Món ăn người Trung Quốc kiêng kỵ vào ngày Tết vì sợ xui

Ăn cháo, thịt trong ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán được xem là điều tối kỵ, thậm chí là điềm gở tại Trung Quốc.

 Theo quan niệm dân gian, người dân xứ tỷ dân kiêng ăn cháo ngày đầu năm vì sợ khổ cực, đầu óc không minh mẫn suốt cả năm. Ảnh: TVBS.

Theo quan niệm dân gian, người dân xứ tỷ dân kiêng ăn cháo ngày đầu năm vì sợ khổ cực, đầu óc không minh mẫn suốt cả năm. Ảnh: TVBS.

Theo Sohu, người Trung Quốc có quan niệm không ăn cháo và thịt vào ngày Mùng 1 Tết Nguyên đán.

Cháo được xem là món ăn gắn với sự nghèo đói, khổ cực. Họ cho rằng ăn cháo trong những ngày Tết sẽ là điềm báo về một năm khó khăn tài chính. Ngoài ra, món cháo thường có kết cấu đặc sệt, được cho là "nhầy nhụa". Theo người Trung Quốc, nếu ngày đầu năm mới ăn cháo thì cả năm đầu óc sẽ không minh mẫn.

Với câu nói ăn cháo nghèo cả năm, ăn cơm giàu cả năm, vào ngày Mùng 1 Tết, người dân xứ tỷ dân sẽ luôn ăn cơm được nấu khô ráo. Không chỉ vậy, họ còn tránh nấu cơm mới vào ngày đầu năm.

Thay vào đó, họ sẽ ăn cơm thừa còn dư lại từ đêm giao thừa. Việc này mang ý nghĩa sự dư dả sẽ kéo dài từ năm cũ sang năm mới, từ đầu năm đến cuối năm.

Bên cạnh đó, bữa sáng Mùng 1 tại các gia đình Trung Quốc cũng thường là đồ chay. Nguyên nhân là người dân muốn tránh sát sinh vào đầu năm, tỏ lòng thành với chư Phật và những vị thần linh.

Ngoài ra, từ “trai giới” trong tiếng Trung có âm đọc na ná từ “tai” trong tai họa. Vì vậy, người Trung Quốc cho rằng việc ăn chay vào ngày đầu năm cũng giống như ăn những điều xui xẻo, tai họa và điềm xấu để bản thân có được sự may mắn, an toàn trong năm mới.

Không chỉ kiêng ăn cháo hay thịt, người Trung Quốc ngày xưa còn đại kỵ uống thuốc vào những ngày đầu năm nếu không cần thiết. Tục lệ xưa cho rằng uống thuốc có thể khiến bạn ốm đau triền miên suốt cả năm.

Tuy nhiên, chuyên gia văn hóa Liêu Đại Ất cho rằng việc ăn cháo, cơm, thịt hay uống thuốc vào ngày đầu năm mới không phải là yếu tố quyết định sự giàu - nghèo, may mắn - xui xẻo hay bệnh tật của một người.

Điều kiêng kỵ này chỉ là quan niệm văn hóa ngày xưa, đã không còn phù hợp với xã hội hiện đại và bị không ít người bác bỏ. Ví như ở Quảng Đông, cháo được nhiều người "chào đón" vào dịp năm mới, thậm chí được tổ chức riêng một ngày để thưởng thức vào mùng 7 Tết Nguyên đán.

Vì vậy, theo ông Liêu Đại Ất, người dân không cần quá mê tín, nếu thích ăn hay gặp vấn đề thể chất, mọi người có thể ăn cháo và uống thuốc bình thường vào đầu năm mới. Việc ăn uống đủ chất, đảm bảo sức khỏe quan trọng hơn các tục lệ kiêng kỵ được lưu truyền trong dân gian.

Hảo Hảo

Nguồn Znews: https://znews.vn/mon-an-nguoi-trung-quoc-kieng-ky-vao-ngay-tet-vi-so-xui-post1458900.html