Mở rộng độ bao phủ bảo hiểm xã hội

Mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH) có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển bền vững lĩnh vực này trong dài hạn. Tuy nhiên, tỷ lệ bao phủ hiện nay còn thấp và vẫn còn nhiều khoảng trống trong thực hiện chính sách BHXH, đòi hỏi những giải pháp phù hợp để thay đổi...

Người dân đến nộp bảo hiểm tại Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội. Ảnh: THẢO LINH

Những khoảng trống trong thực hiện

Có thể thấy, từ khi đất nước đổi mới đến nay, pháp luật, chính sách về BHXH đã được xây dựng, nhiều lần sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng phạm vi, đối tượng tham gia. Trên thực tế đã diễn ra quá trình mở rộng và tăng liên tục đối tượng tham gia BHXH từ khi Luật BHXH năm 2006 có hiệu lực từ ngày 1-1-2007.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, cả nước mới có hơn 13,4 triệu người tham gia BHXH (tăng gấp sáu lần so năm 1995 và hơn 6,3 % so với năm 2015), chỉ chiếm khoảng 24% lực lượng lao động (khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi). Đây là tỷ lệ khá thấp về diện bao phủ, chưa đạt được sự kỳ vọng của chính sách và còn một khoảng cách rất xa so với mục tiêu Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị đặt ra là đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH.

Những số liệu trên cho thấy, còn nhiều khó khăn vướng mắc cũng như nhiều khoảng trống cả về chính sách và tổ chức thực hiện BHXH.

Theo phân tích của TS Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Khoa học lao động và Xã hội, do việc tổ chức triển khai và thực hiện Luật BHXH chưa nghiêm, trước hết là đối với lao động khu vực có quan hệ lao động phải tham gia BHXH bắt buộc, cho nên vẫn còn khoảng 20% số lao động chưa tham gia, chủ yếu là trong doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động). Cùng với đó, lao động nông nghiệp, khu vực phi kết cấu với tính chất lao động tự làm (khoảng 28 triệu người), có nhu cầu tham gia BHXH rất lớn nhưng khả năng tham gia (có thể đóng) BHXH lại rất thấp (chỉ khoảng 10%), trong khi đến hết năm 2017 chưa có chính sách hỗ trợ của Nhà nước để họ tham gia BHXH. Đến ngày 1-1-2018, mới có chính sách hỗ trợ cho nhóm đối tượng này tham gia BHXH tự nguyện. Đặc biệt, có khoảng 4,658 triệu hộ kinh doanh cá thể với khoảng 8 triệu lao động (số liệu của Tổng cục Thống kê công bố đến cuối năm 2014), nếu Nhà nước có chính sách hỗ trợ họ để chuyển thành doanh nghiệp thì đối tượng này có đủ khả năng tham gia BHXH. Tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó sẽ thực thi các chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể có khả năng chuyển thành doanh nghiệp, thực hiện tốt sẽ lấp được một phần khoảng trống chính sách về mở rộng diện tham gia BHXH.

Một vấn đề cũng gây lo ngại là khi chính sách hưởng BHXH một lần được triển khai khá "thoáng", nhất là khi Quốc hội khóa XIII ban hành Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22-6-2015 về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao động (khắc phục Điều 60 của Luật BHXH năm 2014), trong khi đó một bộ phận người lao động làm hợp đồng ngắn hạn, có xu hướng hưởng BHXH một lần ngày càng tăng, sẽ làm giảm diện bao phủ BHXH... Theo thống kê, năm 2016 là 665.306 người so với 129.156 người năm 2007, tăng gấp 5,15 lần.

Tăng cường các giải pháp...

Theo quy định của Luật BHXH năm 2014, từ ngày 1-1-2018, BHXH bắt buộc bao phủ đến người lao động (NLĐ) làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) có thời hạn từ đủ 1 tháng, thậm chí cả NLĐ là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam. Đồng thời, diện bao phủ của BHXH tự nguyện được mở rộng cho công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên. Như vậy, đến năm 2018, về mặt chính sách BHXH (bắt buộc và tự nguyện) đã bao phủ toàn bộ lực lượng lao động. Tuy nhiên, để thực hiện được nhiệm vụ này, cần có các giải pháp đồng bộ.

Hiện nay, Chính phủ đang giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam xây dựng đề án mở rộng độ bao phủ BHXH để sớm có các giải pháp. Theo báo cáo tổng hợp ý kiến các bộ, ngành về các giải pháp mở rộng diện bao phủ BHXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, về chính sách, cần gắn kết chính sách BHXH, chính sách thị trường lao động cũng như chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để có thể duy trì khả năng và năng lực đóng BHXH cho NLĐ. Thí dụ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa nếu cam kết sử dụng lao động lâu dài, nhất là lao động trên 35 tuổi có thể được Quỹ BH thất nghiệp hỗ trợ một phần chi phí, bởi kết dư của Quỹ hiện nay còn lớn.

Theo tính toán, nếu hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng, tương đương 3.000 tỷ đồng mỗi năm sẽ giữ được khoảng 500.000 lao động tiếp tục làm việc, đóng BHXH, hạn chế tình trạng hưởng BHXH một lần, đồng thời Quỹ BH thất nghiệp không phải chi trả do NLĐ không hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đặc biệt, nghiên cứu, điều chỉnh quy định người tham gia BHXH có tối thiểu 10 năm đóng BHXH có cơ hội hưởng lương hưu, kết hợp với điều chỉnh công thức tính lương hưu để bảo đảm khả năng bền vững của Quỹ. Bổ sung các quyền lợi ngắn hạn trong chính sách BHXH tự nguyện để tăng tính hấp dẫn của chính sách cũng như hạn chế việc hưởng BHXH một lần...

Về tổ chức thực hiện, cần giao chỉ tiêu bao phủ BHXH theo hướng gắn với trách nhiệm của địa phương, gắn với cá nhân NLĐ tham gia BHXH, tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan BHXH với các cơ quan, tổ chức ở địa phương trong việc nhận diện các đối tượng tiềm năng tham gia BHXH. Tăng cường thực hiện thu BHXH đối với NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Thực tế triển khai cho thấy nhóm đối tượng này có tỷ lệ tham gia rất thấp, mới có khoảng 2.000 người chủ yếu là lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo HĐLĐ từng tham gia BHXH, trong khi hiện có khoảng 400.000 người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo HĐLĐ. Do đó, nếu quản lý và thực hiện thu chặt chẽ nhóm đối tượng này có thể gia tăng diện bao phủ BHXH thêm khoảng 400.000 người.

Bên cạnh đó, mức độ bao phủ BHXH bắt buộc phụ thuộc rất lớn vào sự tham gia của những người sử dụng lao động. Vì vậy, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH nhằm giảm tình trạng doanh nghiệp vi phạm pháp luật về BHXH...

Việt Nam hiện có khoảng 11,2 triệu người cao tuổi. Tuy nhiên, mới có khoảng hơn 50% số người cao tuổi được hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp xã hội hằng tháng của Nhà nước, số còn lại không có lương hưu, đồng thời không có hỗ trợ nào khác từ ngân sách nhà nước.

LAN VŨ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/34049602-mo-rong-do-bao-phu-bao-hiem-xa-hoi.html