Mới dừng ở nghiên cứu sâu hơn về đường sắt cao tốc Bắc – Nam

(baodautu.vn) Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Hồ Nghĩa Dũng xung quanh khả năng Bộ tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật (T/A) vốn ODA không hoàn lại của Nhật Bản để lập Dự án Đầu tư xây dựng đoạn Hà Nội – TP.HCM và TP.HCM – Nha Trang (thuộc Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam).

Thưa Bộ trưởng, đến thời điểm này, công tác đàm phán, thống nhất nội dung, tiến độ thực hiện T/A nêu trên đang được Bộ GTVT thực hiện như thế nào? Ngày 31/8, thay mặt Bộ GTVT, Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức đã có buổi làm việc chính thức với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) về khả năng Nhật Bản cung cấp T/A để lập dự án đầu tư xây dựng 3 dự án đường sắt gồm: Dự án đầu tư xây dựng công trình đoạn Hà Nội – Vinh và TP.HCM – Nha Trang, thuộc Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – TP.HCM; nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội – Nội Bài. Phía bạn cho biết, khả năng cung cấp vốn viện trợ không hoàn lại để lập các T/A này là rất lớn. Bộ GTVT đang đẩy nhanh quá trình đàm phán, thống nhất nội dung, tiến độ và cách thức tiến hành lập các dự án đầu tư xây dựng công trình nêu trên theo đúng quy định hiện hành. Nếu hiệp định tài trợ được thông qua, sẽ mất khoảng 3-4 năm để các đơn vị tư vấn Việt Nam, Nhật Bản, cùng đơn vị chủ đầu tư là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam hoàn thành công tác nghiên cứu lập dự án đầu tư. Xin Bộ trưởng cho biết rõ hơn mục đích của việc tiếp nhận các T/A này? Tại kỳ họp 7, Quốc hội khóa XII, Thủ tướng Chính phủ đã ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ GTVT trình Quốc hội Báo cáo đầu tư Dự án Đường sắt cao tốc Hà Nội – TP.HCM, để xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án. Vì nhiều lý do, trong đó có việc nhiều thông tin quan trọng liên quan, như tác động môi trường, hiệu quả kinh - tế xã hội, bài toán tài chính… chưa được làm rõ, nên Quốc hội chưa thông qua chủ trương đầu tư dự án này. Hiện tại, Chính phủ chưa có kế hoạch đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc Bắc – Nam, nhưng việc tiếp tục nghiên cứu dự án này để làm rõ thêm những ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội là cần thiết. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc tiếp nhận các T/A nêu trên. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT trên cơ sở những ý kiến góp ý của Quốc hội tổng hợp đưa vào nội dung nghiên cứu, đánh giá. Nhân đây, tôi cũng khẳng định, các T/A chỉ có ý nghĩa nghiên cứu, làm rõ hơn về khả năng đầu tư Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – TP.HCM, còn việc có quyết định đầu tư công trình này hay không thuộc quyền của Quốc hội. Nhưng theo Luật Xây dựng, việc lập dự án đầu tư các công trình xây dựng (hay còn gọi là bước nghiên cứu khả thi) chỉ được thực hiện sau khi báo cáo đầu tư (bước nghiên cứu tiền khả thi) để xin chủ trương đầu tư được thông qua? Về trình tự chuẩn bị đầu tư đối với một công trình xây dựng quan trọng chưa có quy hoạch thì đúng là như vậy. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng ở bước nghiên cứu tiền khả thi, thì sẽ không có đủ thông tin để làm rõ những yêu cầu của Quốc hội, như bài toán tài chính, khả năng cân đối vốn, tác động môi trường… của Dự án. Những thông tin tại 2 T/A sẽ giúp Chính phủ có thêm thông tin để hoàn thiện lại Báo cáo đầu tư Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – TP. HCM và trình lại Quốc hội trong thời điểm thích hợp. Việc tiếp nhận T/A để lập một dự án đầu tư xây dựng công trình của Nhật Bản liệu có dẫn tới ràng buộc về việc sử dụng công nghệ hay nhà thầu xây dựng hay không? Hoàn toàn không có bất kỳ ràng buộc nào giữa kết quả nghiên cứu này với chủ trương đầu tư Dự án. Các T/A này chỉ có ý nghĩa cung cấp thêm thông tin để tham khảo. việc lựa chọn công nghệ, nhà đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc thuộc quyền lựa chọn của chúng ta.

Nguồn Đầu Tư: http://www.baodautu.vn/portal/public/vir/baivietkinhtedautu/repository/collaboration/sites%20content/live/vir/web%20contents/chude/kinhtedautu/dautuoda/d581121f7f000001016239918ce1a7d1