Mong thấy được... nụ cười của thầy cô!

'Sau giờ học, thầy cô không nên quá nghiêm túc với học sinh mà cười tươi để có một không khí vui vẻ và học sinh phấn chấn học tập.

Giáo viên chia sẻ, phản hồi - Ảnh: Như Lịch

Đó là một trong những ước muốn được nêu ra trong buổi đối thoại học đường gồm ba bên: nhà trường, phụ huynh và học sinh, diễn ra vào ngày 23.9 tại Trường tiểu học Trần Văn Ơn, Q.Gò Vấp, TP.HCM.

Nằm trong dự án Trường học thân thiện và Bảo vệ trẻ em dễ bị tổn thương, buổi đối thoại này do Tổ chức cứu trợ trẻ em Quốc tế phối hợp với Phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp tổ chức thí điểm trước khi nhân rộng ra nhiều trường khác trong quận.

“Khát” sự chia sẻ

Khi có cơ hội nói với nhau về những mong muốn của mình, các bên đã thể hiện sự khát khao về nhu cầu chia sẻ.

Nữ sinh tên Uyên, lớp 5/6 Trường tiểu học Trần Văn Ơn, bộc bạch: “Hôm nào ông xe ôm cũng chở con đi học về. Bố mẹ và con ít có thời gian gặp nhau vì 7 - 8 giờ tối con mới về. Con mong bố mẹ con dành thời gian nói chuyện và chơi với con nhiều hơn, lắng nghe những ý kiến của con”.

Tương tự, Hữu, nam sinh lớp 4 bày tỏ: “Mỗi ngày đi học về, con chỉ mong mẹ lắng nghe những niềm vui, nỗi buồn của con”.

Tại đối thoại học đường ba bên, nhiều học sinh thẳng thắn nêu những tâm tư của mình - Ảnh: Như Lịch

Về phía mình, không ít phụ huynh đề nghị tha thiết: Mong con đừng có thái độ xa cách mà hãy chia sẻ với cha mẹ. Nếu cha mẹ bận quá thì con có thể chia sẻ với thầy cô. Bởi cha mẹ và thầy cô là những người đi trước nên sẽ có những chỉ dẫn, uốn nắn kịp thời cho các con.

Cô Lê Thị Xuân Kim Hiếu, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Văn Ơn, nhìn nhận: “Mong đợi trên của học trò tuy có vẻ nhỏ nhoi nhưng rất cảm động. Bản thân tôi cũng phải nhìn lại mình, phải thường xuyên chia sẻ với con cái và học sinh hơn nữa”.

Sau khi lắng nghe những ý kiến, ông Nguyễn Lữ Gia, cán bộ Tổ chức Cứu trợ trẻ em Quốc tế tại Việt Nam, nhận xét: “Tôi thấy điều phụ huynh và con cái mong đợi nhất là sự chia sẻ lẫn nhau. Tôi ngạc nhiên tại sao ở nhà hai bên không nói ra mà lên đây được khơi gợi mới nói? Điều đó có thể phản ánh chúng ta không dành thời gian cho nhau”.

Nếu chúng con là giáo viên...

Một phần nội dung khá hấp dẫn khác trong buổi đối thoại chính là các bên hoán đổi vị trí của nhau để nêu những mong ước và đề xuất các giải pháp giúp học sinh có thể hạnh phúc hơn, trường lớp phát triển hơn. Cụ thể, học sinh đóng vai trò là cha mẹ và thầy cô, phụ huynh vào vai trò là ban giám hiệu, giáo viên, còn nhà trường thử vị trí gia đình, phụ huynh học sinh.

Phụ huynh tham gia đối thoại - Ảnh: Như Lịch

Các học sinh mạnh dạn nêu ý kiến: “Nếu chúng em là thầy cô thì sẽ luôn động viên học sinh, cho học sinh thể hiện hết tài năng của mình trên lớp, kèm những bạn học còn yếu. Thầy cô sẽ truyền hết kiến thức và các kỹ năng sống, tổ chức các trò chơi, cho học sinh học nhóm.

Bên cạnh đó, luôn gần gũi để tạo điều kiện cho học sinh tin tưởng thầy cô và sẽ tâm sự những chướng ngại vật trước mắt không thể vượt qua hoặc những chuyện thường ngày các em không dám nói với cha mẹ...”.

Một tràng vỗ tay thích thú từ phía phụ huynh và cả giáo viên khi học sinh đề xuất: “Sau giờ học, thầy cô không nên quá nghiêm túc với học sinh mà cười tươi để có một không khí vui vẻ và học sinh phấn chấn học tập”.

Với những học sinh trong vai làm cha mẹ, các bạn nhỏ nêu một loạt mong muốn: Dành thời gian vui chơi với con, làm cho con tin tưởng mình để chia sẻ với mình nhiều hơn; cuối tuần sẽ dành thời gian cho gia đình; dạy con các cách tự bảo vệ trẻ khỏi những người xấu (bắt cóc, xâm hại tình dục...). Cha mẹ phải giữ lời hứa với con, dùng lời nhẹ nhàng khi la mắng con chứ không nên dùng roi vọt, có những phần thưởng động viên khi con đạt thành tích, thường xuyên cho con đi thăm ông bà...

Có dịp đóng vai thầy cô, nhà trường, các phụ huynh khẳng định sẽ “xử lý” ngay căn tin hiện hữu trong trường chưa đảm bảo an toàn thực phẩm, kế đến là cải thiện nhà vệ sinh cho an toàn, sạch sẽ...

Như Lịch

Như Lịch

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/mong-thay-duoc-nu-cuoi-cua-thay-co-878679.html