Mô hình đại học cho thế kỷ 21

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục Trí Việt, Quỹ Charles Leopold Mayer vừa tổ chức hội thảo “ĐH nào cho thế kỷ 21 ?”.

Hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục Trí Việt, Quỹ Charles Leopold Mayer vì sự tiến bộ của con người phối hợp tổ chức, với sự tham gia của nhiều giáo sư, tiến sĩ trong và ngoài nước, các doanh nghiệp... Qua việc đánh giá và phân tích những dữ liệu từ kinh nghiệm xây dựng trường ĐH đẳng cấp quốc tế của Ấn Độ và Trung Quốc,TS Phạm Thị Ly, trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã tìm kiếm một bài học có ý nghĩa thực tiễn cho VN khi dẫn ra công thức thành công của một trường ĐH theo tác giả Jamil Salmi trong tác phẩm Những thách thức trong việc xây dựng trường ĐH đẳng cấp thế giới do Ngân hàng Thế giới xuất bản tháng 3.2008. Theo đó, sự thành công của các trường ĐH đẳng cấp quốc tế trên thế giới là sự phối hợp các nhân tố nguồn lực dồi dào, tập trung tài năng và cơ chế quản trị thuận lợi. Ba nhân tố này được mô hình hóa bằng công thức S=G x H x F, nghĩa là Thành công = Cơ chế quản trị x Nguồn lực con người x Nguồn lực tài chính. PGS TS Trần Thượng Tuấn, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Cần Thơ cho biết, cần phải loại bỏ những gì không còn phù hợp với hoàn cảnh mới. Cụ thể là nhiều bất cập trong chương trình đào tạo ĐH mà VN theo đuổi từ nửa thế kỷ qua như thiên về chuyên ngành hẹp, ít gắn kết với thực tế xã hội. Từ đó dẫn đến thực trạng SV tốt nghiệp thiếu kiến thức và kỹ năng thiết yếu, nhất là năng lực tự học, gây khó khăn trong quá trình bổ túc kiến thức mà nhà trường không dạy khi tham gia vào thị trường lao động. Cũng phải nói thêm rằng, tình trạng phát triển ồ ạt các trường ĐH không hội đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng trong thời gian qua đã làm dư luận xã hội rất lo ngại nhưng cũng cần nhìn thấy rằng, nếu cứ giữ nguyên quy định cũ (Thủ tướng ký quyết định thành lập trường ĐH) thì sẽ tiếp tục không mang lại hiệu quả như mong muốn. Bằng chứng là trong 10 năm (1998 - 2008), cả nước đã có tới 228 trường ĐH, CĐ được thành lập và nâng cấp, trong đó riêng ĐH có tới 23 trường được thành lập mới và 55 trường được nâng cấp từ CĐ lên ĐH (tăng gần gấp 3 lần so với thời điểm trước đó). đi kèm với nó là thực trạng không thực hiện được các điều kiện để đảm bảo chất lượng, đặc biệt là về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên. Ví dụ trong vòng 10 năm qua, số giảng viên (GV) chỉ tăng 2.602 người nhưng số sinh viên (SV) thì tăng đến hơn 884.000 người. Vì thế mà các điều kiện đảm bảo chất lượng giảng dạy như số GV trên số SV bị... thụt lùi. Việc chạy theo số lượng, chưa quan tâm đến chất lượng đã gây ra một loạt bất cập như việc báo cáo số lượng GV khống, chương trình đào tạo sơ sài, cơ sở vật chất thiếu thốn... Vì vậy VN cần thực hiện tốt ba công khai: Công khai chuẩn đầu ra; đánh giá và kiểm định chất lượng GD; thực hiện đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Ngoài ra, VN cũng hướng tới đổi mới cơ chế tài chính GD ĐH. Đồng thời để cho các cơ sở đào tạo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về chất lượng giảng dạy. Do vậy, những thách thức, cơ hội và chiến lược của giáo dục VN trong việc tìm kiếm đối tác hợp tác quốc tế trong đào tạo ĐH là rất cần thiết, đặc biệt là tiến trình hóa hội nhập sâu rộng với thế giới. P.V

Nguồn DĐDN: http://dddn.com.vn/20091020105957638cat118/mo-hinh-dai-hoc-cho-the-ky-21.htm