'Mỗi VĐV phải là một đại sứ hình ảnh của Việt Nam'

Tham dự kỳ Đại hội Thể thao Bãi biển châu Á lần thứ 5 (ABG5) với tư cách là đơn vị chủ nhà, Việt Nam đã đặt ra những chỉ tiêu rất cao để phấn đấu.

Tuy nhiên, theo Trưởng đoàn Nguyễn Mạnh Hùng, bên cạnh kết hợp thể thao, ABG5 là cơ hội để Việt Nam giới thiệu hình ảnh đất nước, con người đồng thời cho thấy tiềm năng phát triển thể thao bãi biển đến với bạn bè quốc tế.

“ABG 5 mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam”

ABG 5 lần này có ý nghĩa gì với thể thao Việt Nam, thưa ông?

- Ông Nguyễn Mạnh Hùng: ABG là sáng kiến của Hội đồng Olympic châu Á (OCA). Ở lần thứ 5 này, Việt Nam vinh dự là đơn vị đăng cai. Từ sáng kiến của OCA mà từ năm tới, Ủy ban Olympic thế giới sẽ tổ chức Đại hội thể thao bãi biển thế giới lần thứ nhất tại Mỹ và sự kiện này được hứa hẹn sẽ tổ chức 2 năm/1 lần. Như vậy, kể từ đây, thể thao bãi biển được Ủy ban Olympic thế giới và Hội đồng Olympic châu Á đưa vào như là những môn thi chính thức trong chương trình thi đấu thể thao.

Cũng chính vì vậy ở lần thứ 5 này, Việt Nam đăng cai với tâm thế mới. Đó là việc thể thao bãi biển đã được cả thế giới ghi nhận và cho thấy sự phát triển trong tương lai của nó.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng đoàn TTVN tại ABG5

Thể thao bãi biển mang tính thể thao song thực chất đó là du lịch vì thông qua đây, chúng ta quảng bá hình ảnh đất nước, con người và đặc biệt là bờ biển Việt Nam. Đây là sự thành công của Việt Nam trong việc kết hợp giữa thể thao và du lịch. Qua thời gian theo dõi, bạn bè quốc tế đánh giá cao Việt Nam cho dù vẫn gặp phải những hạn chế về điều kiện thời tiết, giao thông,… tuy nhiên, những gì mà chúng ta đang làm rất đáng trân trọng.

Trong bất kỳ Đại hội nào, công tác chuyên môn đóng vai trò quan trọng. Việt Nam với tư cách là một nước chủ nhà thì ông có nghĩ mục tiêu Top 3 đề ra có phù hợp với thực lực của chúng ta?

- Chúng ta tham dự kỳ Đại hội này ở 157/172 nội dung với 320 VĐV. Đoàn thể thao Việt Nam cũng mạnh dạn đặt chỉ tiêu 22 HCV và một vị trí trong Top 3.

Để nói việc đặt ra chỉ tiêu như vậy để nói “đếm cua trong lỗ” cũng không hẳn đúng. Bởi lẽ, khi mang quân đi thi đấu, chúng ta phải biết rõ đối thủ là ai. Tuy nhiên, ở giải đấu này, rất nhiều đối thủ mà thể thao Việt Nam chưa nắm rõ. Do đó, chúng tôi nỗ lực chăm lo tất cả cho VĐV để họ có phong độ tốt nhất. Sau khi tính toán kỹ lưỡng, tôi nghĩ chúng ta sẽ đạt được chỉ tiêu đề ra.

Ngay sau khi chính thức đăng cai, công tác chuyên môn đã được triển khai. Một số môn thể thao bãi biển mới lạ như Sambo, Kurash, Kadbadi,… được phát triển trên cơ sở lấy các VĐV trong nhà. Các môn này được đầu tư mạnh mẽ với mục tiêu ban đầu là đủ sức tham gia rồi sau đó sẽ tính tới thành tích.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng có một số môn thế mạnh như vovinam, đá cầu, võ thuật cổ truyền Việt Nam,… Việc đưa môn võ thuật cổ truyền Việt Nam vào thi đấu có ý nghĩa rất lớn khi đây là cơ hội để quảng bá văn hóa Việt Nam. Đó là cơ sở để chúng ta đưa ra con số 22 HCV.

Đoàn Thể thao Việt Nam ‘vô đối’ ở ABG5

Những môn thi “tủ” như thể hình, đá cầu, pencak Silat đã đưa Việt Nam độc chiếm ngôi đầu bảng và gần như không có đối thủ tranh chấp tại Đại hội Thể thao Bãi biển châu Á lần thứ 5.

Đặc biệt, trong 14 môn và 22 môn này có rất nhiều môn thuộc hệ thống Olympic và ASIAD, ví dụ như bơi lội, điền kinh,… Trào lưu bây giờ của thể thao thế giới là phấn đấu theo Olympic, ASIAD song thể thao mang lại nhiều lợi ích cho con người. Thế nên, thể thao trong nhà và thể thao bãi biển cũng từ đó phát triển theo xu hướng hội nhập.

“Cần phát triển theo hướng thể thao kết hợp du lịch”

Ở kỳ Đại hội này, chúng ta nên chú trọng đến thành tích hay là cơ hội là quảng bá hình ảnh, thưa ông?

- Tất yếu, chúng ta phải lồng cả hai yếu tố trên. Việt Nam cần đạt thành tích cao cũng như biết cách giới thiệu hình ảnh của mình. Thông qua thành tích, bạn bè quốc tế sẽ có cái nhìn về thể thao Việt Nam. Và xác định đây là cơ hội để đưa hình ảnh Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế nên chúng tôi luôn xác định tư tưởng cho mỗi VĐV rằng mỗi người là hình ảnh, đại sứ quảng bá cho du lịch Việt Nam, chứ không phải chỉ khăng khăng thành tích.

Chúng ta mình là ai, thi đấu ở đâu và nhằm mục đích gì, trách nhiệm chúng ta như thế nào. Nếu chúng ta có thành tích tốt thì đó là cơ hội để quảng bá hình ảnh con người và khả năng của Việt Nam, đặc biệt là vấn đề biển.

Ông có thể nói gì về tiềm năng của thể thao bãi biển?

- Xu thế trong tương lai là phải xã hội hóa thể thao, Nhà nước khó đầu tư nhiều cho thể thao được. Dù vậy, cũng cần phải xác định rõ, thể thao bãi biển trong một vài kỳ nữa chưa phải là mục tiêu chính của thể thao Việt Nam. Trước mắt, chúng ta phải đẩy mạnh phát triển xã hội hóa và một số môn thể thao bãi biển cần phải phát triển.

Muốn phát triển cần phải xây dựng những liên đoàn, hiệp hội, có nhà tài trợ hoặc nhà xúc tiến tài trợ cho thể thao và du lịch. Cần phối hợp tốt giữa thể thao bãi biển và du lịch thì may ra thể thao bãi biển mới phát triển. Thể thao bãi biển là xu thế của thời đại và chắc chắn sẽ phát triển. Dẫu vậy, cái cách, con đường đi mới là điều quan trọng. Trong đó, vai trò của các doanh nghiệp, nhà tài trợ là rất quan trọng.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

ABG 5 đang diễn ra tại Đà Nẵng và sẽ bế mạc vào tối 3/10. Tham dự ABG lần này có 42 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á với 2.500 VĐV tranh tài ở 14 môn, 22 phân môn với 172 bộ huy chương. Đoàn thể thao Việt Nam với số lượng đông đảo 320 VĐV phấn đấu đạt được 22 HCV và một vị trí trong Top 3.

Nam Giao (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/the-thao/moi-vdv-phai-la-mot-dai-su-hinh-anh-cua-viet-nam-n20160929083150480.htm