Mỗi công dân chỉ được sở hữu 1 biển số duy nhất?

Ngay cả khi thay đổi xe mới vẫn dùng phải biển số của xe cũ, để thực hiện đúng quy định mỗi công dân chỉ được cấp 1 biển số xe.

Đó là đề xuất của Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt (PC67), Công an TP Hà Nội lên Chính phủ và các Bộ ngành, trước thực trạng các phương tiện cá nhân là xe ô tô và xe máy đang gia tăng nhanh chóng, gây áp lực lên tình hình giao thông hiện nay.

Trao đổi với báo chí, Đại tá Đào Vịnh Thắng cho biết: "Mỗi công dân chỉ được sở hữu 1 xe ô tô và 1 biển số, nếu công dân có nhu cầu đổi xe thì vẫn phải sử dụng biển số của xe cũ. Việc này nhằm hạn chế phương tiện cá nhân và xác định phương tiện là chính chủ, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.

Với trường hợp công dân bán xe và không định sử dụng nữa thì có thể thông báo tới cơ quan công an địa phương để làm các thủ tục xóa sổ số đăng ký đó. Quy định này đang được áp dụng với người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam, làm thủ tục đăng ký xe để lưu hành ở nước sở tại nhưng khi rời Việt Nam thì người nước ngoài phải thông báo cho cơ quan chức năng để xóa sổ số đăng ký xe".

Trong bối cảnh hiện nay, khi phương tiện cá nhân đang gia tăng nhanh, việc áp dụng quy định mỗi công dân chỉ được sở hữu 1 biển số và chủ xe phải duy trì tài khoản được thực hiện càng sớm càng tốt, nhiều nước cũng đã áp dụng.

Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng PC67 Hà Nội

Cùng đó, Trưởng phòng PC67 Hà Nội cũng nói rõ hơn về đề xuất quy định trước khi đăng ký phương tiện thì công dân phải có tài khoản ngân hàng. Việc mở tài khoản được xem là điều kiện bắt buộc để đăng ký xe nhằm phục vụ cho phương tiện và chủ phương tiện.

“Vi phạm giao thông của người lái xe sẽ được xác định qua hình ảnh camera, các tài liệu chứng minh vi phạm, sau đó cơ quan có thẩm quyền sẽ xử phạt hành chính qua tài khoản chứ không cần mời lái xe lên làm việc, nhằm giảm bớt các thủ tục hành chính và tránh phiền hà cho người dân khi phải đi lại nhiều lần trong quá trình xử lý vi phạm.

Để thực hiện được thì phải có quy định về số tiền duy trì trong tài khoản thì mới được đăng ký xe, siết chặt quản lý phương tiện và người điều khiển phương tiện", Đại tá Đào Vịnh Thắng cho biết.

Trong trường hợp tài khoản của chủ phương tiện hết tiền, dù được thông báo về việc nộp phạt mà chủ phương tiện cố tình không nạp tiền vào tài khoản thì cơ quan chức năng sẽ truy tận cùng chiếc xe vi phạm và cấm xe vi phạm lưu hành.

Trước đó, tại hội nghị tổng kết công tác năm 2016 của Phòng CSGT Công an TP.Hà Nội, Đại tá Đào Thanh Hải - Phó Giám đốc Công an TP.Hà Nội đã đề xuất có quy định buộc các chủ ôtô mở tài khoản (TK) ngân hàng nhằm phục vụ cho việc xử phạt vi phạm giao thông.

Sau đó, đề xuất trên đã nhận được rất nhiều quan điểm ủng hộ, Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ (nguyên cán bộ xử lý vi phạm giao thông Đội CSGT số 1 - Công an HN) cho rằng, đây là một đề xuất khá hay, ở nước ngoài người ta cũng đã thực hiện rồi.

Theo Thượng tá Quỹ, nếu xử lý hình ảnh đưa vào tài khoản, thì trách nhiệm và ý thức của người tham gia giao thông sẽ cao lên. Đặc biệt, đối với cơ quan nhà nước, việc xử phạt này sẽ tăng hiệu quả rất cao, tránh tình trạng lạm chức, lạm quyền để xin xỏ khi vi phạm giao thông.

ảnh sát giao thông TP.Hà Nội xử phạt lái xe vi phạm.

Còn ông Trần Ngọc Sơn - Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Lào Cai chia sẻ, trước tiên cần phải nhìn nhận ra thế giới, điển hình như nước Australia nếu vi phạm giao thông mà bị xử phạt thì người ta trừ vào tài khoản ngân hàng. Lần thứ nhất, người vi phạm không nộp thì cơ quan chức năng đến trao đổi. Lần thứ hai cũng vậy.

Tuy nhiên, đến lần thứ ba nếu không nộp phạt thì sẽ bị khóa xe để không có hành vi vi phạm khác. Sau đó khởi kiện ra tòa. Theo ông Sơn là việc này cần phải triển khai sớm. Nếu xử lý công bằng thì không mấy ai bức xúc, thậm chí họ còn ủng hộ cao.

Cũng đưa ra quan điểm, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội chia sẻ, bản thân ông rất ủng hộ việc mở TK đối với ôtô. Việc này sẽ tạo ra sự minh bạch, xóa tình trạng tiêu cực khi người vi phạm thỏa thuận với cảnh sát và ngược lại. Tuy nhiên, để tạo một tài khoản này mà chỉ dành riêng cho xử phạt vi phạm giao thông thì bất cập.

Ông Liên phân tích, ở Việt Nam hiện nay chưa thể thực thi được vì ý thức của người dân đang chi tiêu bằng tiền mặt, chưa chi tiêu bằng tài khoản. Thứ hai, nếu mở một tài khoản thì số tiền trong tài khoản đó phải cao hơn hoặc tương đương mức phạt cao nhất của vi phạm giao thông.

Theo đó, ít nhất tài khoản đó cũng phải có 20 triệu đồng. Nếu số tiền đó đối với cá nhân thì đơn giản, nhưng nếu một doanh nghiệp mà nhiều xe (có thể hàng trăm hoặc hàng nghìn xe) thì số tiền phải bỏ ra để mở tài khoản là rất lớn và rất khó khăn.

Trước đề xuất như vậy, ông Liên mong rằng Bộ Công an cần phải phối hợp với Bộ Tài chính, ngân hàng và Bộ GTVT để đề ra phương án thích hợp nhất.

Sơn Ca (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/moi-cong-dan-chi-duoc-so-huu-1-bien-so-duy-nhat-3327512/