Mới có 3.500 lao động tại nước ngoài tham gia bảo hiểm xã hội

Đó là thông tin ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cung cấp sau 9 tháng thực hiện quy định mới về bảo hiểm xã hội.

Ảnh minh họa.

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 mở rộng đối tượng tham gia BHXH là người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Ông cho biết hiện nay có bao nhiêu đối tượng này tham gia BHXH?

Trước đây, Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ năm 2006 quy định chỉ những người trước khi đi làm việc ở nước ngoài đã tham gia BHXH bắt buộc mới thuộc đối tượng phải tham gia BHXH trước khi đi.

Đến hết năm 2015 khi vẫn áp dụng các quy định cũ, có khoảng trên 2000 lao động đi làm việc ở nước ngoài tham gia BHXH bắt buộc.

Để mở rộng đối tượng tham gia, Luật BHXH năm 2014 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2016) quy định tất cả lao động đi làm việc ở nước ngoài dù tham gia hay chưa đóng BHXH trước đó sẽ phải tham gia BHXH bắt buộc và chỉ tham gia hai chế độ hưu trí và tử tuất. Đến hiện tại, đã có 3.500 lao động nước ngoài tham gia BHXH.

Việc chỉ tham gia hai chế độ hưu trí và tử tuất liệu có ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động?

Không, bởi vì các chế độ hỗ trợ khác như tai nạn lao động, ốm đau đã được thực hiện theo chế độ tại nước sở tại. Còn chế độ tử tuất và hưu trí nhằm đảm bảo cuộc sống sau này của người lao động. Nhất là khi họ hết độ tuổi lao động trở về nước vẫn đảm bảo cuộc sống.

Người lao động làm việc ở nước ngoài sẽ đóng BHXH như thế nào?

Người lao động ở nước ngoài được lựa chọn các phương thức đóng BHXH sao cho thuận lợi nhất. Họ có thể đóng 3 tháng, 6 tháng hoặc đóng cả năm một lần. Linh động hơn, người đi xuất khẩu lao động có thể đóng BHXH một lần cho cả thời gian đi xuất khẩu lao động.

Trường hợp người lao động được gia hạn thì sau khi về nước có thể truy đóng cho đủ. Đặc biệt họ có thể đóng tại cơ quan BHXH nơi cư trú hoặc thông qua đơn vị, cơ quan đưa người đi xuất khẩu lao động.

Có ý kiến cho rằng mức đóng BHXH ở nước ta ở mức cao so với thế giới, ông có ý kiến gì?

Thực tế Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ đóng BHXH cao nhưng không cao nhất, vẫn còn sau Trung Quốc, Ấn Độ...

Thực tế để so sánh mức đóng cao hay thấp phải so sánh tỷ lệ đóng BHXH và tỷ lệ hưởng. Hiện chúng ta quy định mức đóng là 22% đối với lương, phụ cấp lương và các khoản trợ cấp khác có tính chất ổn định.

Nhưng người lao động được hưởng lương hưu tối đa tới 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Có thể nói tỉ lệ hưởng này thuộc diện cao nhất thế giới hiện nay.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Theo ông Cường, tình trạng chậm đóng BHXH, nợ đọng BHXH vẫn còn phổ biến ở một số doanh nghiệp.

Tới hiện tại nếu tính cả nợ BHXH, Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm thất nghiệp khoảng 13 nghìn tỷ đồng.

Luật BHXH mới đã bổ sung thêm nhiều biện pháp nhằm giảm nợ đọng BHXH như công khai, minh bạch quá trình đóng BHXH.

Cụ thể, người lao động sẽ được quyền giữ sổ bảo hiểm để xem doanh nghiệp có đóng BHXH cho mình hay không? Đóng bảo hiểm đủ không? Luật cũng quy định doanh nghiệp cứ sáu tháng phải cung cấp thông tin BHXH cho người lao động một lần.

Ngoài ra, tổ chức công đoàn theo luật mới có quyền khởi kiện doanh nghiệp vi phạm quyền lợi người lao động như không đóng BHXH. Đồng thời luật cũng tăng lãi nợ BHXH nhằm hạn chế doanh nghiệp không đóng hoặc chậm đóng BHXH.

Cùng với đó, Bộ luật Hình sự đã bổ sung tội danh liên quan đến chiếm dụng, nợ đọng BHXH. Luật BHXH mới cũng bổ sung quy định cơ quan BHXH cùng với thanh tra ngành lao động thanh tra về việc đóng BHXH.

Bộ LĐTB&XH đã chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát, cập nhật số lượng người đi xuất khẩu lao động, tập trung thanh, kiểm tra các doanh nghiệp nợ BHXH nhằm đảm bảo quyền lợi người lao động.

Mai Long

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/moi-co-3500-lao-dong-tai-nuoc-ngoai-tham-gia-bao-hiem-xa-hoi-d24545.html