Mô hình 'Tình chị em' nâng cao chất lượng cho 125 trạm y tế

Sau 4 năm thực hiện dự án, 125 trạm y tế xã, phường tại 3 tỉnh Yên Bái, Cà Mau, Đắk Lắk được tham gia mô hình Tình chị em đã được cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất, hàng nghìn cán bộ y tế được đào tạo nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân ngay tại địa phương.

Mô hình mang lại lợi ích cho người dân và ngành y tế

Tại buổi tổng kết giai đoạn 3 của dự án “Hoàn thiện và nhân rộng mô hình Nhượng quyền xã hội (NQXH) dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS)/ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) tại các cơ sở y tế nhà nước”, ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, mô hình này giúp cho người dân nâng cao khả năng tiếp cận và chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản ở tuyến y tế cơ sở. Các chi phí mang thai ngoài ý muốn, chăm sóc sức khỏe bà mẹ hay chi phí cho 1 ca phá thai đều giảm... đây là một thành công của mô hình nhượng quyền xã hội này.

Với mục tiêu cải thiện sức khỏe bà mẹ thông qua việc nhân rộng toàn quốc mô hình NQXH tại các cơ sở y tế công nhằm cung cấp các dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ có chất lượng cao, dự án Tình chị em chú trọng nâng cao năng lực cho mạng lưới trạm y tế xã/phường nhằm cung cấp các dịch vụ KHHGĐ và SKSS chất lượng, từ đó khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ y tế tại các cơ sở Tình chị em.

Tình chị em cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản chất lượng cao và thân thiện bao gồm: các biện pháp tránh thai hiện đại, khám và điều trị các viêm nhiễm đường sinh sản, tầm soát sớm ung thư cổ tử cung , chăm sóc thai nghén và chăm sóc sau sinh, tư vấn và chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên ... Tình chị em chú trọng phục vụ phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 49 và gia đình của họ. Dự án NQXH Tình chị em do tổ chức Marie Stopes International tại Việt Nam (MSV) thực hiện và tổ chức Atlantic Philanthropies (AP) hỗ trợ tài chính từ tháng 7/2013 đến hết năm 2016.

Hội thảo tổng kết dự án Tình chị em tại 3 tỉnh.

Trong 4 năm qua, 2.018 lượt cán bộ y tế xã, phường của 3 tỉnh đã được tập huấn về kỹ thuật, chất lượng dịch vụ, 111 xã, phường được cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, trang bị một số dụng cụ y tế căn bản phục vụ cho việc cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ. Số chị em tới sử dụng dịch vụ khám và điều trị phụ khoa tăng cao nhất là 68% so với trước. Trong năm 2015-2016 đã có khoảng 1 triệu lượt khách hàng đến nhận dịch vụ SKSS/KHHGĐ, trong đó trên 27% thuộc nhóm đối tượng nghèo. Mô hình Tình chị em đã thu được nhiều kết quả như góp phần ngăn ngừa 17.173 ca mang thai ngoài ý muốn, hạn chế sinh thêm 5.535 trẻ ngoài ý muốn....

Bác sĩ Nguyễn Cao Hùng, Chi cục trưởng Chi cục dân số và KHHGĐ Cà Mau, Phó giám đốc dự án của tỉnh Cà Mau cho biết, dự án đã mang lại hiệu quả rõ rệt cho người dân khi chất lượng phục vụ người bệnh tại các cơ sở được nâng cao, trình độ kiến thức, kỹ năng của cán bộ y tế qua đào tạo cũng được nâng thêm, cơ sở vật chất tại các trạm y tế cũng được bổ sung thêm. Quan trọng nhất là dự án đã làm thay đổi cái nhìn của người cán bộ y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe của phụ nữ, coi người bệnh như người thân, một khách hàng của mình.

Bác sĩ Hùng còn chia sẻ, hiện tỉnh Cà Mau đã triển khai được 30 trạm y tế có mô hình Tình chị em và thu được những kết quả rất tốt. “Chúng tôi đã lập kế hoạch tiếp tục duy trì 30 trạm y tế có mô hình Tình chị em và khảo sát thêm 15 trạm y tế nữa để mở rộng mô hình này.” - bác sĩ Hùng nói.

Thành công của mô hình Tình chị em ở các cơ sở y tế công đã và đang góp phần cải thiện hệ thống y tế tuyến cơ sở, giúp hạn chế tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, tạo điều kiện cho người dân được lựa chọn việc CSKSSS chất lượng ngay tại địa phương, đồng thời nâng cao hơn nữa tình trạng sức khỏe sinh sản của người dân Việt Nam.

Bên lề Hội thảo, phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc trao đổi nhanh với Ths Nguyễn Thị Quý Linh- Giám đốc Chương trình Nhượng quyền xã hội Tình chị em.

Phóng viên (PV): Xin bà cho biết hiệu quả của dự án này đối với ngành y tế nói chung và người dân được hưởng những lợi ích gì của dự án?

Ths Nguyễn Thị Quý Linh: Đối tượng trực tiếp hưởng lợi của dự án là các trạm y tế cấp xã, trung tâm y tế cấp huyện. Mục tiêu của dự án là nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ y tế, cải thiện thái độ, kỹ năng chăm sóc sức khỏe sinh sản thông qua thương hiệu Tình chị em. Qua đó thu hút người dân đến với trạm y tế để chăm sóc sức khỏe sinh sản ngày càng chủ động hơn. Việc này giúp cho ngành y tế vững mạnh, từ đó người dân tin tưởng dịch vụ hơn, hạn chế việc người dân vượt tuyến khám chữa bệnh. Đây là can thiệp hiệu quả nhất của dự án. Dự án ngoài việc can thiệp trực tiếp cho y tế cấp xã, MS cùng với Sở Y tế cấp tỉnh, xây dựng một lực lượng từ 13-15 cán bộ giảng viên nguồn. Họ là những nguồn lực quý báu, trực tiếp tập huấn, cầm tay chỉ việc đào tạo cho các cán bộ y tế khi các tỉnh có nhu cầu mở rộng mô hình hữu ích này.

PV: Sau khi kết thúc dự án, làm thế nào để các tỉnh tiếp tục duy trì, mở rộng mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản tại địa phương?

Ths Nguyễn Thị Quý Linh: Đây là trăn trở và mục tiêu đầy tham vọng của chúng tôi. Thực tế là từ những lợi ích mà mô hình này đem lại, Sở y tế của nhiều tỉnh đã sử dụng nguồn lực của tỉnh để nhân rộng mô hình này ở các xã khác. Đến nay, những mô hình đó vẫn được duy trì và hoạt động rất hiệu quả. Ở giai đoạn 3 thực hiện dự án tại Yên Bái, Cà Mau, Đắk Lắk, một trong những cam kết với nhà tài trợ là các tỉnh này sẽ nhân rộng mô hình ra phạm vi toàn tỉnh với nguồn vốn của địa phương. Mặc dù dự án kết thúc vào tháng 12/2016, nhưng từ quý 2/2016, Sở y tế các tỉnh này đã có kế hoạch nhằm duy trì những mô hình hiện có ở các xã đồng thời nhân rộng ra các xã khác.

PV: Sau khi kết thúc dự án này, Marie Stopes International có kế hoạch thực hiện các dự án chăm sóc sức khỏe khác hay không?

Ths Nguyễn Thị Quý Linh: Marie Stopes International (MS) có thể mạnh trong các hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản. Tình chị em là một trong những chương trình phối hợp với y tế công để thực hiện. Trong thời gian tới, MS tiếp tục tìm kiếm nguồn lực để hỗ trợ cho những địa phương có nhu cầu. Sắp tới có thể chúng tôi sẽ có một mô hình mới nhằm tạo ra các mặt hàng sẵn có ở các cơ sở y tế hoặc được cung cấp đến tận nhà người dân để người dân có thể tiếp cận được dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

PV: Xin cảm ơn bà.

Hải Yến

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/125-tram-y-te-xa-phuong-tai-3-tinh-yen-bai-ca-mau-dak-lak-duoc-ho-tro-de-nang-cao-chat-luong-csskss-cho-nguoi-dan-n125665.html