Một cây cầu, nhiều thân phận: Cụ bà ôm mặt ngồi khóc giữa đất Sài Gòn

Hơn 11 giờ đêm, những người ăn xin còn ngồi trên cây cầu ông Lãnh, có những người sau một ngày lao động mệt mỏi mang chiếu ra rải, ngủ giữa trời đêm…

Những người ăn xin ngồi rải rác hai bên cầu Ông Lãnh (Q.1, TP.HCM) để chờ những món quà do người dân tốt bụng mang đến.

Đan Trường tặng quà cho những cụ già neo đơn, lang thang trên cầu Ông Lãnh. Ảnh: H.T

Qua câu chuyện của những người dân sống ở khu vực gần đó, mới biết được những người ăn xin ở đây có những người đáng thương thật, nhưng cũng có những người được trả lương, và cả những trường hợp còn khỏe mạnh nhưng lười lao động…

Họ gọi một người đàn bà ăn xin là bà “ba tấm”, vì nhà bà xây ba lầu, ở ngay quận 4, con cháu khá giả, nhưng bà vẫn ngồi đó xin ăn “có thể là do nghiệp”, người hàng xóm của bà “ba tấm” lý giải.

Cứ cách một đoạn lại có một người ngồi, già có, trẻ có, nhưng mặt ai cũng có vẻ rầu rĩ, thê lương, như tạo ra một bức tranh “sống động” giữa đất Sài Gòn…

Sang bên kia đường, tôi vô tình bắt gặp hình ảnh một bà cụ tóc bạc phơ, mặc áo phật tử, khoảng 70 tuổi với khuôn mặt rất phúc hậu.

Lân la hỏi chuyện, cụ vừa kể vừa khóc, như tìm được người giãi bày mà bao năm nay phải câm nín.

Được biết, cụ là một người Sài Gòn gốc, trước kia gia đình cũng khá giả lắm, nhưng trải qua nhiều biến cố, căn nhà hiện tại hai mẹ con phải thuê trọ, con trai cụ hơn 40 tuổi mắc bệnh gan giai đoạn cuối.

Trước kia, con của cụ xuất ngũ rồi đi làm cho một thư viện được gần 10 năm, không vợ không con, do uống rượu nhiêụ̀ nên đổ bệnh, cụ bán cả nhà đi để chữa bệnh cho con, giờ hết sạch tiền, cụ mới ra đây ngồi xin ăn.

Cụ bảo ngày đi chùa, tối nấu cơm cho con xong rồi lên đây ngồi đến gần 12 giờ đêm rồi lủi thủi về. Có lần, cô cháu họ nhìn thầy dì mình, hai dì cháu nhìn nhau khóc rưng rức…

“Bệnh nặng lắm, nó sống cũng chẳng được bao lâu, chăm tới khi nào nó chết rồi cụ mới nghĩ tới chuyện lên chùa ở hẳn..." Câu chuyện đang dang dở thì có vài sinh viên đi xe gắn máy qua biếu cơm cho cụ, tôi đứng lên xin phép ra về. Cụ bảo “khi nào rảnh con lại qua tâm sự với dì nha con.”

Màn sương buông xuống, ngoài đường xe cộ vẫn phóng ầm ầm, đủ thứ tiếng động góp phần tạo nên một Sài Gòn sống động, nhưng những người ở hai bên cây cầu vẫn nằm ngủ ngon, một ngày mới lại sắp bắt đầu.

Có thể, trong cuộc sống, nhiều người đã quá quen với những "màn kịch” được sắp sẵn từ trước. Tuy vậy, đa số chúng ta đều có lòng trắc ẩn, đặc biệt với những người già, trẻ nhỏ.

Và những người ăn xin ấy cũng đã làm nên được một điều quan trọng, đó là khơi gợi lại lòng trắc ẩn trong mỗi con người.

Đỗ Cao Cường

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/mot-cay-cau-nhieu-than-phan-cu-ba-om-mat-ngoi-khoc-giua-dat-sai-gon-138334/