'Môi trường kinh doanh thuận lợi, người dân sẵn sàng bán vàng, USD để làm ăn'

Theo GS. TSKH. Võ Đại Lược, điều quan trọng nhất hiện nay đó là làm sao tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, người dân khi đó sẽ tự bỏ tiền ra kinh doanh...

GS. TSKH. Võ Đại Lược.

Cùng BizLIVE điểm lại các phát ngôn ấn tượng tuần qua:

“Vụ việc ở phường Văn Miếu khiến thủ đô mất điểm”

Sáng 29/7, trong buổi tiếp và làm việc với đoàn lãnh đạo TP.HCM do Bí thư thành ủy Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, dành nhiều thời gian chia sẻ các kinh nghiệm, bài học rút ra khi tổ chức thực hiện cải cách hành chính trên địa bàn thủ đô.

Theo ông Chung, Hà Nội và TP.HCM giống nhau khi có từ 200.000 - 300.000 doanh nghiệp nên việc muốn tất cả số doanh nghiệp này bằng lòng là khó khăn.

“Theo tinh thần nghị quyết đảng bộ TP Hà Nội, chúng tôi sẽ phấn đấu chỉ số năng lực cạnh tranh của Hà Nội vươn lên thứ 15-16. Chúng tôi không dám đặt mục tiêu số 1 hay 2 hoặc top 5 vì với khối lượng phục vụ lớn, đòi hỏi khả năng tương đồng các vị trí rất khó”, Chủ tịch Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm với lãnh đạo TP.HCM.

Tuy nhiên ông Nguyễn Đức Chung cũng thừa nhận nếu làm tốt nhưng gặp phải các vụ việc như cấp giấy chứng tử ở phường Văn Miếu sẽ mất điểm với toàn dân, chưa nói tới các doanh nghiệp... (Xem tiếp)

“Môi trường kinh doanh thuận lợi, người dân sẵn sàng bán vàng, USD để làm ăn”

Theo GS. TSKH. Võ Đại Lược, điều quan trọng nhất hiện nay đó là làm sao tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, người dân khi đó sẽ tự bỏ tiền ra kinh doanh.

“Có môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi sẽ kích thích người dân đem vàng, USD đổi thành tiền. Lúc này dù không huy động thì người dân cũng sẵn sàng bỏ ra để làm ăn kinh doanh”, ông Võ Đại Lược nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Lược cho rằng hiện nay môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều bất cập. Theo điều tra của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), gần 60% doanh nghiệp làm ăn không có lãi.

Ông Lược cho rằng, từ con số nêu trên cũng đặt ra bài toán: Khi khu vực doanh nghiệp còn nhiều khó khăn như vậy thì việc sử dụng vốn từ việc huy động vàng, USD làm sao cho có hiệu quả... (Xem tiếp)

“Cổ phiếu tốt là cổ phiếu tăng giá, không quan trọng cổ phiếu trà đá”

Theo ông Lê Tiến Đông, Phó tổng Giám đốc CTCK Artex, những cổ phiếu tốt là cổ phiếu sẽ lên giá và mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư. Bản chất của các loại cổ phiếu có thể chia ra như: cổ phiếu có những thay đổi về doanh nghiệp có thể tăng giá tốt, hoặc nhóm cổ phiếu do M&A hay có nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào giúp tăng kỳ vọng về tương lai.

Lấy ví dụ với nhóm chứng khoán, ngoại trừ HCM và SSI, cổ phiếu của nhiều công ty chứng khoán trước đây cũng là cổ phiếu “trà đá”. Nhưng khi ngành vào chu kỳ thì mức tăng trưởng 200% đến 300% vẫn có thể có được.

Trong khi đó với các cổ phiếu có thị giá cao, cơ hội vẫn xuất hiện khi nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn tìm đến do có đủ yếu tốt thanh khoản và đủ quy mô vốn hóa. Đây là cách đầu tư đón đầu khi thị trường Việt Nam được nâng hạng.

Việc nâng hạng chỉ là vấn đề thời gian. Việt Nam vừa rồi chỉ lỡ một kỳ, nhưng trong tương lai Việt Nam sẽ được nâng hạng. Những cổ phiếu có giá 200.000-300.000 đồng như Vinamilk trong tương lai sẽ có sự tăng trưởng. Do đó, đầu năm nay các nhà đầu tư nước ngoài mua mạnh cổ phiếu này.

Hai cổ phiếu tiếp theo là Hoà Phát (HPG) và FLC Faros (ROS) cũng được nước ngoài mua ròng trên 1.000 tỷ đồng. Vì vậy, Phó Tổng Giám đốc của Artex kết luận: “Cổ phiếu tốt là cổ phiếu lên giá chứ không quan trọng là cổ phiếu trà đá, hay có giá cả trăm nghìn”... (Xem tiếp)

“Muốn huy động vàng, USD phải thay đổi được thói quen ‘tiết kiệm hoang phí’”

TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh, trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, cho biết đối với dân thành thị họ còn có thể biết đến ngân hàng để gửi tiết kiệm tiền nhàn rỗi, thử hỏi bao nhiêu người dân nông thôn hoặc ven đô thị biết tìm đến ngân hàng? Mặc dù chưa có con số thống kê chính thức, nhưng đi từ thực trạng xã hội Việt Nam chúng ta vẫn có thể bắt gặp đâu đó những người có vàng, tiền nhàn rỗi đem cất vào két sắt ở nhà.

Để thay đổi thói quen “văn hóa để dành”, cũng như thói quen “tiết kiệm một cách hoang phí” của người Việt cần cả một quá trình, vì “văn hóa là cái cuối cùng còn lại sau khi tất cả đã mất đi”. Do đó, phải có sự chuẩn bị, có sự nghiên cứu thực tế, phải tìm sự đồng thuận trong dân, thay đổi nhận thức của người dân, từ đó mới nói đến chuyện huy động vàng, USD.

Tóm lại, theo TS. Lê Thẩm Dương, cần có 3 yếu tố để triển khai thành công: Thứ nhất, cần có người đứng đầu chịu trách nhiệm trong việc này. Thứ hai, động lực để làm việc này cần phải có sự đồng thuận của đông đảo người dân (75% đồng ý chẳng hạn). Cuối cùng cần tạo văn hóa tham dự, nghĩa là mọi người được tham gia hiến kế, được hành động... (Xem tiếp)

“Muốn huy động vàng và USD trong dân, phải để người dân tin tưởng hơn vào đồng nội tệ”

Ông Trần Anh Tuấn - quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc huy động vàng và USD là chủ trương đúng đắn để tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế.

Nhu cầu về sử dụng ngoại tệ, vay vốn ngoại tệ là rất cao, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, nên huy động vốn ngoại tệ là vấn đề rất cần thiết để thúc đẩy kinh tế phát triển.

Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Trần Anh Tuấn, việc huy động vàng, USD phải mang tính thị trường thay vì sử dụng các biện pháp mang tính hành chính.

Lý giải rõ hơn về điều này, ông Trần Anh Tuấn cho biết đầu tiên phải “đánh” vào chính tâm lý của người dân. Người dân giữ vàng, USD chủ yếu là do lo ngại sự mất giá của đồng tiền nội tệ. Họ tin tưởng việc giữ vàng, USD sẽ có chi phí cơ hội.

“Vậy muốn huy động vàng, USD từ dân thì phải để họ yên tâm vào đồng tiền nội tệ. Khi họ tin tưởng hơn họ sẽ bán vàng, USD gửi vào ngân hàng để hưởng lãi. Khi tạo được tâm lý đó thì việc huy động các nguồn lực sẽ rất dễ dàng”, ông Tuấn nhận định... (Xem tiếp)

N.MẠNH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/chinh-tri-xa-hoi/moi-truong-kinh-doanh-thuan-loi-nguoi-dan-san-sang-ban-vang-usd-de-lam-an-3021949.html