Một chương trình “tỉnh ca” vinh danh quan họ!

Hòa trong không khí rộn ràng của vùng đất Kinh Bắc vào mùa hát hội, tối 28-2 chương trình giao lưu nghệ thuật mang tên “Về miền quan họ” do UBND tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Đài Truyền hình VN tổ chức đã diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, TP Bắc Ninh và được truyền hình trực tiếp trên VTV1. Thế nhưng, khán giả truyền hình cả nước mỏi mắt dõi theo “Về miền quan họ” mà chẳng hề tìm thấy bóng dáng của các liền chị liền anh.

Theo các nhà tổ chức, đây là hoạt động thiết thực chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và mừng sự kiện Dân ca quan họ Bắc Ninh vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Với một chương trình có nhiều mục đích và ý nghĩa như vậy, khán giả truyền hình cả nước những tưởng sẽ được đắm mình trong những làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh mượt mà da diết, để cùng khám phá di sản của nhân loại. Song càng chờ người xem chỉ thấy gọi tên quan họ với dòng sông Cầu mà chẳng hề thấy các nghệ nhân với những điệu Hừ la, La rằng, Đường bạn kim loan… của người quan họ. Nói chung, nó giống như một chương trình “tỉnh ca” chứ không phải là chương trình vinh danh quan họ, vinh danh một di sản phi vật thể của nhân loại. Có chăng chỉ là chút vớt vát ở màn “Giã bạn” sau cùng với áo mớ ba mớ bảy, với liền anh liền chị lưu luyến phút chia tay. Nhưng như thế chỉ càng làm cho người ta thấy tiếc cho một chương trình nghệ thuật quy mô vinh danh quan họ trong đúng đêm rằm tháng Giêng mà thôi. Phải thẳng thắn thừa nhận rằng nếu chỉ xét về mặt nghệ thuật, các bài hát như “Làng quan họ quê tôi” - Nguyễn Trọng Tạo, “Tơ hồng” - Nhất Sinh… được trình diễn trong chương trình “Về miền quan họ”… đều là những ca khúc nổi tiếng viết về quê hương Bắc Ninh. Cùng với những giọng ca được khán giả mến mộ như NSND Thu Hiền, Anh Thơ, Trọng Tấn…, đây sẽ là một chương trình nghệ thuật có chất lượng. Song, giá như những ca khúc ấy được hát ở một chương trình nghệ thuật riêng biệt nào đó chứ không phải được tổ chức trên đúng quê hương của dân ca quan họ, không mang tên là “Về miền quan họ”. Cuối năm 2009, dân ca quan họ Bắc Ninh đã chính thức được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể và kiệt tác truyền khẩu của nhân loại. Vì thế, những ngày đầu xuân 2010, cũng là mùa hát hội của vùng Kinh Bắc năm nay có ý nghĩa hơn rất nhiều và quan họ, hơn bao giờ hết lại nhận được sự đón đợi háo hức của người dân cả nước. Người người đều hy vọng rằng đây sẽ là một cơ hội để bứt phá, để người dân hiểu và yêu mến di sản mình đang nắm giữ và là bước ngoặt trong nỗ lực giúp quan họ phục hồi vốn cổ. Thế nhưng, dường như mong ước ấy rất xa vời khi một chương trình tôn vinh quan họ, được làm ngay trên cái nôi quan họ mà chẳng thấy bóng “quan họ thật”, “quan họ gốc” đâu. Rõ ràng cần có cách nhìn nhận và ứng xử khác với di sản quan họ Bắc Ninh N.VIỆT - M.AN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/vanhoavannghe/2010/3/219745/