Mối quan hệ hậu bầu cử hiếm có giữa Obama-McCain

Bất chấp sự đối đầu căng thẳng trong suốt chiến dịch tranh cử năm 2008, Tổng thống đắc cử Mỹ Barack Obama đang tìm cách tiếp cận và tham vấn cựu đối thủ Cộng hòa John McCain về nhiều vấn đề chính sách.

Toàn cảnh bầu cử Tổng thống Mỹ 2008 Không lâu sau khi Thượng nghị sĩ John McCain trở về nước sau một chuyến công du chính thức tới Iraq và Pakistan hồi tháng trước, ông đã nhận được một cuộc gọi của Tổng thống đắc cử Barack Obama. Từng là đối thủ cạnh tranh ghế lãnh đạo Nhà Trắng, hai người đã chỉ trích nhau kịch liệt trong phần lớn năm 2008 vì các quan điểm đối lập của họ về chính sách đối ngoại, đặc biệt là vấn đề Iraq. Tuy nhiên, theo nội dung cuộc điện đàm mà các trợ lý của cả hai chính khách này tiết lộ, ông Obama đã nói rằng bản thân hiện tại cần lời khuyên của ông McCain và muốn biết cựu đối thủ đã chứng kiến và biết được những gì trong chuyến công du Iraq và Pakistan. Đây chỉ là một bước trong mối quan hệ hậu bầu cử mà các nhà sử học đánh giá là hiếm có trong thời hiện đại, bắt đầu bằng một cuộc gặp riêng tư tại văn phòng chuyển giao của ông Obama tại Chicago hai tuần sau các vòng bỏ phiếu lịch sử ngày 4/11/2008. Tối hôm nay (19/1), ông McCain sẽ là một vị khách danh dự trong buổi dạ tiệc trang trọng mừng lễ nhậm chức sắp tới của ông Obama. Suốt 3 tháng qua, ông chủ mới của Nhà Trắng đã lặng lẽ tham vấn cựu đối thủ về nhiều ứng viên tiềm năng cho các vị trí trong chính quyền mới, trong đội ngũ an ninh quốc gia hàng đầu đất nước cũng như một số vấn đề khác. Trong một trường hợp, ông Obama đã thông báo lại cho McCain câu trả lời của các ứng viên đối với những câu hỏi mà Thượng nghị sĩ bang Arizona đặt ra. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham - một chính khách Cộng hòa tại bang Nam Carolina và là bạn thân của McCain cho hay, ông McCain từng nói với các đồng nghiệp rằng "rất nhiều trong số các quyết định bổ nhiệm trên là ý kiến của riêng ông". Fred I. Greenstein, một giáo sư chính trị đã nghỉ hưu tại Đại học Princeton, nhận định mối quan hệ kiểu như Obama - McCain chưa từng có tiền lệ. Giáo sư Greenstein cho rằng động lực thúc đẩy ông Obama lôi kéo những người đối lập về tư tưởng dường như sẽ ít nhất xác lập mối quan hệ bạn bè của ông với những người bảo thủ trong tòa soạn báo Harvard Law Review (của sinh viên Trường Luật Havard danh tiếng) khi ông là tổng thống. Đối với vị tổng thống thứ 44 của Mỹ, việc hợp tác với đối thủ từng bị ông đánh bại cũng có thể mang lại một đồng minh hữu dụng tại Thượng viện, nơi ông McCain đã đóng vai trò như một nhân vật chủ chốt đứng ra dàn xếp các thỏa thuận suốt 8 năm qua. Tuy nhiên, về vấn đề Iraq, sự cộng tác giữa hai người có thể dấy lên những nghi ngờ trong đám đông người ủng hộ Obama theo đường lối tự do, những người từng lên án Mccain như một kẻ hiếu chiến nguy hiểm vì quan điểm cực lực phản đối việc rút quân Mỹ khỏi quốc gia Trung Đông. Tìm kiếm lời khuyên Ông Obama đã tới cuộc gặp với cựu đối thủ ở Chicago hôm 16/11 với nhiều đề xuất hợp tác đã được nghiên cứu kĩ, trong đó bao gồm cả một số vấn đề yêu thích của ông McCain, ví dụ như cắt giảm "trợ giúp doanh nghiệp", hạn chế lãng phí trong trang bị quân sự và xét lại các điều luật nhập cư. Chánh văn phòng của ông Obama - Rahm Emanuel, người cũng có mặt tại cuộc gặp ở Chicago, tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn rằng: "Vấn đề trợ giúp doanh nghiệp và cải cách hoạt động trang bị quân sự là hai điều tổng thống đắc cử muốn xúc tiến sớm". Theo quan chức này, chính quyền mới đã chuẩn bị ban hành một văn bản luật lặp lại một dự luật trước đó của McCain về ý tưởng cho các vấn đề trên. Ông Emanuel khẳng định, ông Obama rất quan tâm và tôn trọng ý kiến của McCain nhưng đối với vấn đề Iraq, tân tổng thống vẫn nhất quyết không thay đổi quan điểm về việc sớm đưa quân Mỹ về nước. Một số Thượng nghị sĩ Dân chủ đã lên tiếng than phiền rằng ông Obama đã không tham vấn họ về một số quyết định bổ nhiệm quan chức nhất định, đặc biệt là việc chọn Leon E. Panetta làm Giám đốc Cục tình báo Trung ương (CIA). Trong khi đó, nhóm chuyển giao của ông Obama liên tục tìm kiếm lời khuyên và ý kiến phản hồi của McCain, một nghị sĩ Cộng hòa có thế lực tại Ủy ban vũ trang Thượng viện, về các quyết định bổ nhiệm đội ngũ an ninh quốc gia. Theo Thượng nghị sĩ Graham, người đã tháp tùng McCain tới cuộc gặp với Obama ở Chicago, bản thân McCain rất ủng hộ việc tân tổng thống chọn Tướng James L. Jones (một người bạn cũ của McCain) làm cố vấn an ninh quốc gia; Tướng Eric K. Shinseki - tham mưu trưởng quân đội đã nghỉ hưu làm Bộ trưởng phụ trách các vấn đề cựu chiến binh; cựu đệ nhất phu nhân Hillary Clinton làm Bộ trưởng Ngoại giao và trên hết là để Robert M. Gates tiếp tục đảm nhiệm chức Bộ trưởng Quốc phòng. Việc Obama tìm cách tiếp cận McCain hoàn toàn đối lập với cách làm của các tổng thống tiền nhiệm. Sau cuộc bầu cử năm 2004, Tổng thống George W. Bush đã không trò chuyện với đối thủ bị ông đánh bại - Thượng nghị sĩ Dân chủ John Kerry cho tới tận khi ông Kerry tới tham dự một sự kiện quan trọng tại Nhà Trắng vào tháng 3/2005. Trước đó, sau khi đánh bại McCain trong cuộc đua giành chiếc vé tín nhiệm của Đảng Cộng hòa năm 2000, ông Bush cũng chỉ duy trì những liên lạc chiếu lệ và thường xuyên thù địch với Thượng nghị sĩ bang Arizona suốt gần hai năm tiếp theo. Ngay trước khi tuyên thệ nhậm chức lãnh đạo Nhà Trắng nhiệm kỳ hai, cựu Tổng thống Bill Clinton đã trao tặng cho cựu đối thủ Bob Dole Huân chương tự do. Tuy nhiên, đó hoàn toàn là một sự kiện mang tính biểu tượng. Thanh Bình (Theo NYT)

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/thegioi/2009/01/824697/