Mổ xẻ mỏ vàng tín dụng BOT: Rủi ro nhiều vẫn... tham

Lấy ngắn nuôi dài, nhiều ngân hàng hào hứng cho vay BOT nhưng việc cho vay này ẩn chứa nhiều rủi ro, đặc biệt là về thanh khoản.

Món lợi khó chối từ

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối tháng 12/2016 có 20 tổ chức tín dụng cấp tín dụng cho các dự án BOT, BT giao thông với tổng hạn mức 163.097 tỷ đồng, tổng số dư tín dụng 84.235 tỷ đồng (chiếm hơn hai phần ba tín dụng cấp cho lĩnh vực giao thông).

Lý giải việc lãnh đạo NHNN đã yêu cầu kiểm soát chặt cho vay các dự án BOT, BT, đồng thời liên tục cảnh báo rủi ro tiềm ẩn khi các dự án BOT, BT chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng nhưng các ngân hàng thương mại vẫn mặn mà, chuyên gia tài chính-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc cho vay các dự án BOT, BT có nhiều thuận lợi.

Trước hết, các nhà đầu tư dự án BOT, BT không vay nhỏ lẻ, lắt nhắt mà vay số tiền rất lớn. Với số tiền cho vay này, các ngân hàng có thể đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng lên.

Thứ hai, đây phần lớn là các dự án của Chính phủ nên có nguồn trả nợ tương đối ổn định. Bên cạnh nguồn tiền ngân sách, thường là vốn đối ứng cho các dự án, các dự án có thể được tài trợ bởi các nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư nước ngoài. Khi dự án hoàn thành, phí thu được từ dự án đó sẽ là nguồn tiền để trả lại cho ngân hàng.

Mặt khác, đây là những dự án có tầm cỡ quốc gia hoặc tỉnh nên có độ an toàn tương đối cao.

Các ngân hàng đối mặt với nhiều rủi ro khi cho vay dự án BOT, BT

Các ngân hàng đối mặt với nhiều rủi ro khi cho vay dự án BOT, BT

Tuy nhiên, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng chỉ rõ, các dự án BOT, BT là các dự án đầu tư dài hạn, chính vì thế nó có thể dẫn đến nhiều rủi ro.

Ông liệt kê: Chi phí xây dựng dự án nhiều khi vượt ra khỏi kế hoạch và làm tăng nhu cầu về vốn. Đây là điểm bất lợi cho ngân hàng khi ngân hàng phải bỏ số tiền rất lớn sau khi tham gia vào các dự án này.

Việc thu phí gặp rủi ro về thời gian và có nhiều yếu tố tác động như thời tiết, tình hình kinh tế, việc sử dụng cơ sở hạ tầng...

"Nhưng trên tất cả, việc cho vay dự án BOT, BT có thể gây rủi ro về thanh khoản cho ngân hàng. Nguồn vốn của ngân hàng là nguồn vốn ngắn hạn nhưng lại cho vay những dự án rất dài hạn, 15-20 năm sau mới được chuyển giao.

Chính vì thế, một khi cho vay những dự án lớn như vậy, mỗi năm ngân hàng lại phải huy động vốn mới tài trợ cho các dự án này", vị chuyên gia cảnh báo.

Bên cạnh đó, rủi ro của nhà đầu tư, nhà thầu cũng dẫn đến rủi ro cho ngân hàng.

TS Hiếu dẫn ví dụ, khi một nhà đầu tư đứng ra xây dựng dự án BOT, BT có thể gặp khó khăn về tài chính và không hoàn thiện được dự án.

Ngay cả nhà thầu tham gia đấu thầu và trúng thầu nhưng cuối cùng họ gặp khó khăn về tài chính, nhân lực, kỹ thuật và không hoàn thiện được công trình như đã cam kết đối với chủ đầu tư.

"Với tất cả những rủi ro đó, nếu dự án càng dài và thời gian trả nợ càng lâu thì càng rủi ro cho ngân hàng", ông nhấn mạnh.

Đặc biệt, vị chuyên gia cảnh báo về sự móc ngoặc lợi ích giữa ngân hàng với chủ đầu tư dự án BOT, BT.

"Đây là một hiện tượng tiêu cực trong nhiều dự án, có sự móc nối giữa ngân hàng với chủ đầu tư để đẩy các chi phí lên cao. Khi ấy, các chủ đầu tư có thể bỏ túi được số tiền lớn từ dự án với sự đồng ý của các bên tham gia.

Đó là chưa kể nhiều dự án gây lãng phí cho quốc gia. Có nhiều cơ sở dựng lên rồi bỏ phế", TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết.

Định nghĩa 'khẩu vị' rủi ro

Bởi các dự án BOT, BT thường được tài trợ bởi các nguồn vốn dài hạn trong khi thị trường vốn của Việt Nam còn eo hẹp nên nhiều ngân hàng mạnh dạn nhảy vào các dự án này. Nhưng TS Nguyễn Trí Hiếu khẳng định, khi nguồn vốn của ngân hàng đổ nhiều vào các dự án BOT, BT sẽ khiến dòng vốn đổ vào sản xuất kinh doanh trở nên ít đi. Do đó, việc giới hạn tín dụng đối với các dự án BOT, BT là điều hợp lý và cần thiết.

Để giảm thiểu rủi ro, vị chuyên gia cho rằng, ngân hàng phải đề ra hạn mức khi tham gia vào các dự án BOT, BT và quản trị rủi ro một cách chặt chẽ.

"Mỗi năm các ngân hàng phải định nghĩa khẩu vị rủi ro của mình, trong đó làm rõ hạn mức tham gia vào chương trình tài trợ các dự án BOT, BT là bao nhiêu. Nó phải được tính toán chặt chẽ và hài hòa với chính sách tín dụng của ngân hàng.

Việc đánh giá, kiểm định chủ đầu tư rất quan trọng. Với những chủ đầu tư có thành tích tốt, đã xây dựng được các công trình cơ sở hạ tầng khác đúng thời gian, chi phí được kiểm soát, ngân hàng có thể giám sát tiến độ dự án... thì sẽ có căn cứ đánh giá cho sự thành công của dự án trong tương lai", TS Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/mo-xe-mo-vang-tin-dung-bot-rui-ro-nhieu-van-tham-3342199/