Mở rộng chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau an toàn

Sau 6 năm triển khai Đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn (RAT), thành phố Hà Nội đã xây dựng được vùng sản xuất đủ điều kiện an toàn thực phẩm hơn 5.100 ha, gần 50 chuỗi tiêu thụ sản phẩm. Người dân có sự thay đổi lớn về tập quán canh tác và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).

Xã Vân Nội, huyện Đông Anh là địa phương có truyền thống sản xuất rau màu các loại cung cấp cho thị trường Hà Nội. Tuy nhiên, do lối canh tác cũ, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm truyền thống và lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, cho nên năng suất, chất lượng nông sản không cao. Chi phí giống cây, thuốc BVTV lớn, dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Để giải bài toán này, UBND xã Vân Nội đã chủ động liên hệ với Chi cục Bảo vệ Thực vật, Trung tâm khuyến nông Hà Nội, Trường đại học Nông nghiệp I… mời các chuyên gia tập huấn kỹ thuật canh tác mới cho nông dân như sử dụng vòm phủ ni-lông, xử lý đất, hạn chế sâu bệnh bằng phương pháp ngâm nước, rắc vôi bột sau thu hoạch; cách sử dụng thuốc BVTV. Chính quyền hỗ trợ xây dựng đường trục giao thông nội đồng, kết hợp hệ thống thủy lợi; kéo điện phục vụ người dân chạy máy bơm tưới tiêu nước; khuyến khích thành lập các hợp tác xã (HTX) và mở rộng chợ đầu mối tiêu thụ RAT. Nhờ đó, chỉ sau thời gian ngắn, xã Vân Nội đã xây dựng được hơn 140 ha đất đủ điều kiện sản xuất RAT, thành lập 13 HTX và bảy công ty tiêu thụ RAT. Giá trị sản xuất đạt hơn 300 triệu đồng/ha, thu nhập bình quân đầu người hơn 30 triệu đồng/năm. Người dân nắm được kỹ thuật canh tác mới, tạo ra các sản phẩm có năng suất, chất lượng vượt trội, an toàn thực phẩm, được thị trường ưa chuộng.

Anh Nguyễn Văn Thanh, người dân xã Vân Nội chia sẻ, thay đổi lớn nhất là nông dân đã bỏ thói quen cứ có sâu bọ là phun thuốc, bất kể loại thuốc gì do người bán hàng giới thiệu, miễn là diệt được sâu bọ. Giờ thì các loại thuốc BVTV, chủ yếu là các loại có nguồn gốc sinh học đều được Trạm BVTV huyện Đông Anh, các HTX kiểm soát rất chặt chẽ. Các cán bộ kỹ thuật thường xuyên có mặt kiểm tra quá trình phát triển rau màu, cũng như cập nhật kịp thời các loại sâu bệnh gây hại để có phương án xử lý. Người dân được hướng dẫn và nắm rõ liều lượng, loại thuốc phù hợp từng loại cây trồng. Nhiều người còn cẩn thận ghi chép nhật ký sử dụng thuốc BVTV.

Cùng quan điểm này, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh cho biết, từ năm 2010, toàn bộ diện tích đất sản xuất rau màu của HTX chuyển sang sản xuất theo quy trình RAT. Chín cán bộ của HTX và tám cán bộ kỹ thuật của Chi cục BVTV Hà Nội hướng dẫn, giám sát quá trình sản xuất RAT của nông dân. Để chứng minh chất lượng sản phẩm, HTX thường xuyên mời khách hàng xuống tận ruộng tham quan, giám sát quy trình sản xuất, lấy mẫu rau đi kiểm nghiệm. Xây dựng kế hoạch sản xuất nhiều loại rau, bảo đảm đa dạng về chủng loại và cam kết cung cấp các sản phẩm an toàn, chất lượng. Để ràng buộc trách nhiệm giữa người sản xuất với các đơn vị thu mua, HTX ký hợp đồng và sẵn sàng chịu trách nhiệm về tài chính và luật pháp nếu các sản phẩm mất an toàn. Ngược lại, nếu đơn vị thu mua không bao tiêu hết sản phẩm thì phải bồi thường cho người sản xuất. Nhờ đó, các loại RAT của HTX sản xuất tạo được lòng tin của các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị và người tiêu dùng. Sản lượng tiêu thụ luôn ổn định với giá cả cao hơn các loại rau thông thường. Đời sống các thành viên HTX từng bước được cải thiện.

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, các loại RAT phải được kiểm soát rất chặt chẽ dư lượng thuốc BVTV. Chi cục BVTV đã cử 150 cán bộ kỹ thuật thường xuyên hướng dẫn người dân kỹ thuật canh tác trong quá trình sản xuất, sơ chế RAT, nhất là cách sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả. Phối hợp lực lượng chức năng, chính quyền các cấp kiểm tra, thanh tra, quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh thuốc BVTV, cho nên việc kinh doanh, sử dụng thuốc ngoài danh mục, thuốc cấm rất ít. Tỷ lệ sử dụng thuốc thảo mộc, sinh học đã đạt khoảng 60% và giảm gần một phần ba số lần sử dụng thuốc. Người dân đã giảm một nửa chi phí sử dụng thuốc và tuân thủ thời gian cách ly khi thu hoạch. Nhờ đó, tỷ lệ mẫu rau phân tích vượt dư lượng thuốc BVTV rất thấp, chỉ từ 1 đến 2% số mẫu. Năng suất rau các loại tăng cao, trong đó sản lượng RAT năm nay đạt gần 400 nghìn tấn. Giá trị sản xuất đạt từ 300 đến 500 triệu đồng/ha/năm. Riêng các vùng che phủ ni-lông, nhà lưới trồng rau trái vụ đạt hơn một tỷ đồng/năm. Cho đến nay, thành phố có hơn 5.100 ha trồng RAT, trong đó có nhiều mô hình tập trung, khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ như xã Văn Đức, Đặng Xá (huyện Gia Lâm); xã Yên Mỹ, Duyên Hà (huyện Thanh Trì); xã Thanh Đa, Vân Phúc (huyện Phúc Thọ); xã Vân Côn, Tiền Lệ (huyện Hoài Đức); xã Vân Nội, Nam Hồng (huyện Đông Anh)... Hình thành gần 50 chuỗi tiêu thụ RAT. Hơn 40 cơ sở được gắn tem, nhãn nhận diện RAT.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Huy Đăng khẳng định, Đề án sản xuất và tiêu thụ RAT giai đoạn năm 2009-2016 đã đạt mục tiêu, đưa Hà Nội trở thành địa phương có diện tích được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất rau lớn nhất cả nước. Số lượng mẫu kiểm nghiệm vượt giới hạn tối đa dư lượng thuốc BVTV rất thấp. Hiệu quả kinh tế cao, trong đó có hơn 1.200 ha đạt một tỷ đồng/năm. Điều đáng mừng là người dân đã thay đổi tập quán canh tác và sử dụng thuốc BVTV. Từ kết quả này, giai đoạn năm 2017-2020, thành phố sẽ phát triển thêm từ 3.000 đến 4.000 ha RAT. Tiếp tục chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về phòng ngừa sâu bệnh cho người dân theo hướng giảm đến mức thấp nhất các loại thuốc BVTV; phát triển, kiểm soát 50 chuỗi cung cấp RAT, bảo đảm truy xuất nguồn gốc xuất xứ…

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/hanoi/tin-moi-nhan/item/31597202-mo-rong-chuoi-san-xuat-tieu-thu-rau-an-toan.html