Mới có 47% doanh nghiệp đóng BHXH cho NLĐ

Tại buổi tọa đàm trực tuyến về những vấn đề liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn cho quá trình khởi kiện DN trốn đóng bảo hiểm xã hội do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức vào chiều ngày 8/5 - ông Đào Việt Ánh - Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) cho biết:

Tính đến hết quý I/2017 , tổng số tiền nợ BHXH, Bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của các doanh nghiệp (DN) đã lên tới 14.019 tỉ đồng. Cụ thể, đại diện BHXH Việt Nam liệt kê một số DN có số nợ BHXH “khủng” như: Công ty TNHH Nam Phương (TP.HCM) nợ 20,9 tỷ đồng; Công ty CP Lilama 3 (Hà Nội) 25,4 tỷ đồng; Công ty TNHH May mặc xuất khẩu VIT Garment (Hà Nội) 19 tỷ đồng; Công ty CP ô tô Xuân Kiên Vinaxuki (Hà Nội) 18,9 tỷ đồng; Công ty CP xây dựng 47 (Bình Định) 15,7 tỷ đồng; Công ty CP Vietbo (Đồng Nai) 19,9 tỷ đồng; Công ty CP Inox HB (Hưng Yên) 14,2 tỷ đồng…

Toàn cảnh buổi tọa đàm trực tuyến: “Gỡ vướng trong khởi kiện trốn đóng bảo hiểm xã hội”.

“Điều đáng lo ngại nhất là hiện nay có khoảng 1.400 tỷ đồng nợ BHXH từ các DN đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ bỏ trốn”. Số tiền trên được theo dõi trên hệ thống sổ sách đã hơn 10 năm. Đây là dạng “nợ treo” hầu như không thể thu hồi và quyền lợi của NLĐ ở các DN này cũng bị “treo” chưa được giải quyết. Đến hết ngày 31/12/2015, trong số 1.400 tỷ đồng tiền nợ có 193.661 NLĐ bị ảnh hưởng đến quyền lợi”- ông Ánh cho biết thêm.

Cũng theo ông Ánh, tình trạng DN chưa tham gia BHXH còn rất lớn. Số liệu của Tổng cục Thuế cho thấy, cả nước có khoảng gần 500 nghìn DN đang hoạt động, nhưng mới có 235 nghìn DN đóng BHXH, đạt khoảng 47%.

Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, toàn quốc có khoảng 15 triệu NLĐ làm việc thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, tuy nhiên mới có 13 triệu người tham gia BHXH bắt buộc chiếm khoảng 86%. Đồng thời, mức đóng BHXH bình quân của NLĐ thuộc khối DN ngoài quốc doanh năm 2017 khoảng 12,9 triệu đồng/năm tương ứng mức lương hằng tháng khoảng 3,4 triệu đồng/người/tháng.

Với tư cách cơ quan đại diện cho quyền lợi NLĐ và đoàn viên công đoàn, ông Mai Đức Chính – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, theo Luật BHXH 2014, đã có hiệu lực từ đầu năm 2016 thì việc khởi kiện DN nợ BHXH đã được chuyển giao từ ngành BHXH sang ngành CĐ.

Qua đó, 59 LĐLĐ cấp tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp với BHXH về tiếp nhận thông tin doanh nghiệp nợ BHXH. Cơ quan BHXH đã bàn giao cho 52 LĐLĐ tỉnh, thành hơn 1.150 vụ nợ BHXH số tiền, thời gian nợ… Luật đã có hiệu lực hơn một năm nay, nhưng câu chuyện khởi kiện DN đang rất khó thực hiện.

Tính đến tháng 2/2017 LĐLĐ các tỉnh, thành phố đã khởi kiện 77 vụ DN nợ BHXH nhưng tòa án các cấp đã trả lại hồ sơ 17 vụ. Lý do là việc DN nợ BHXH NLĐ là tranh chấp lao động tập thể về quyền, như vậy bắt buộc phải qua hòa giải. Bên cạnh đó phải có đơn ủy quyền của NLĐ.

“Theo quy định, lệ phí làm giấy ủy quyền được thực hiện ở chính quyền cấp xã với 130.000 đồng/ giấy ủy quyền. Vậy đối với 1 DN có hàng nghìn lao động sẽ lấy chi phí ở đâu?” – Ông Chính cho biết.

Cũng theo quy định, trong các vụ tranh chấp lao động tập thể đầu tiên phải do tập thể khởi kiện, đại diện là CĐ cơ sở. Đơn vị này gửi đơn đến phòng LĐ – TB&XH yêu cầu hòa giải. Khi hòa giải không thành thì hồ sơ sẽ chuyển đến chủ tịch UBND huyện giải quyết.

Sau 7 ngày mà chủ tịch UBND huyện không giải quyết thì CĐ cơ sở có quyền khởi kiện ra tòa, hoặc ủy quyền cho CĐ cấp trên khởi kiện. Thế nhưng, theo đại diện Tổng LĐLĐ VN, có bất hợp lý là CĐ cơ sở nằm trong DN nên rất khó thực hiện khởi kiện chính DN. Chưa kể việc áp dụng quy trình tố tụng về giải quyết tranh chấp lao động của pháp luật CĐ vào giải quyết khởi kiện nợ BHXH sẽ rất phức tạp.

Đồng quan điểm, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, hiệu quả của vấn đề khởi kiện DN nợ BHXH là rất tốt. Vấn đề đặt ra cần phải có một cơ quan đứng ra thực hiện việc này để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho NLĐ.

Tuy nhiên, có vướng mắc là tòa án đòi hỏi phải có ủy quyền của NLĐ mà CĐ cơ sở lại ở ngay trong lòng DN, ăn lương của DN do đó họ không thể hoặc muốn khởi kiện ông chủ của mình. Vì vậy, chúng ta nên trao quyền khởi kiện này cho CĐ cấp trên cơ sở. “Điều này cần phải được cụ thể hóa ngay trong luật BHXH thay vì chỉ nêu tổ chức CĐ chung chung như hiện nay” – ông Lợi nhấn mạnh.

Nguyễn Công

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/moi-co-47-doanh-nghiep-dong-bhxh-cho-nld-52866.html