Mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Trung Quốc

Là hai quốc gia láng giềng 'núi sông liền một dải', mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Trung Quốc được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông dày công vun đắp đang ngày càng 'đơm hoa kết trái'; trong đó chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một dấu mốc lịch sử mới trong quan hệ giữa hai nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước khi tiến hành hội đàm cấp cao, chiều 12-12

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước khi tiến hành hội đàm cấp cao, chiều 12-12

Quan hệ hợp tác hữu nghị hiếm thấy

Việt Nam và Trung Quốc là hai nước có nhiều điểm tương đồng rất đặc biệt: cùng chung biên giới dài hơn 1.449km, là hai nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo, có quan hệ hữu nghị truyền thống, có lợi ích ngày càng gắn bó. Theo Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba, hai nước láng giềng có đầy đủ các đặc trưng nêu trên, trên thế giới rất là hiếm thấy. Nhìn lại mối quan hệ hai Đảng, hai nước Trung Quốc - Việt Nam, có thể thấy từ giữa thế kỷ trước, trong suốt quá trình đấu tranh lâu dài giành độc lập cho đất nước và giải phóng dân tộc, hai nước luôn kề vai sát cánh, cùng nhau chiến đấu và ủng hộ lẫn nhau, kết nên tình hữu nghị bền chặt giữa hai nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông đã có đóng góp rất quan trọng, dày công vun đắp nền tảng quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

Kể từ khi hai bên thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện (năm 2008) đến nay, quan hệ hai Đảng, hai nước đã phát triển ngày càng thực chất, vững chắc và toàn diện trên mọi lĩnh vực: Quan hệ chính trị phát triển mạnh mẽ, trao đổi cấp cao và các cấp được tăng cường. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc hai nước thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi mật thiết. Trong đó, có nhiều chuyến thăm cấp cao đánh dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước, đặc biệt là ngay sau khi Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc bế mạc thành công, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận lời mời sang thăm Trung Quốc (từ ngày 30-10 đến 1-11-2022) và chuyến thăm đã thành công hết sức tốt đẹp. Đây là chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử. Tổng Bí thư hai Đảng đã đạt được nhận thức chung quan trọng đối với việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Trung Quốc lên tầm cao mới và xác định phương hướng cho sự phát triển quan hệ hai nước trong thời kỳ mới.

Tin cậy chính trị giữa hai bên không ngừng đi vào chiều sâu sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước duy trì trao đổi chiến lược mật thiết. Các chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao hai nước đã được tích cực triển khai. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Diễn đàn cấp cao Hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ 3 tại Bắc Kinh, Trung Quốc (từ ngày 17 đến 20-10). Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Trung Quốc và dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn Kinh tế thế giới tại thành phố Thiên Tân, Trung Quốc (từ ngày 25 đến 28-6); dự Lễ khai mạc Hội chợ Trung Quốc - ASEAN lần thứ 20 tại Quảng Tây (từ ngày 16 đến 19-9)… Chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cùng Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Trung Quốc là chuyến thăm đầu tiên của Nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước Trung Quốc đến Việt Nam sau Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc, đúng một năm sau chuyến thăm lịch sử đến Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (10-2022). Đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ 3 của ông Tập Cận Bình trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc. Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức, đây là lần đầu tiên trong lịch sử một Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc thăm Việt Nam đến 3 lần.

Những kỳ vọng, cơ hội lớn mở ra từ chuyến thăm

Chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra vào thời điểm kỷ niệm 15 năm Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh, trong một bối cảnh như vậy và với tầm quan trọng của chuyến thăm, chắc chắn đây sẽ là một dấu mốc lịch sử mới trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.

Lãnh đạo Bộ Ngoại giao nêu rõ, có 3 điểm mà hai bên đều rất kỳ vọng vào chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Thứ nhất là kỳ vọng về một “định vị mới”, “tầm mức mới” của quan hệ song phương. Trên cơ sở thành quả quan trọng của 15 năm thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, Lãnh đạo hai Đảng, hai nước sẽ làm sâu sắc hơn nữa khuôn khổ hợp tác cho tương lai lâu dài của quan hệ hai nước theo hướng bền vững, thực chất và hiệu quả hơn, góp phần vào xu thế hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực và trên thế giới. Thứ hai là kỳ vọng về những kết quả hợp tác thực chất trên các lĩnh vực. Lãnh đạo hai Đảng, hai nước sẽ xác định những phương hướng, trọng tâm lớn cũng như các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, đáp ứng lợi ích của cả hai bên. Sẽ có thể có một số lượng lớn văn kiện trên nhiều lĩnh vực được ký kết, tạo cơ sở quan trọng để các cơ quan, địa phương, người dân và doanh nghiệp triển khai hợp tác hiệu quả hơn trong thời gian tới. Thứ ba là kỳ vọng về hiệu ứng lan tỏa của chuyến thăm đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân. Chuyến thăm này, cùng với chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo động lực và xung lực mạnh mẽ cho các ngành, các cấp, các địa phương và đoàn thể nhân dân tiếp tục duy trì và phát triển các mối quan hệ sẵn có, qua đó xây dựng nền tảng xã hội vững chắc, tốt đẹp cho sự phát triển của quan hệ song phương.

Đại sứ Hùng Ba nêu rõ, chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình là cơ hội rất quan trọng để Lãnh đạo cấp cao hai bên duy trì và tăng cường trao đổi chiến lược cấp cao trong tình hình mới, dựa trên nền tảng vững chắc của quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - Việt Nam được tích lũy trong 15 năm, tiếp tục xác định vị thế mới của quan hệ song phương trong thời kỳ mới, xác định hướng đi mới cho sự phát triển tiếp theo, mở ra những triển vọng hợp tác mới giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực, đồng thời tạo ra động lực mới cho sự phát triển bền vững của quan hệ Trung - Việt. Vì vậy, theo Đại sứ, có thể nói một cách khái quát là định vị mới, hướng đi mới, động lực mới. Lãnh đạo cấp cao hai nước sẽ đi sâu trao đổi ý kiến về một loạt vấn đề quan trọng, như làm sâu sắc hơn nữa hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế thương mại, giao lưu nhân dân, tăng cường hợp tác ở các cơ chế đa phương.

Trong chuyến thăm, hai bên ký hàng chục văn kiện hợp tác quan trọng trong các lĩnh vực như hợp tác kênh Đảng, hợp tác giữa các cơ quan và địa phương, an ninh - quốc phòng, tư pháp, truyền thông, kết nối phát triển, kinh tế, thương mại và đầu tư, kinh tế số, phát triển xanh, xuất nhập khẩu hàng nông sản, thủy lợi, hợp tác trên biển... Đồng thời, Đại sứ Hùng Ba cho biết, trong chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Lãnh đạo hai nước sẽ đi sâu trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm. Vì vậy, chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ góp phần quan trọng trong việc giữ vững hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực cũng như thế giới và chắc chắn sẽ nhận được sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng quốc tế.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/moi-quan-he-dac-biet-viet-nam-trung-quoc-post560906.antd