Mối nguy ô nhiễm đe dọa sông Cửu Long

Việc bảo vệ môi trường tại các CCN, KCN-KCX chưa được thực hiện tốt là do các tỉnh, thành ĐBSCL phát triển không theo quy hoạch tổng thể KT-XH chung của toàn vùng.

Bài 2: Xả thải… từ lén lút đến công khai

Những năm qua, tình trạng ô nhiễm tại các cụm công nghiệp, khu công nghiệp – khu chế xuất (CCN, KCN-KCX) bị dư luận phản ứng dữ dội. Kênh rạch ô nhiễm, mùi hôi và tiếng ồn từ các nhà máy gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.

Việc bảo vệ môi trường tại các CCN, KCN-KCX chưa được thực hiện tốt là do các tỉnh, thành ĐBSCL phát triển không theo quy hoạch tổng thể KT-XH chung của toàn vùng. Một số chủ đầu tư dự án chưa tuân thủ đầy đủ các nội dung của quyết định phê duyệt của cơ quan chức năng về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm kéo dài khó giải quyết…

Người dân bức xúc vì ô nhiễm

TP Cần Thơ đã quy hoạch 8 KCN với tổng diện tích 2.267ha, trong đó có 5 KCN với 223 nhà máy nằm sát sông Hậu, gồm: Trà Nóc 1, Trà Nóc 2; Thốt Nốt; Hưng Phú 1; Hưng Phú 2 và Hưng Phú 2B. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có KCN Trà Nóc 1 và Trà Nóc 2 là có nhà máy xử lý nước thải tập trung với công suất 6.000 m³/ngày đêm.

Thời gian qua, ngành chức năng đã bắt quả tang nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất xả thải thẳng ra sông Hậu. Người dân sống gần KCN Trà Nóc 1 (phường Trà Nóc, quận Bình Thủy) và KCN Trà Nóc 2 (phường Phước Thới, quận Ô Môn) đều than phiền, nơi họ đang sống có nhiều nhà máy sản xuất thủy sản đã xả nước thải ra kênh Sang Trắng 1 và Sang Trắng 2.

Rạch Cái Chôm thuộc khu vực Thới Hòa và Thới Ngươn B (phường Phước Thới, quận Ô Môn) có chiều dài khoảng 3km, một đầu tiếp giáp với QL91, một đầu giáp với sông Hậu. Hiện nguồn nước mặt tại con rạch này đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, nước có màu đen, phát sinh mùi hôi tanh.

Nhiều người dân phản ánh, nguồn nước tại con rạch ô nhiễm do trong quá trình thi công QL91, đơn vị thi công đã cho một số công ty đấu nối đường ống xả thải vào đường ống thoát nước mưa trên tuyến đường này và chảy ra rạch Cái Chôm. Nước thải từ các nhà máy đã biến rạch Cái Chôm thành “con rạch chết” và nguồn nước này được xả thẳng ra sông Hậu.

Bà Lê Thị Sáu (ngụ phường Phước Thới) cho biết: “Từ khi các nhà máy, xí nghiệp tại đây mọc lên, nguồn nước dưới rạch bị ô nhiễm trầm trọng. Nếu như trước đây, nước chảy từ dòng sông Hậu vào người dân sinh hoạt, sử dụng bình thường thì nay rửa chân cũng không dám”.

Bà Sáu cho biết thêm, đỉnh điểm vào tháng 4-2016 (dịp cúng Đình Thần) mùi hôi từ nước dưới con rạch bốc lên khiến bà con không thể làm lễ cúng được. Tình trạng ô nhiễm xảy ra nghiêm trọng, nhiều hộ dân muốn di dời nơi khác sinh sống nhưng đất đai, nhà cửa ở đây hết nên đành “sống chung” với ô nhiễm.

Anh Nguyễn Văn H. (người từng làm công nhân cho công ty chuyên sản xuất chitin, chitosan, D-Glucosamine tại KCN Trà Nóc 2) cho biết: “Trước đây, mỗi ngày công ty xả thải ra khoảng 1.000 m³ nước, nhưng hệ thống xử lý nước thải chỉ có năng suất 10 m³/lần. Chính vì thế, phần lớn lượng nước thải được mở cống xả thẳng ra rạch Cái Chôm. Có khi việc xả thải được tiến hành cả đêm”.

Bà Lê Thị Nhường (ngụ KV Thới Ngươn B, phường Phước Thới, quận Ô Môn) bức xúc: “Mấy năm gần đây, nguồn nước tại rạch Cái Chôm bị ô nhiễm kinh khủng, hầu như quanh năm suốt tháng nước nguồn, nước mặt trên tuyến kênh này chỉ toàn là màu đen, có thời điểm nước đen khịt như nhớt thải. Hơn nữa, mỗi khi trời nắng gắt hoặc mưa rào, mùi hôi thối bốc lên từ rạch Cái Chôm khiến nhiều người dân đau đầu, chóng mặt, tụi nhỏ thì hắt hơi, viêm mũi thường xuyên”…

Đại tá Nguyễn Văn Đúng, Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an Đồng Tháp cho biết, lực lượng Cảnh sát môi trường đã xác lập nhiều chuyên án, bắt quả tang hàng loạt doanh nghiệp có hành vi đặt ống ngầm xả thải chưa qua xử lý ra môi trường tại các CCN, KCN trên địa bàn tỉnh.

Điển hình như: Công ty TNHH Hùng Cá, Công ty CP Chế biến và XNK thủy sản Cadovimex II, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Hòa Hưng, Nhà máy Chế biến thủy sản đông lạnh XNK Phước Anh…

Nguồn nước tại rạch Cái Chôm, cặp KCN Trà Nóc (Cần Thơ) bị ô nhiễm nghiêm trọng do nước thải từ nhà máy, xí nghiệp gây ra.

Bất chấp… vì lợi nhuận

Theo lãnh đạo Phòng PC49 Công an TP Cần Thơ, vi phạm trong lĩnh vực xử lý nước thải, khí thải diễn ra nghiêm trọng. Chủ yếu tại các KCN, nơi tập trung các công ty, các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ thường xuyên xả nước thải chưa xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn ra môi trường.

Cá biệt, có trường hợp bố trí ống ngầm để xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường hoặc lợi dụng đêm tối, dùng ghe chở chất thải ra đổ giữa sông Hậu. Đây cũng chính là nguyên nhân gây ra ô nhiễm nguồn nước tại các sông, rạch…

Điển hình, Công ty TNHH Phương Duy - chuyên sản xuất chitin, chitosan, D-Glucosamine… (KCN Trà Nóc 2, quận Ô Môn, TP Cần Thơ). Năm 2015, Phòng PC49 Công an TP Cần Thơ đã xác lập chuyên án đấu tranh, phát hiện công ty xả thải trực tiếp ra môi trường với thủ đoạn rất tinh vi.

Các trinh sát phải theo dõi, mật phục nhiều ngày mới bắt quả tang công nhân của công ty lợi dụng đêm khuya dùng ghe có gắn động cơ vận chuyển chất thải rắn đựng trong túi lưới 2 lớp thả xuống rạch Cái Chôm ra sông Hậu.

Ngoài ra, công nhân còn vận chuyển than hoạt tính sau quá trình sử dụng để chiết xuất D-Glucosamine ra sông Hậu. Kiểm tra hệ thống xử lý nước thải của công ty, lực lượng Công an phát hiện hai hệ thống xả thải trực tiếp ra môi trường. Hệ thống thứ nhất đưa nước thải từ quá trình ngâm vỏ đầu tôm và tro phát sinh từ quá trình đốt lò hơi trực tiếp xuống rạch Cái Chôm.

Hệ thống thứ hai đưa nước thải sản xuất từ quá trình ngâm hóa chất để chiết xuất Glucosamine ra rạch Cái Chôm, nước thải có màu trắng đục, có mùi hôi của hóa chất.

Năm 2016, UBND TP Cần Thơ xử phạt vi phạm hành chính 860 triệu đồng đối với Công ty TNHH Sản xuất thương mại Huy Việt - Tây Đô ( phường Thuận An, quận Thốt Nốt), vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Công ty này đã thiết kế, lắp đặt đường ống, van khóa không đúng quy trình xử lý nước thải; xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải.

Vào năm 2013, Phòng PC49 Công an TP Cần Thơ đã kiểm tra, phát hiện công ty này có đường ống nhựa nối vào đầu máy bơm để bơm nước thải từ bể hiếm khí của hệ thống xử lý nước thải xuống sà lan, rồi vận chuyển và xả nước trực tiếp không qua xử lý ra giữa sông Hậu…

Tương tự, tháng 3-2016, trong quá trình kiểm tra chi nhánh Công ty CP Giải pháp công nghệ thủy sản TP (phường 1, thị xã Duyên Hải, Trà Vinh), Phòng PC49 Công an Trà Vinh phát hiện đường ống nhựa xả nước thải chưa qua xử lý xuống sông Long Toàn với số lượng là 434 m³ nước thải/ngày.

Đoàn kiểm tra đã lấy mẫu xét nghiệm cho thấy đã vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải trên 10 lần cho phép. UBND tỉnh Trà Vinh đã xử phạt công ty 424 triệu đồng. Công ty cổ phần Thủy sản Cửu Long cũng bị xử phạt hơn 358 triệu đồng cùng về hành vi xả thải.

Đại tá Nguyễn Văn Đúng, Trưởng phòng PC49 Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết, quá trình đấu tranh, phát hiện xử lý các doanh nghiệp vi phạm không ít khó khăn, bởi việc áp dụng các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm về mùi hôi, khí thải, bụi, tiếng ồn… hầu như rất khó thực hiện, nhất là những cơ sở có vị trí gần khu dân cư.

Nhóm PV ĐBSCL

Có thể bạn quan tâm

Tin vui cho cánh mày râu:
Hết hói chỉ là chuyện nhỏ

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/moi-nguy-o-nhiem-de-doa-song-cuu-long-436602/