Mỗi ngày một trăm người

Lương y Phan Thành Nguyên sinh năm 1940, quê ở huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Năm 18 tuổi vào Đại học Y khoa Sài Gòn, chuyên khoa ngoại tổng quát, tốt nghiệp xong lại học thêm y học cổ truyền dân tộc. Ngoài khám bệnh từ thiện tại quê nhà, trong hàng chục năm qua, lương y còn tham gia các đoàn từ thiện khám bệnh cho người nghèo tại nhiều nơi như Bình Dương, Biên Hòa, Tây Ninh... Với những đóng góp cho y học cổ truyền, hết lòng vì bệnh nhân nghèo, ông được Bộ trưởng Bộ Y tế, Hội Đông y Việt Nam, hội đông y các tỉnh, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng nhiều bằng khen.

Mỗi ngày, lương y Phan Thành Nguyên ở xã Chư Ma Lanh (huyện Ea Súp, Đắc Lắc), khám bệnh, phát thuốc cho khoảng 100 người, tất cả đều được miễn phí. Nhiều bệnh nhân mắc bệnh nan y, chạy chữa khắp nơi không khỏi, nhưng đến với ông lại thuyên giảm rõ rệt, số khác cũng giảm bệnh 70-80%. Do vậy không chỉ bệnh nhân nghèo, không ít người giàu có cũng vượt hàng nghìn cây số đến khám... từ thiện.

Chữa bệnh từ thiện cho... người giàu

Từ năm 2009 đến nay, mỗi ngày tại phòng khám từ thiện của bác sĩ - lương y Phan Thành Nguyên có cả trăm người từ khắp các tỉnh, thành trong cả nước tìm đến khám bệnh, lấy thuốc. Thứ bảy, chủ nhật, ông dành thời gian đi rừng lấy thuốc nên không khám bệnh, nhưng vẫn có nhiều người tìm đến, kiếm chỗ tá túc đợi đến ngày khám. Cứ như vậy, từ khi mở phòng khám đến nay, lương y Phan Thành Nguyên đã chữa khỏi bệnh, giảm bệnh cho khoảng 87.000 lượt người, trong đó không ít bệnh nhân đã bị bệnh viện trả về.

Nếu như tấm bảng có dòng chữ “Phòng khám từ thiện” là do hướng đến đối tượng người nghèo, thì sức làm việc phi thường và khả năng chữa khỏi nhiều bệnh nan y của thầy Nguyên đã khiến những người giàu từ khắp các tỉnh, thành trong cả nước tìm đến. Một lần đưa mẹ đến khám bệnh, anh Tuấn - chủ một doanh nghiệp ở huyện Ea Kar - phải thốt lên: “Thông thường một thầy thuốc chỉ bắt mạch cho một, hai chục bệnh nhân mỗi ngày, nếu khám nhiều quá thì các đầu ngón tay sẽ mất cảm giác, cho kết quả không chính xác. Vậy mà thầy Nguyên bắt mạch cả trăm người, từ sáng đến chiều, độ chính xác đã thể hiện trên con số những người khỏi bệnh, giảm bệnh. Quả là ngoài sức tưởng tượng”.

Trở về từ cõi chết, anh Nguyễn Thanh Nhất - trú thôn 6, xã Cư Ma Lanh - thỉnh thoảng vẫn đến thăm ân nhân. Thật khó hình dung người đàn ông khỏe mạnh, chắc nịch này từng được gia đình chuẩn bị lo hậu sự. Anh Nhất kể: “Năm 2009, tôi bị xơ gan, bụng đã chướng to, điều trị được một tuần thì Bệnh viện Chợ Rẫy trả về cho gia đình. Về nhà, tôi nằm một chỗ, sức khỏe suy kiệt, gia đình đã chuẩn bị lo hậu sự cho tôi. Lúc đó thầy Nguyên đến tận nhà khám bệnh cho tôi, cho một thang thuốc, bảo tôi có sống được hay không là phụ thuộc vào kết quả của chén thuốc đầu tiên. Chỉ khoảng 10 phút sau khi uống, tôi bắt đầu nôn liên tục, chỉ toàn máu bầm đen. Trong khi vợ con tôi khóc ầm lên vì nghĩ tôi chết, thầy Nguyên lại thở phào nhẹ nhõm, bảo máu độc ra được thì việc điều trị sẽ thuận lợi. 17h chiều tôi uống chén thứ hai, 22h uống chén thứ ba, bụng sôi sùng sục, cồn cào dữ dội. Uống được 5 ngày tôi bắt đầu thèm cơm, 7 ngày ăn được cơm, một tháng sau tôi gần như bình phục, ba tháng khỏi hẳn”. Để chắc ăn, anh Nhất đi Bệnh viện Chợ Rẫy khám lại, được kết luận hoàn toàn khỏe mạnh, bệnh viện không thu tiền tái khám của anh.

Lương y Phan Thành Nguyên (áo trắng) viết đơn thuốc cho bệnh nhân.

Bị tai biến, nằm phòng cấp cứu BVĐK tỉnh Đắc Lắc 2 tháng trở về, anh Y Jiêm Kdrai (xã Ea K’Tur, huyện Cư Kuin) được gia đình đưa về sống đời sống thực vật. Sau 3 tháng uống thuốc của thầy Nguyên, anh Y Jiêm đã bập bẹ tập nói, tự cầm thìa xúc cơm ăn được, biết xúc động khi có người đến thăm. Ông Ngô Kim Đức (57 tuổi) ở Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội) bị ung thư dạ dày, đã cắt bỏ toàn bộ, xạ trị 6 lần ở bệnh viện K. Như những người bị “trời kêu” khác, ông Đức chỉ còn hơn 40kg, người xanh xao, chỉ uống sữa chứ không ăn được. Sau khi đưa bố vượt hàng nghìn cây số đến phòng khám của thầy Nguyên, anh Ngô Quang Lâm - con trai ông Đức - cho biết: “Bố tôi mới uống thuốc khoảng 3 tuần nay, nhưng sức khỏe tiến triển rất tốt, không còn thấy mệt mỏi và đã ăn được cơm. Sau khi uống hết thuốc, gia đình sẽ đưa ông vào Đắc Lắc nhờ thầy Nguyên tái khám. Đây là lần đầu tiên chúng tôi thấy có hy vọng, kể từ khi bố mắc bệnh ung thư”.

Theo Hội Đông y huyện Ea Súp, bác sĩ - lương y Phan Thành Nguyên biết khoảng 900 vị thuốc chữa bệnh, trong đó ông chọn lấy 150 vị để bào chế chữa các bệnh như viêm gan, xơ gan, viêm xoang, gan, máu nhiễm mỡ, viêm đường tiết niệu, thoái hóa cột sống, gai cột sống, thoát vị đĩa đệm, tai biến, hành tá tràng, sỏi thận, tiểu đường, thận ứ nước... Những vị thuốc được ông dùng nhiều như kiêm mai, nhàu, sừng trâu, nhân trần, đỗ trọng, hoa thiên lý trinh, bình bát, chòi mòi, muồng cua, bồ công anh... Ông Nguyên cho biết, với nhiều bệnh nan y như ung thư, mỗi thang thuốc cần có khoảng 20 vị, kết hợp những cây thuốc đặc trưng của miền núi, đồng bằng, vùng biển và tất cả đều phải lấy vào ban đêm mới hiệu nghiệm.

Chuyện những người đồng hành

Thật bất ngờ, khi biết ông không phải là chủ nhân của Phòng khám từ thiện, nhưng đó là câu chuyện thú vị. Năm 2008, ông Lư Văn Chiêu - chủ DNTN Phát Đạt ở xã Chư Ma Lanh, huyện Ea Súp (Đắc Lắc) - bị ung thư tuyến tiền liệt, chạy chữa khắp nơi, uống đủ loại thuốc không thuyên giảm. Một lần về quê ở tỉnh An Giang, ông Chiêu nghe nói lương y Phan Thành Nguyên từng cứu mạng nhiều người nên tìm đến. Sau một thời gian uống thuốc, sức khỏe ông Chiêu tiến triển tốt, sau đó khỏi bệnh một cách kỳ diệu. Nghĩ mình từ cõi chết trở về, ông Chiêu cùng vợ là bà Nguyễn Thị Tìa phát tâm làm việc thiện, mở phòng khám từ thiện ở huyện Ea Súp và mời lương y Phan Thành Nguyên đến chữa bệnh miễn phí. Do số lượng bệnh nhân quá lớn, cứ ba tháng vợ chồng ông Chiêu phải nhập thuốc một lần, mỗi lần khoảng 10 tấn thuốc. Trong khi phòng khám không thu tiền, chỉ đặt một thùng công đức để bệnh nhân hoặc người nhà ủng hộ tùy tâm, số tiền ủng hộ không đáng kể. Do vậy từ năm 2009 đến nay, vợ chồng ông Chiêu đã chi gần 2 tỉ đồng để mua thuốc, chưa kể các chi phí khác phục vụ việc khám, chữa bệnh.

Người đồng hành thứ hai của lương y Phan Thành Nguyên là chị Bùi Thị Kim Quyên, nhà ở TP. Biên Hòa (Đồng Nai). 24 tuổi, cử nhân luật, có việc làm tại TPHCM nhưng chị Quyên vẫn tình nguyện đến phòng khám giúp việc và học nghề thuốc. Chị Quyên cho biết: “Trong gia đình em có hai người bị thoát vị đĩa đệm, chạy chữa nhiều nơi tốn kém nhưng không khỏi, đến khi được thầy Nguyên điều trị thì bình phục. Khâm phục tài năng và y đức của thầy, em tình nguyện đến phục vụ và học nghề”. Suốt 4 năm qua, hằng ngày chị Quyên dọn dẹp phòng khám, bốc thuốc cho bệnh nhân, cuối tuần lại theo thầy trèo đèo vượt suối đi hái thuốc.

Lương y Trần Chính Hữu - Chủ tịch Hội Đông y huyện Ea Súp - cho biết: “Ông Phan Thành Nguyên được đào tạo bài bản cả đông y lẫn tây y, biết sử dụng tây y trong những trường hợp cần thiết, nhưng chủ yếu điều trị bằng các bài thuốc y học cổ truyền. Điều đáng khâm phục là tấm lòng của ông, học để khám bệnh miễn phí, cứu giúp bệnh nhân nghèo như vậy quả là hiếm có”. Còn lương y Phan Thành Nguyên tâm sự: “Chữa bệnh thì tui không ngại, nhưng chi phí mua thuốc rất lớn, ngoài khả năng của tui. Do vậy khi ông Chiêu, bà Tìa mở phòng khám, tài trợ tiền thuốc cho người nghèo là đúng ý tui rồi. Vợ con ở nhà sợ tui làm việc quá sức, nhưng tui nói cuối đời rồi, sức khỏe còn lại để làm từ thiện giúp bà con nghèo thì không gì ý nghĩa hơn”.

Ông ước: “Tui thấy vợ chồng ông Chiêu bỏ ra số tiền quá lớn, nếu có thêm người tài trợ thì đỡ cho ông bà ấy lắm. Tui cũng mong bà con mình kiên nhẫn hơn khi đến phòng khám, đừng vì thấy đông người mà bỏ về, không lấy thuốc. Một người bỏ về là một thang thuốc phải đốt đi, vì đã bốc rồi là không bỏ ra được, lãng phí lắm”.

Thứ hai, 6.10.2014

Mỗi ngày, lương y Phan Thành Nguyên ở xã Chư Ma Lanh (huyện Ea Súp, Đắc Lắc), khám bệnh, phát thuốc cho khoảng 100 người, tất cả đều được miễn phí. Nhiều bệnh nhân mắc bệnh nan y, chạy chữa khắp nơi không khỏi, nhưng đến với ông lại thuyên giảm rõ rệt, số khác cũng giảm bệnh 70-80%. Do vậy không chỉ bệnh nhân nghèo, không ít người giàu có cũng vượt hàng nghìn cây số đến khám... từ thiện.

Mỗi ngày, lương y Phan Thành Nguyên ở xã Chư Ma Lanh (huyện Ea Súp, Đắc Lắc), khám bệnh, phát thuốc cho khoảng 100 người, tất cả đều được miễn phí. Nhiều bệnh nhân mắc bệnh nan y, chạy chữa khắp nơi không khỏi, nhưng đến với ông lại thuyên giảm rõ rệt, số khác cũng giảm bệnh 70-80%. Do vậy không chỉ bệnh nhân nghèo, không ít người giàu có cũng vượt hàng nghìn cây số đến khám... từ thiện.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/phong-su/moi-ngay-mot-tram-nguoi-253537.bld