Mở hướng khai thác tiềm năng thị trường nông thôn

(Chinhphu.vn)- Nông thôn nước ta là một thị trường có tiềm năng rất lớn với hơn 70% dân số (khoảng 60 triệu người) nhưng trong một thời gian dài đã bị “bỏ ngỏ”. Theo nhiều DN, lý do chính là lợi nhuận không cao, kinh doanh vất vả, doanh thu không lớn. Vì vậy, vô hình trung, nông thôn đã trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho hàng ngoại, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Cần đánh giá đúng tiềm năng thị trường nông thôn Theo các chuyên gia kinh tế, ở các nước phát triển, DN thường xây dựng thị trường nội địa, nhất là thị trường nông thôn, như một sân sau thật vững chắc trước khi xây dựng thị trường mới. Từ khi kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, thị trường xuất khẩu thu hẹp, nhiều DN (của cả Việt Nam và thế giới) mới thấy được vai trò to lớn của thị trường nội địa. Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nhận xét, ở nước ta, thị trường nội địa đã không được chú ý đúng mức trong một thời gian dài. Trong khi đó, muốn phát triển kinh tế bền vững thì ngoài đẩy mạnh xuất khẩu, các quốc gia đều phải mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Điều này được minh chứng rất rõ nét trong thời gian qua: 9 tháng đầu năm GDP vẫn tăng 4,56% mặc dù kim ngạch xuất khẩu giảm 14,3% so với cùng kỳ năm trước. Có được kết quả này là nhờ sự phát triển của thị trường nội địa. Mặt khác, với gần 87 triệu dân, tiềm năng thị trường nội địa nước ta là rất lớn, nếu chỉ đến khi kinh tế khủng hoảng gặp khó khăn mới nghĩ đến thị trường này như là nơi “tránh bão” thì thật sai lầm. Một số chuyên gia kinh tế tại TP. Hồ Chí Minh` đánh giá, nông thôn nước ta hiện nay đang hội tụ nhiều yếu tố giúp DN có thể kinh doanh rất thuận lợi. Đó là tốc độ đô thị hóa cao khiến hạ tầng cơ sở được cải thiện đáng kể; quá trình thương mại hóa nông sản đã được chú trọng; chất lượng đời sống và thu nhập người nông dân đã tăng lên và cùng với đó, thời gian qua, nhiều chính sách kích thích phát triển nông nghiệp – nông thôn của Nhà nước đã được triển khai thực hiện cả về ngắn hạn và dài hạn. Bên cạnh đó, một thực tế khiến chúng ta cũng phải suy nghĩ là cách đây hơn 10 năm, nhiều thương hiệu mạnh nước ngoài như Unilever, Procter & Gamble (P&G), Coca-Cola, Ajinomoto, … đã thấy được tiềm năng và vai trò của thị trường nông thôn, nên ngay khi mới bước chân vào thị trường nước ta, họ đã liên kết với hệ thống bán hàng khắp các tỉnh thành trên cả nước thành lập cơ sở kinh doanh và đào tạo đội ngũ nhân viên bán hàng, giám sát bán hàng để bám trụ từng vùng, từng khu vực. Vì vậy, để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đi vào cuộc sống, để hàng Việt có sự bứt phá đến với người tiêu dùng, các DN phải có kế hoạch hàng động giành lại sân nhà. Bài học từ một cách làm Lần đầu tiên, từ tháng 3/2009, chương trình “Hàng Việt về nông thôn” do Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) phối hợp với Câu lạc bộ DN Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức tại các tỉnh An Giang, Khánh Hòa, Trà Vinh, Bắc Giang, Bến Tre và mới đây nhất là tại Bình Dương (từ 9-11/10), lúc cao điểm có tới 70 DN tham gia. Sau 6 tháng, nhiều DN trong nước đã xây dựng được mạng lưới phân phối hàng hóa đến tận tay nông dân ở các vùng sâu, vùng xa Tại hội thảo “Hàng Việt về nông thôn năm 2009” do BSA vừa tổ chức, bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc BSA cho biết, chương trình "Hàng Việt về nông thôn" nhằm 4 mục tiêu: một là, hàng hóa được chính các nhà sản xuất bán trực tiếp tận tay người dân, góp phần quảng bá và tạo sự quan tâm nơi người tiêu dùng đối với hàng Việt. Hai là, từ đó các nhà sản xuất sẽ hiểu rõ hơn nhu cầu của người tiêu dùng nông thôn dựa trên tiếp cận thực tế. Ba là người bán lẻ hàng hóa tại nông thôn có cơ hội nâng cao kỹ năng bán hàng và khả năng kinh doanh của mình. Cuối cùng, nhà phân phối, nhà bán lẻ tại địa phương và nhà sản xuất kết nối được với nhau để hình thành một hệ thống phân phối chuyên nghiệp và phát triển tại từng khu vực thị trường nông thôn. Một kinh nghiệm được nêu tại hội thảo là: Phiên chợ đưa hàng về nông thôn cần tổ chức cách xa trung tâm thị trấn. Những nơi hẻo lánh, xa đô thị mới cần hơn những hoạt động tiếp thị sản phẩm. Và theo đó, các loại hàng hóa, hình thức tiếp thị với từng vùng miền phải linh hoạt để chiến dịch bán hàng đạt hiệu quả cao, tạo đà cho hàng Việt bám sâu rễ bền gốc tại thị trường nông thôn. Doanh thu từ các phiên chợ hàng Việt có thể còn nhỏ nhưng lại mở ra cơ hội lớn để DN tiếp cận, thấu hiểu nhu cầu của người tiêu dùng và chuẩn bị cho chính mình chỗ đứng lâu dài ở các vùng quê xa đô thị . Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, BSA và các DN tham gia nên xây dựng chiến lược cho chương trình đến năm 2010 bằng cách tập trung nguồn nhân lực, xây dựng các chương trình khuyến mại và chính sách sau bán hàng (như bảo hành, bảo trì hàng hóa) rõ ràng hơn, duy trì chất lượng qua từng đợt bán hàng. Từ đó xây dựng các nhà phân phối tại địa phương để đẩy mạnh việc đưa hàng về nông thôn theo đúng thị hiếu của từng vùng. Thanh Xuân

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/mo-huong-khai-thac-tiem-nang-thi-truong-nong-thon/200910/23358.vgp