Mở rộng thị trường, doanh nghiệp hái quả ngọt

Liên tục tìm cách đa dạng hóa thị trường và khách hàng, linh hoạt thích ứng, nhiều doanh nghiệp đã hái quả ngọt khi có đủ đơn hàng cho cả năm 2024.

Liên tiếp hái quả ngọt

Vừa xuất một đơn hàng đi thị trường Jordan, ông Phạm Quang Anh - CEO Công ty TNHH May mặc Dony cho biết, trái ngược với bức tranh chung của xuất khẩu dệt may, năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, doanh nghiệp đón nhận lượng đơn hàng lớn, doanh thu tăng cao. Tính đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng đến hết tháng 7/2024, và khoảng 60% đơn hàng cho những tháng tiếp theo.

Đây là “trái ngọt” của hành trình đi tìm đơn hàng tại các nước ở châu Âu, Trung Đông và Đông Nam Á. Theo ông Quang Anh, từ cuối năm 2022 khi đơn hàng sụt giảm, nhịp sản xuất thưa dần, doanh nghiệp đã bắt tay vào việc chuyển hướng thị trường.

Sau 2 năm chuyển hướng sang các thị trường mới như: UAE, Jordan, Malaysia, Campuchia… doanh nghiệp đã giảm bớt được rủi ro về đơn hàng. Hiện khối thị trường Trung Đông và Asean đang chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của đơn vị.

Đáng chú ý, tại thị trường Campuchia, theo ông Quang Anh, mặc dù đây là thị trường mới, song lượng đơn hàng khá dồi dào. Thông thường ngành dệt may sẽ bán chạy nhất vào dịt Tết Nguyên đán với thị trường Việt Nam, Trung Quốc và dịp Tết Dương lịch với các thị trường châu Âu, Mỹ, Trung Đông. Riêng thị trường Campuchia, do ngày Tết của họ rơi vào tháng 4/2024, nên nó nghịch mùa với tất cả các thị trường khác.

“Mùa thấp điểm của thị trường truyền thống thì là cao điểm của Campuchia. Nhờ đó, doanh nghiệp có đủ đơn hàng để sản xuất trong cả năm. Dự kiến năm 2024, doanh số của công ty sẽ tăng 15%”, ông Phạm Quang Anh chia sẻ.

Liên tiếp mở rộng thị trường, nhiều doanh nghiệp hái quả ngọt

Cũng liên tiếp nhận các đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường, bà Mai Thị Nhân - Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Tùng (chuyên sản xuất và xuất khẩu mực, bạch tuộc) cho hay, những năm trước, thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp chủ yếu ở châu Âu và một số thị trường châu Á với sản lượng xuất khẩu khoảng 1.500 tấn các loại. Tuy nhiên, hiện nay, thị trường châu Âu gần như không có đơn hàng do bị “thẻ vàng”.

Trước khó khăn đó, doanh nghiệp đã chuyển đổi thị trường bán lẻ sang Hàn Quốc, Nga. Dù đơn hàng giảm so với những năm trước nhưng công ty cũng đã ký kết được các đơn hàng cho cả năm 2024 với sản lượng khoảng 800 tấn. Để bảo đảm kế hoạch năm, ngoài nguồn nguyên liệu mua trong nước, doanh nghiệp đang tích cực tìm kiếm thêm các thị trường nước ngoài để nhập khẩu nguyên liệu.

Trong khi đó, với Công ty CP Thực phẩm Bình Tây - doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng như: Bún, miến, phở, mì sang các thị trường như Hàn Quốc, Mỹ, Canada, bà Lê Thị Giàu, Chủ tịch HĐQT công ty này đánh giá, năm 2024 là năm nhiều thuận lợi với các doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm.

Theo bà Giàu, hiện tại, Công ty CP Thực phẩm Bình Tây đã có đủ đơn hàng xuất khẩu cho cả năm, thậm chí hàng sản xuất ra không đủ bán. Doanh nghiệp dự kiến xuất khẩu khoảng 800-1.000 container trong năm nay và kỳ vọng doanh thu sẽ tăng hơn 300%.

Kết quả này là nhờ việc tích cực tham gia các diễn đàn, hội chợ xuất khẩu trong thời gian qua. Từ đó giúp doanh nghiệp tìm kiếm, đa dạng được khách hàng. “Với các sản phẩm đạt chuẩn, đảm bảo chất lượng, quy cách đóng gói theo các tiêu chuẩn HACCP, ISO… thông qua các hội chợ, doanh nghiệp có cơ hội kết nối tiếp cận được với các hệ thống bán lẻ lớn. Từ đó gia tăng xuất khẩu”, bà Giàu chia sẻ và cho biết thêm hiện doanh nghiệp đang mở rộng nhà máy sản xuất miến với công suất 5.000 tấn/năm tại Đồng Nai.

Vẫn còn những thách thức

Mặc dù thị trường xuất khẩu có nhiều thuận lợi, song các chuyên gia cho rằng, thách thức vẫn còn ở phía trước khi xung đột địa chính trị vẫn diễn biến phức tạp và khó lường.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, do xung đột ở Biển Đỏ nên thời gian vận chuyển rau quả vào châu Âu, Trung Đông, Bắc Phi tăng thêm 15-18 ngày, đẩy chi phí vận chuyển lên gấp đôi, làm tăng giá thành, giảm chất lượng sản phẩm, làm giảm lợi thế cạnh tranh với sản phẩm của các nước Nam Mỹ (đường vận chuyển hàng của các nước này không đi qua Biển Đỏ). Một số doanh nghiệp đã phải chuyển sang đường hàng không khiến giá thành cao hơn, lượng hàng ít đi.

Bà Lê Thị Giàu cho biết thêm, ngay trong quý I, các doanh nghiệp đã đối mặt với bất ổn về giá thành, chi phí. Ngoài chi phí vận chuyển hàng hóa tăng do xung đột ở Biển Đỏ, chi phí nguyên liệu đầu vào của ngành thực phẩm đang tăng. Trong khi đó, khó có thể đàm phán tăng giá với khách hàng.

Trong bối cảnh đó, để thích ứng doanh nghiệp đã phải đầu tư thêm dây chuyền công nghệ tăng năng suất. Đồng thời giám sát, quản lý chi phí đầu vào.

Với các doanh nghiệp ngành gỗ, ông Điền Quang Hiệp - Tổng giám đốc Công ty TNHH Minh Phát 2 (Mifaco) nhìn nhận, cùng với việc phát triển mẫu mã mới, doanh nghiệp đang tập trung kiện toàn bộ máy, tìm giải pháp tiết giảm chi phí. “Dù khó khăn, công ty vẫn dành ngân sách nhất định để đầu tư máy móc nhằm giảm chi phí nhân công, thông tin tới người lao động để tạo sự đồng lòng, quyết tâm cùng doanh nghiệp tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh”, ông Điền Quang Hiệp nhấn mạnh.

Hà Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/mo-rong-thi-truong-doanh-nghiep-hai-qua-ngot-315326.html