Mỹ, Củ Chi)...

Tại đây, hàng được chia ra đi theo tỉnh lộ 821 đi đến điểm trung chuyển kênh đào Thạch Bích hoặc theo tỉnh lộ 825 đến điểm trung chuyển bến Bào Dài... đến kênh Thầy Cai, cuối cùng được chẻ nhỏ ra rồi vận chuyển vào nội thành. Do mức giá thuốc lá ngoại chênh lệch rất lớn nên các đối tượng buôn lậu sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, thậm chí đóng giả người dân chở cá, bánh kẹo, trái cây, rau củ quả, cỏ, rơm, nhớt phê thải, rổ rá, nệm mút, ve chai... hoặc giả làm sinh viên, học sinh đi học nhằm qua mặt cơ quan chức năng.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

“Vai trò của tuyên truyền, nhất là từ các báo, đài rất quan trọng. Chúng ta cần tiếp tục xây dựng mô hình toàn dân phòng chống tội phạm và hàng gian, hàng giả, phải đánh đầu ra thật quyết liệt. Lực lượng QLTT cũng cần tăng cường lực lượng, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi hàng gian, hàng giả, kém chất lượng”.

“Về vấn đề tái xuất thuốc lá điếu lậu, chúng ta chưa nắm được rõ họ có xuất về đúng nơi hay không. Nếu không thì có nguy cơ thẩm lậu lại vào thị trường, làm không cẩn thận lại gây thêm khó khăn cho lực lượng chúng ta, nên Bộ Công Thương đã có đề xuất gửi Thủ tướng Chính phủ không cho phép tái xuất nữa” - Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ.

Hiện có hơn 6.000 cán bộ đang làm việc trong lực lượng QLTT, tuy công việc khó khăn, vất vả thức đêm khuya, thậm chí đổ xương máu... nhưng lực lượng này chưa có chính sách phụ cấp thâm niên như lực lượng công an, hải quan, thuế... Theo Thứ trưởng Hải, sắp tới sẽ bỏ phụ cấp thâm niên để tính luôn vào lương và kiến nghị Chính phủ quan tâm đến lực lượng QLTT về vấn đề này. Trước đề xuất của UBND thành phố về việc cho phép tuyển cử nhân các ngành khác (như hóa chất) vào lực lượng QLTT, Thứ trưởng Hải cho biết, trước đây QLTT chỉ tuyển tốt nghiệp 2 ngành là Kinh tế và Luật, nhưng trước hiện tượng gian lận thương mại ngày càng tăng, Bộ Công Thương đang soạn thảo Thông tư hướng dẫn, cho phép tuyển kiểm soát viên, kiểm soát viên chính chỉ cần bằng đại học, thậm chí kiểm soát viên trung cấp chỉ cần trung cấp nghề và sẽ ban hành trong thời gian sớm nhất.

Chỉ đạo các ngành phải vào cuộc quyết liệt, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Cần chú trọng quản lý đội ngũ cán bộ công chức, chỉ đạo xử lý cán bộ công chức tiếp tay, làm ngơ cho buôn lậu, tiêu cực; điều chuyển sang bộ phận khác và thực hiện luân chuyển cán bộ theo quy định, nhất là những công việc có tính nhạy cảm. Cần mở đợt cao điểm chống tội phạm và gian lận thương mại từ nay đến cuối năm, các lực lượng trên địa bàn cần làm liên tục; đồng thời phát động nhân dân hưởng ứng, tập trung một số hoạt động như thuốc lá, xăng dầu, tụ điểm...”.

Lê Khôi

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại buổi làm việc

PHẢN HỒI

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/trong-nuoc/65722/mo-dot-cao-diem-chong-toi-pham-va-gian-lan-thuong-mai.htm