Mở đường chống kẹt xe phải 'hy sinh' cây xanh?

Thời điểm này, 123 cây xanh khu vực đường Hoàng Hoa Thám, Tân Bình chuẩn bị được đốn hạ cho dự án mở rộng đường lưu thông sân bay Tân Sơn Nhất. Đây không phải là lần đầu hàng loạt cây xanh 'hy sinh' cho việc chống kẹt xe của thành phố.

TPHCM sắp di dời, đốn hạ 123 cây xanh để phục vụ dự án mở rộng 2 tuyến đường "giải cứu" kẹt xe quanh sân bay Tân Sơn Nhất (Ảnh VNN)

Trước đó, để phục vụ dự án xây cầu Thủ Thiêm 2, việc chặt hạ gần 300 cây trên khu vực đường Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Nguyễn Hữu Cảnh đã và sẽ được thực hiện cho đến thời điểm giữa năm 2018. Quyết định chặt hạ cây xanh để phục vụ dự án cầu đã gây nhiều phản ứng cũng như nuối tiếc cho người dân thành phố, vì khu vực này vốn ghi dấu ấn với con đường và hàng cây rất mát, đẹp mắt đã gắn bó với người dân từ lâu đời, cung cấp mảng xanh cho khu vực trung tâm đô thị. Để phục vụ cho dự án thi công metro số 1, từ năm 2014 đến nay đã có khoảng 60 cây xanh trên đường Lê Lợi bị đốn hạ, di dời. Trong đó có không ít cây cổ thụ, đường kính 4 người ôm không xuể.

Quay trở lại với dự án mở rộng đường nhằm chống kẹt xe cho sân bay Tân Sơn Nhất, trước đó, thành phố đã phải đốn hạ 116 cây xanh tươi mát lâu năm ở khu vực Công viên Hoàng Văn Thụ nhằm mở rộng con đường này. Nhưng gây tiếc nuối nhiều nhất phải kể đến dự án “xẻ” Công viên Gia Định để làm đường vào sân bay. Công viên Gia Định được xây dựng sau năm 1975, ban đầu có diện thích rất rộng, trên 32ha, là điểm đến của trên 5.000 người dân trong và ngoài thành phố mỗi ngày. Sau đó diện tích này càng ngày càng bị thu hẹp lại cho dự án đường vành đai Tân Sơn Nhất. Chỉ riêng đường nối vào sân bay Tân Sơn Nhất, công viên đã bị “xẻ dọc”, mất đi diện tích 13.000m2, khoảng xanh mát mắt khu vực này đã giảm đi đáng kể.

Đối với các dự án chặt hạ, di dời cây xanh nhằm phục vụ các dự án cầu, đường nhằm giảm tải áp lực giao thông, thành phố đã có những giải thích về sự bắt buộc phải chặt hạ cây, cũng như cho biết sẽ có phương án tái tạo mảng xanh, hoặc dùng gỗ cây chế tạo bàn ghế phục vụ công cộng, tuy nhiên, về phần người dân vẫn chưa thực sự có sự đồng thuận với những quyết định này.

Trên thực tế, nhiều chuyên gia về hạ tầng đô thị cũng đã chỉ ra một số phương án có thể tránh được việc chặt hạ cây xanh mà vẫn đảm bảo hoàn tất dự án cầu đường hiệu quả. Một ví dụ là dự án cầu Thủ Thiêm 2, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu như cân nhắc đến các bản quy hoạch trước, vị trí cầu sang trục Nguyễn Bỉnh Khiêm, số cây cổ thụ ở khu vực Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Nguyễn Hữu Cảnh đã không bị đốn hạ.

Về dự án Tân Sơn Nhất, điều khiến người dân thắc mắc là cây xanh liên tục bị di dời, đốn hạ cho các dự án mở rộng đường nhằm chống kẹt xe, nhưng có vẻ như hiệu quả không được thấy rõ. Dự án xẻ Công viên cây xanh để làm đường nối từ vòng xoay Nguyễn Thái Sơn đi sân bay trước đó được kì vọng sẽ khiến cho việc ách tắc giảm hẳn, tuy nhiên, mặc dù đường đã hoàn tất, cộng thêm dự án cầu vượt, mà đường vào Tân Sơn Nhất vẫn ách tắc ngày càng nghiêm trọng hơn.

Nhiều người đặt câu hỏi, liệu việc tiếp tục chặt hạ cây xanh trên khu vực đường Hoàng Hoa Thám để làm đường vào sân bay có thực sự giúp giải tỏa ách tắc giao thông cho đường vào sân bay không, hay sau khi chặt hạ hết hàng cây này đến hàng cây khác, cơ quan quản lý mới nhận ra là cần một giải pháp mang tính tầm nhìn hơn?

Theo thống kê năm 2016, mật độ cây xanh hiện nay tại TP HCM là 1m2/người. Con số này là cực kì chênh lệch so với nhu cầu phải có của một đô thị đặc biệt như TP HCM (7-9m2/người), trên thực tế mật độ cây xanh hiện tại của TP HCM còn thấp hơn cả đô thị loại 5, đang ở mức đáng báo động, TP HCM đang thuộc nhóm thành phố có mật độ cây xanh thấp nhất trên thế giới. Kinh nghiệm ở các đô thị phát triển, chặt cây xanh bao giờ cũng là phương án cuối cùng, hoặc không được xét đến khi phát triển giao thông.

Người dân thành phố cần cây xanh. Người dân cũng cần hơn bao giờ hết sự minh bạch thông qua những con số thực tế và sự cam đoan về hiệu quả khi buộc phải hy sinh cây xanh cho giao thông đô thị. Và một khi chặt bỏ cây xanh, điều này nên được đưa vào kế hoạch từ ban đầu với những kết quả nghiên cứu cụ thể về ảnh hưởng sức khỏe và môi trường trong khu vực khi “giải tán” những hàng cây, chứ không phải “làm đến đâu thông báo đến đó” như cách làm thời gian qua.

Ngọc Mai

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn//giao-thong/mo-duong-chong-ket-xe-phai-hy-sinh-cay-xanh-353057.html