Mở đường nhưng không gỡ bỏ hành lang pháp luật

Nhiều doanh nghiệp đang kiến nghị loại bỏ giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (ATTP) trong dự thảo sửa đổi Nghị định 38/2012 về ATTP, giảm bớt các thủ tục hành chính để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong

Hiện nay Chính phủ đang giao Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành sửa Nghị định 38/2012/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật ATTP.

Phía doanh nghiệp mong muốn được áp dụng Nghị định 38 phù hợp, được tự do công bố tiêu chuẩn sản xuất, khi có sai phạm về sau cơ quan chức năng xử lý. Tuy nhiên trả lời báo chí, Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong cho biết nguyên nhân dẫn tới việc Bộ Y tế không chấp nhận phương án mà các doanh nghiệp đưa ra là do ý thức chấp hành pháp luật ở Việt Nam chưa tốt và đội ngũ kiểm tra thị trường ở Việt Nam còn hạn chế. Trên thực tế, một số nước tiên tiến trên thế giới đã áp dụng phương thức này như Singapore, Nhật Bản, một số nước châu Âu rất tiên tiến khác rất thành công, không bao giờ có chuyện " rau hai luống, lợn 2 chuồng, một để ăn, một đem bán", dùng chất vàng ô, Salbutamol, chất tạo nạc, cho tinopal vào bún để làm trắng, bơm tạp chất vào tôm... Ở Việt Nam đây lại là câu chuyện thường xuyên xảy ra.

Cũng theo ông Phong, tại các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc... tất cả sản phẩm trước khi đưa ra thị trường đều phải đăng ký và quá trình này phải do cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện. Ví dụ tại Thái Lan, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y cũng cần phải qua đăng ký rất chặt chẽ, thậm chí, đối với sản phẩm mới còn phải thành lập hội đồng khoa học khảo nghiệm, thử nghiệm... Thức ăn chăn nuôi đã phải gắt gao như vậy, thực phẩm cho người tiêu dùng chắc chắn phải kiểm soát chặt chẽ hơn nữa.

Cục ATTP đánh giá thực phẩm là một mặt hàng đặc biệt liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người và ảnh hưởng đến giống nòi, trong đó thực phẩm dinh dưỡng với mục đích dành cho trẻ em và những đối tượng nhạy cảm cần phải quản lý nghiêm ngặt tránh tình trạng lạm dụng, dùng sai mục đích gây tổn hại cho sức khỏe cộng đồng và mang lại gánh nặng cho kinh tế, xã hội.

Việc tiến hành hậu kiểm đòi hỏi một lực lượng quản lý thị trường hùng hậu, chất lượng cao. Tuy nhiên, điều kiện tại Việt Nam chưa thể đáp ứng được như các quốc gia tiên tiến khác.

"Việc tạo thông thoáng cho doanh nghiệp là cần thiết, nhưng không đồng nghĩa với việc áp dụng nguyên cả mô hình của các nước vào Việt Nam. Đặc biệt là trong Nghị quyết 43 của Quốc hội mới ban hành đã khẳng định: "Kiểm soát chặt chẽ ATTP đối với các sản phẩm nông lâm thủy sản trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ".

Giải thích về phản ánh của doanh nghiệp cho rằng, mất 13 loại giấy tờ để khai báo cho 12 loại nguyên liệu của một loại bánh socola, ông Nguyễn Thanh Phong khẳng định không phải doanh nghiệp mất 13 loại giấy tờ này mà chỉ cần 1 tờ giấy làm các bảng kê các loại nguyên liệu trên mà thôi.

Đây cũng là thủ tục cần thiết để Cục ATTP quản lý các thông tin về nguyên liệu mà doanh nghiệp sử dụng vào sản phẩm sẽ được bán ra thị trường. Ngoài ra, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ các điều kiện cơ sở vật chất để làm phòng thí nghiệm và phân tích các sản phẩm của mình trong các tiêu chí mà Bộ Y tế quy định. Do vậy, nếu không quản lý từ đầu các loại nguyên liệu mà doanh nghiệp sử dụng vào thực phẩm, tới khi sản phẩm đó chưa bị lực lượng thị trường kiểm tra đã tới tay người tiêu dùng thì hậu quả sẽ càng khó lường.

Lê Hồng

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/kinh-te/lao-dong-viec-lam/mo-duong-nhung-khong-go-bo-hanh-lang-phap-luat_t114c7n123552