Mở rộng thị trường xuất khẩu: Cần cách làm mới

Thống kê mới nhất cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng qua ước đạt 90 tỷ USD, giảm 20,5% so với cùng kỳ năm 2008, trong đó xuất khẩu ước đạt 41,7 tỷ USD, giảm 14,3% và nhập khẩu ước đạt 48,3 tỷ USD, giảm 25,2%. Nhiều ý kiến cho rằng, việc đầu tư nhiều hơn cho thị trường nội địa và khai thác những thị trường mới sẽ giúp xuất khẩu sớm khôi phục đà tăng trưởng.

Trao đổi với chúng tôi, TS Vũ Đình Ánh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Thị trường giá cả cho rằng, những hướng đi kể trên về lý thuyết hoàn toàn đúng đắn. Nhưng giải được bài toán chi phí mới là mấu chốt của vấn đề. Kim ngạch xuất khẩu (KNXK) giảm hay còn gọi là tăng trưởng âm so với năm trước là một trường hợp hi hữu trong chuỗi thành công về ngoại thương của Việt Nam từ năm 1995 đến nay. Ngay cả khi chịu ảnh hưởng từ khủng hoảng tài chính khu vực vào năm 1997, GDP của Việt Nam chỉ đạt 5,76% nhưng kim ngạch xuất khẩu (XK) của Việt Nam vẫn tăng được 1,9%. Năm 1998, GDP chỉ đạt 4,77% thì KNXK tăng được 23,3%. Việc cơ cấu lại mặt hàng, cơ cấu lại thị trường là những giải pháp đúng của ngày mai, nhưng là giải pháp khó cho hôm nay; bởi để làm được điều này, cần phải có thời gian và chi phí. Để cơ cấu lại mặt hàng, hay nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng của hàng XK đòi hỏi phải có sự đầu tư mới, phải thay đổi cả cơ cấu công nghiệp. Ngoài ra, Việt Nam sẽ phải nỗ lực phát triển công nghiệp phụ trợ, tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm tỷ lệ nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu... Đó không phải việc mà chúng ta có thể giải quyết trong một, hai ngày. Theo tôi, việc mở cửa thị trường mới là hướng đi đúng, nhưng ngay lúc này đó chưa phải là cách làm mang lại hiệu quả kinh tế vì chi phí không hề nhỏ. Cá nhân tôi cho rằng, các DN nên có cách ứng xử mới, quan niệm mới và định hướng mới cho XK. Liệu có phải cứ tăng XK bằng mọi giá hay không và nếu cứ tăng mãi XK thì được gì? Trong những năm qua, XK luôn chiếm từ 65% GDP (năm 2006), 67,9% GDP (năm 2007) và 69,94% GDP (năm 2008). Mỗi năm, các DN XK tạo việc làm cho vài chục triệu lao động và thu về khoảng 60 tỷ USD cho nền kinh tế. Nhưng tính chung cả nhập khẩu phục vụ cho sản xuất hàng XK, hoạt động XNK làm GDP giảm đi 2%. Với khả năng XK của Việt Nam hiện nay, chúng ta đang làm nhiều hơn nhưng lại được hưởng lợi ít hơn. Khi chúng ta tăng XK mà đồng thời phải tăng nhập khẩu thêm nguyên vật liệu đầu vào; và khi bán ra lượng hàng lớn để thu về lượng ngoại tệ không tương xứng, cán cân thương mại, cán cân thanh toán vẫn chênh lệch và tạo áp lực lớn cho tỷ giá. Thực tế cho thấy, tổng lượng hàng XK trong 6 tháng tăng 11% nhưng khoản ngoại tệ mà Việt Nam thu về giảm đi 10,1%. Lượng dầu thô xuất khẩu trong 8 tháng nhích lên 8% so với cùng kỳ năm trước, nhưng số ngoại tệ thu về lại giảm tới 48,1%. Với gạo và hạt tiêu, khối lượng XK đều tăng gần gấp rưỡi, trong khi giá trị lần lượt giảm 1,4% và 0,6%. Thực tế cho thấy, giá hàng hóa XK luôn phụ thuộc vào mặt bằng giá thế giới. Chúng ta không quyết định được giá, vì vậy với từng nhóm hàng XK ta cần có cách ứng xử riêng, có nghệ thuật riêng để đạt được hiệu quả kinh tế cao nhất. Đơn cử với nhóm hàng thủy sản, đã sản xuất ra là phải bán, không tích trữ được. Nhưng với một số hàng nông sản khác, vẫn có thể tính toán thời điểm XK để bán được giá cao nhất. Với nhóm hàng khoáng sản, chúng ta có thể hoàn toàn chủ động về thời điểm về lượng xuất, khi nào được giá thì xuất hay chủ động thời gian khai thác... Tuy nhiên cá nhân tôi cho rằng, nên đặt mục tiêu gia tăng XK trong lợi ích tổng thể quốc gia. Trong trường hợp nào đó, đôi khi chúng ta phải chấp nhận sự thiệt thòi của một nhóm hàng XK hay một ngành nào đó để đạt được kết quả chung tốt nhất.

Nguồn VietStock: http://www.vietstock.com.vn/tianyon/index.aspx?articleid=133312&channelid=38