Món ăn đặc biệt giúp một ngôi làng giải trừ sốt rét

GiadinhNet - Có một địa phương nơi đại ngàn Tây Nguyên, người dân thường bắt sâu đem về làm thức ăn tươi. Loài sâu này được coi là đặc sản và chỉ có khách quý mới được mời. Không chỉ làm các món rang, xào, bà con còn bắt sống sâu ăn ngay tại chỗ, rất khoái khẩu. Đặc biệt, theo kinh nghiệm của đồng bào, món sâu này còn giúp phòng chống hiệu quả căn bệnh sốt rét.

Sâu muồng và món nhộng sâu đặc sản của người Tây nguyên.

Ảnh TG

Mùa sâu “nhảy dù”

Chiều đầu hạ, tôi theo chân một nhóm thanh niên làng Dei Go (xã IaMơ Nông, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) men theo con sông Sê San từ thượng nguồn nhà máy thủy điện Yaly tới thăm ngôi làng chuyên bắt sâu để làm thức ăn này. Dịp này, Tây Nguyên đang vào mùa ong đi lấy mật, thi thoảng có những cơn mưa giông bất chợt đổ về. Đây cũng là lúc, cây cối đâm chồi nảy lộc, thảo nguyên chuyển mình, dọc những triền đồi mướt một màu xanh, từng đàn bướm bay phấp phới. Với người dân Tây nguyên, những đàn bướm là dấu hiệu thông báo thời điểm phát triển của mùa sâu muồng, một đặc sản được ưa chuộng của miền đất đại ngàn nắng gió.

Nhận biết sâu muồng không khó. Những cây muồng đang tươi tốt, chỉ qua hai ba ngày bỗng xơ xác lá thì trên đó chắc chắn có cả ngàn con sâu muồng. Dưới gốc cây, cả vạt đất chuyển màu đen kịt bởi thứ chất thải đặc trưng khi sâu ăn lá thải ra. Buổi trưa, trời im ắng, đến gần cây sẽ nghe tiếng sâu muồng ăn lá rào rào như tằm ăn rỗi.

Vào thời điểm cuối mùa khô đầu mùa mưa ở Tây nguyên như lúc này, nhiều người dân làng Dei Go, làng Díp, làng Dóc… cũng rộ lên phong trào bắt sâu. Những người vùng khác tới đây thấy cảnh trăm ngàn con sâu trên một thân cây thì vô cùng khiếp sợ nhưng người dân Tây Nguyên thì lại phấn khởi trước cơ hội cải thiện bữa ăn, cải thiện thu nhập. Anh Ksor Nuôi, một người dân làng Dei Go, vừa đi bắt sâu về, trên vai lủng lẳng bì sâu muồng to tướng, cười với chúng tôi khoe chiến tích của mình. Nhìn những con sâu vẫn còn sống ngoe nguẩy trong tay anh, chúng tôi không khỏi rùng mình, còn anh Ksor Nuôi thì bình thản bảo: “Đây là thức ăn của nhà mình đấy. Không chỉ nhà mình, nhiều gia đình khác cũng bắt sâu này về chế biến thành món ăn để “cải thiện”. Ăn không hết thì mang bán cho người ta, cũng có giá lắm đó!”

Chia sẻ với chúng tôi, anh Ksor Nuôi tiết lộ cách bắt loài sâu này khá đơn giản, chỉ cần mang theo một cái bịch nilon, đến gần cây muồng có nhiều sâu, leo lên và ra sức rung, sâu rơi như sao sa, người ta cứ thế nhặt sâu cho vào bịch. Đi nửa buổi trưa, anh thu gom được đầy một bịch nilon vài kg là thường. Ksor Úc, một thanh niên làng Dei Go, cười bảo: “Nếu sợ sâu bọ thì chớ có đến gần những nơi có cây muồng, vì bất cứ lúc nào những chú sâu có thể “nhảy dù” trêu ngươi làm ai yếu bóng vía phải khiếp sợ. Có điều, chúng chỉ hù thế thôi chứ không hại ai cả, vì sâu muồng không gây ngứa, cũng không có vết cắn đâu. Đây là một loài sâu ăn lá rất hiền lành!”.

Theo lời kể của thanh niên trong làng, khi trời nắng nóng, lũ sâu ép sát thân mình vào cây muồng hòa lẫn trong sắc xám đen của vỏ muồng, phải tinh mắt mới nhìn thấy hàng sa số chú sâu đang ẩn thân trên vỏ cây. Cây cối đang xanh tốt, chỉ sau vài ngày sâu về làm tổ đã sạch bóng không còn một chiếc lá, lộ ra chỉ còn thân cây gầy guộc, mỏng manh.

Một chảo “thức ăn” từ sâu muồng của người dân làng Dei Go.

Ảnh TG

Vì sao sâu muồng giúp phòng sốt rét

Theo lương y Huyên Thảo thì trong một số bài thuốc dân gian phòng và điều trị sốt rét, lá muồng cũng được coi là một dược vị quan trọng. Loài sâu muồng ăn lá muồng tươi, do đó ăn chúng cũng có nghĩa là bà con đã nạp vào cơ thể một lượng lá muồng nhất định. Bởi thế, chuyện bà con nhờ sâu muồng mà phòng bệnh sốt rét cũng không phải không có lý.

Nắm quy luật sinh trưởng của sâu muồng, người Tây Nguyên tận dụng cả sâu lẫn nhộng để làm thức ăn. Chị H’tươi, một người chuyên chế biến món sâu muồng rang cho đám thanh niên trong làng nhậu cho biết: “Sau khi mang sâu về, bắc một cái chảo lên bếp lửa. Để chảo thật nóng rồi đổ bịch sâu vào làm cái “xèo”, sau đó lấy đũa đảo sâu cho chín thật vàng, rắc một ít muối ớt chỉ thiên giã nhỏ, thế là có thể mang ra... đánh chén một cách ngon lành! Lúc đầu, ăn sâu không quen lắm, ai cũng sợ tha bệnh tật vào người nhưng sau lại ghiền. Đặc biệt, giống sâu này chỉ có nhiều vào đầu mùa mưa, đến cuối mùa mưa vòng đời sinh nở của nó cũng hết và phải đợi đến mùa mưa năm sau mới có sâu ăn!”. Vừa giảng giải, chị H’tươi vừa nếm thử một chú sâu rang vàng ruộm. Chị H’tươi cho biết, từ lâu nay người dân bản địa vẫn quan niệm dùng món đặc sản này để phòng chống bệnh sốt rét(?)

“Đặc sản” sâu

Cứ thế, mùa này mỗi khi rảnh rỗi, nhiều người dân trong làng Dei Go lại mang những chiếc rổ nhựa, vài cái gậy đi đến những cây muồng bắt sâu đem về ăn. Sâu nhiều đến nỗi đi bắt chỉ trong vòng chưa đầy 30 phút đã đầy một rổ nhỏ. Anh bạn đi bên tôi thủ thỉ rằng, không khéo sau này loài sâu này sẽ trở thành đặc sản của các nhà hàng lớn ở các thành phố không biết chừng. Lúc ấy, người sẽ không còn sợ sâu nữa mà sâu lại phải sợ người.

Già làng Siu Chăm của làng Dei Go giảng giải rằng ngoài việc trở thành món ăn đặc biệt và độc đáo của làng, sâu muồng còn đem lại thu nhập cho nhiều gia đình địa phương. Hàng ngày, một số người đã bỏ công sức đi bắt những “giặc cây” này đem về chế biến thành những món ăn và bán lại cho một số quán nhậu trong xã. Có nhiều cách chế biến món sâu. Ai thích cảm giác mạnh thì ăn sống, ai thích cảm nhận hương vị bùi, béo ngậy của nó thì chiên lên rồi dùng mắm xào, ai thích ăn theo kiểu luộc thì sẽ cảm nhận hương vị béo núc của nó. Thấy tôi ngạc nhiên về việc có thể ăn sống sâu, một người đàn ông trung niên cười: “Thật đó chứ không phải chuyện đùa đâu. Sâu sống ăn cũng được, nhưng phải là người có bụng dạ thật tốt mới chịu được, còn không thì bị “Tào Tháo sâu” đuổi “chạy có cờ” trong vài phút ngay. Vì trong loài sâu này có chất gì đó, có người hợp thì ăn sống được, có người không hợp thì ăn vào đau bụng ngay lập tức!”. Và như để chứng minh, người đàn ông này bắt chú sâu đang cong mình chạy trốn bỏ vào miệng nhai ráu ráu.

Sau vòng đời chuyển hóa trong thời gian ngắn ngủi từ “bướm - trứng – sâu - nhộng”, những con nhộng của sâu muồng dần tiến hóa thành những cánh bướm vàng xinh đẹp bay rợp cả vùng trời Tây Nguyên trong nắng vàng, đẹp mê ly. Vào mùa này, ở Tây Nguyên đang là mùa sâu muồng, mùa bướm vàng bay rợp trời. Và nếu có gan, hãy thử một lần thưởng thức món sâu muồng đặc sản của làng Dei Go!.

Tiêu Dao

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/suc-khoe/mon-an-dac-biet-giup-mot-ngoi-lang-giai-tru-sot-ret-20140430105838363.htm