Một cánh tay chìa ra, ngàn cánh tay nắm lấy

"Trẻ em tự kỷ đang rất cần được yêu thương, cần vòng tay cộng đồng để được hạnh phúc. Hãy cùng chúng tôi xuống đường vì hàng trăm, hàng ngàn gia đình ở Việt Nam đang âm thầm đấu tranh giành lại những đứa con từ căn bệnh tự kỷ".

Đó là thông điệp mà hơn 400 gia đình có con mắc bệnh tự kỷ đưa ra sáng nay, 18/4, trong chương trình "Mít tinh và đi bộ vì con", tại bờ hồ Hoàn Kiếm – Hà Nội. Nghệ sĩ Đức Hải tham gia đi bộ với tư cách là Đại sứ thiện chí của chương trình Cùng xuống đường vì trẻ tự kỷ Chương trình do CLB Gia đình trẻ tự kỷ Hà Nội phối hợp với kênh O2TV – kênh truyền hình vì sức khỏe và cuộc sống cộng đồng tổ chức, nhằm tuyên truyền, tăng cường sự hiểu biết đúng đắn của cộng đồng về Hội chứng tự kỷ ở trẻ em, kêu gọi sự chia sẻ, giúp đỡ của cộng đồng và xã hội dành cho người mắc Hội chứng tự kỷ. Đây được coi là hoạt động vì trẻ tự kỷ mang tính cộng đồng đầu tiên và có quy mô lớn ở Việt Nam. Từ sáng sớm, khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ như bị thu hẹp lại bởi sự có mặt của hàng ngàn tình nguyện viên, phụ huynh và các em nhỏ bị tự kỷ. Họ cùng trao nhau những ánh mắt, nụ cười thân thiện và cùng giơ cao khẩu hiệu: "Đi bộ vì con", "Cùng giúp trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng", "Hãy hiểu, cảm thông và chia sẻ với trẻ em tự kỷ"... Tình nguyện viên tham gia diễu hành và giơ cao khẩu hiệu vì trẻ tự kỷ Chương trình đặc biệt hơn với sự tham gia giao lưu của Đại sứ thiện chí – Nghệ sĩ Đức Hải. Sau những lời chia sẻ ân tình của một người làm cha: cộng đồng hãy siết chặt đôi bàn tay bé nhỏ và mở rộng trái tim mình để sưởi ấm cho nỗi cô đơn lạnh lẽo trong tâm hồn thơ dại của con trẻ, nghệ sĩ Đức Hải đã xuống đường và dẫn đầu đoàn người đi bộ vì trẻ tự kỷ. Một cánh tay chìa ra, nhiều bàn tay nắm lấy Để biến tình yêu thành sức mạnh... Nghiêm Nhật Vũ, 5 tuổi, học sinh trường mầm non tư thục chất lượng cao Happy Feet (Mĩ Đình – Hà Nội), trong vẻ ngoài bé rất thông minh, hiếu động và thật khó để nhận biết được rằng bé bị mắc chứng tự kỷ. 3 tuổi Vũ mới biết nói vài từ đơn giản, nhưng khi đi học được vài tháng, bé nói rất nhiều, nói liên tục vì sợ nếu không nói nhanh thì người khác sẽ nói trước mất. Từ đó dẫn đến hiện tượng bé không kiểm soát được ngôn ngữ của mình, thường xuyên nói ngọng, nói lắp. Bé Tôm – 3 tuổi, con anh Xuân Dũng, ở phố Liễu Giai khi bé có những hành động rất kỳ quặc. Từ hồi 2 tuổi, cứ mỗi khi có khách đến nhà là lập tức bé Tôm bò ngay vào gầm giường hoặc gầm bàn hay một xó xỉnh nào đó. Ai gọi thế nào cũng không ra. “Đầu tiên vợ chồng tôi chủ quan cứ đó là do Tôm nhút nhát quá, ngại tiếp xúc với người lạ. Nhưng rồi dần dần, chúng tôi phát hiện cháu có những biểu hiện bất thường không giống những đứa trẻ lên 3 khác” - anh Dũng kể. Càng ngày Tôm càng trở nên lầm lì, hầu như không bao giờ cười, khóc, cháu vẫn chưa biết nói, thường chỉ ú ớ những từ vô nghĩa. Những gương mặt ngây thơ cùng tham gia buổi lễ Hội chứng tự kỷ đang ngày càng phổ biến trong cuộc sống hiện đại. Nó được ví như một bức tường tối tăm, vô hình ngăn cách con người với cuộc sống xung quanh. Dù cho khoa học chưa tìm ra nguyên nhân và cách chữa trị nhưng qua nhiều nghiên cứu và thực tiễn đều chỉ ra rằng: Sự hiểu biết, đồng cảm và chia sẻ của cộng đồng sẽ mở ra cánh cửa giúp người tự kỷ tìm ra con đường hòa nhập với cộng đồng. Chính vì vậy, chương trình "Đi bộ vì con" chính là một cách để những người làm cha mẹ mở ra cánh cửa và đón đứa con của mình trở về từ "ngôi nhà tự kỷ". Chị Châu Giang (Thanh Xuân – Hà Nội) có con 5 tuổi bị mắc chứng tự kỷ tâm sự: "Khi xã hội hiểu biết, đồng cảm và giơ tay ra để đón nhận đứa con tự kỷ của chúng tôi thì những người làm cha mẹ cũng sẽ bớt cô đơn, vững vàng tinh thần để nuôi ngọn lửa hy vọng về tương lai của con". Bé Nghiêm Nhật Vũ rất vui vì hôm nay được gặp gỡ nhiều người. Bé liên tục giành micro của các cô chú phóng viên để hát. Chị Phương – Thành viên CLB Gia đình trẻ tự kỷ (Hand in hand), mặc dù không thể tự đi bằng đôi chân của mình mà phải nhờ chiếc xe lăn trợ giúp nhưng chị vẫn có mặt tại bờ hồ lúc 7h sáng cùng với hơn 1500 thành viên CLB và tình nguyện viên để ủng hộ chương trình đi bộ. Chị Phương cho biết: " Là cha mẹ của những đứa trẻ tự kỷ, chúng tôi thật sự đau lòng khi con mình bị cộng đồng kỳ thị xa lánh, bị coi tự kỷ là biểu hiện của tâm thần. Vì thế hôm nay chúng tôi có mặt ở đây và mong muốn rằng toàn xã hội sẽ có nhận thức đúng đắn đầy đủ về chứng tự kỷ, từ đó có những cử xử đúng đắn, những hành động thiết thực giúp trẻ em nói riêng và những người mắc bệnh tự kỷ nói chung hòa nhập được với cộng đồng, có thể có nghề nghiệp, sống tự lập, không còn là gánh nặng của gia đình và xã hội". Nhìn những gương mặt non nớt, những ánh mắt ngây dại của những em bé tự kỷ ai cũng phải xót xa, day dứt. Lời nhắn nhủ của các bậc làm cha làm mẹ có con tự kỷ – những người đang từng giây giây từng phút đấu tranh giành lại những đứa con từ căn bệnh quái ác – chính là những gì mà xã hội trăn trở cho thế hệ tương lai của đất nước: "Hãy mở rộng những trái tim biết san sẻ, yêu thương, cảm thông. Hãy dắt những cánh tay bé nhỏ đi trên đường phố. Một người có thể không đủ sức để tạo ra một thế giới thân thiện cho những khuyết tật, nhưng nếu có sự chung tay của cộng đồng thì điều không thể sẽ hoàn toàn có thể". Chương trình Đi bộ vì trẻ tự kỷ chính là một món quà ý nghĩa nhất mà Hà Nội mang đến trong ngày kỷ niệm Người khuyết tật Việt Nam, 18/4 . Chứng tự kỷ là một dạng khuyết tật phức tạp về phát triển, thường xuất hiện trong 3 năm đầu của trẻ. Đây là dạng rối loạn hoạt động chức năng của não bộ với rất nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng. Chứng tự kỷ đang ra tăng rất nhanh trong những năm gần đây mà chưa rõ nguyên nhân. Ở Mỹ tỷ lệ trẻ sơ sinh mắc tự kỷ là 1/110 trẻ. Còn tại Việt Nam, thông tin từ Bệnh viện nhi đồng I, TP Hồ Chí Minh: năm 2003 có 3 trẻ tự kỷ được điều trị, năm 2007 là 107, năm 2008 là 305. Bênh viện nhi Hà Nội: năm 207 có 405 trẻ tự kỷ được điều trị, 2008 là 963 trẻ, năm 2009 là 1.752 trẻ. Thanh Huyền

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/132n20100418080643263t132/mot-canh-tay-chia-ra-ngan-canh-tay-nam-lay.htm