Mối nguy hiểm và tác hại khôn lường khi mắc sùi mào gà

Bệnh sùi mào gà chỉ có thể điều trị triệu chứng (đốt bỏ các nốt sùi) mà chưa thể khẳng định điều trị khỏi hoàn toàn cho mọi trường hợp hoặc tái phát bệnh.

Trước kia, sùi mào gà (do virus HPV) được coi là bệnh lây truyền qua đường tình dục. Vì thế có định kiến cho rằng, sùi mào gà là căn bệnh của những người đã quan hệ tình dục.

Tuy nhiên, các nghiên cứu hiện nay đã chỉ ra rằng, sùi mào gà ngoài con đường lây nhiễm qua đường tình dục nó còn con đường lây nhiễm khác là lây qua tiếp xúc da, từ dụng cụ y tế chưa được vô trùng.

Ảnh minh họa.

Chưa có thuốc điều trị sùi mào gà đặc hiệu

Theo bác sĩ Nguyễn Bá Hưng – Trưởng khoa Nam học (Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội), hiện nay virus HPV không có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ điều trị triệu chứng.

Các cơ sở y tế có thể sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để điều trị như: đốt laze, phẫu thuật, dùng hóa chất… để lấy hay cắt bỏ các u nhú. Có những bệnh nhân không bị tái phát nhưng cũng có người u nhú sẽ mọc đi mọc lại. Điều này gây tốn kém về kinh tế và thời gian cũng như khiến bệnh nhân gặp gánh nặng tâm lý.

Bác sĩ Hưng cho biết, mỗi ca điều trị sùi mào gà có giá từ 1-3 triệu đồng, tùy theo phương pháp điều trị, tùy theo vị trí bị sùi và tùy theo mỗi cơ sở y tế.

Mối nguy hiểm của bệnh sùi mào gà

Bác sĩ Hưng cho hay, nếu sùi mào gà không được điều trị có thể gây ung thư cổ tử cung (nữ), dương vật (nam). Đặc biệt với những nam giới không được cắt bao quy đầu mà bị sùi mào gà thì nguy cơ bị ung thư dương vật rất cao. Ngoài ra, bệnh sùi mào gà cũng gây cú sốc tâm lý cho các bệnh nhân. Nhất là những người bị tái phát nhiều lần.

Nói về tác hại của sùi mào gà đối với trẻ em, PGS.TS Lê Hữu Doanh, phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho hay, trẻ em mắc sùi mào gà nếu được chữa trị dứt điểm sẽ không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản cũng như tình dục sau này. Tuy nhiên, nếu không được chữa trị đúng phác đồ, bệnh sẽ tái phát, đặc biệt có thể tiến triển sang ung thư và khả năng sinh sản sau này.

Để điều trị sùi mào gà cho trẻ, các bác sĩ sẽ dùng thuốc bôi tại chỗ nhưng phương pháp này có tỷ lệ tái phát khá cao.

Trong trường hợp bệnh nhân không đáp ứng với thuốc bôi tại chỗ, các bác sĩ có thể sử dụng phương pháp áp lạnh, laser, cắt bỏ tổn thương. Những biện pháp này sẽ gây đau và trong một số trường hợp để lại các sang chấn tâm lý cho bệnh nhi. Trẻ thường khó hợp tác nên bác sĩ sẽ phải tiến hành gây tê, gây mê.

Nguyễn Luyến (TH)

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/moi-nguy-hiem-va-tac-hai-khon-luong-khi-mac-sui-mao-ga-p41360.html